Quý 1/2022, thu nhập nhân viên BĐS tăng gấp đôi nhân viên tài chính ngân hàng
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia nhận định: Thị trường bất động sản có thể trầm lắng khi lạm phát tăng cao, ngân hàng siết tín dụng cho vayTháng 4, những ngân hàng nào có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất?Ngân hàng sẽ có gói cho vay lãi suất 2%/nămQuý 1/2022, thu nhập nhân viên BĐS tăng gấp đôi nhân viên tài chính ngân hàng
Theo Nhịp sống kinh tế, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong các khu công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng. Đây chính là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, so với quý trước tăng 22,6% tương ứng 1,3 triệu đồng. Tiếp đến là lao động làm việc trong ngành dịch vụ với mức thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, so với quý trước tăng 20,5% tương ứng gần 1,3 triệu đồng. Còn lao động làm trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản có mức thu nhập bình quân là 3,7 triệu đồng, so với quý trước tăng 8,8% tương ứng khoảng 301 nghìn đồng.
Nếu như so với cùng kỳ năm 2021 thì lao động trong ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 3,1% tương ứng với 114 nghìn đồng. Đối với lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân tăng 1,4% tương ứng khoảng 100 nghìn đồng. Trong khi đó, những lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập tăng không nhiều so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng 78 nghìn đồng/người/tháng. Nếu xét về ngành kinh tế, Tổng Cục thống kê cho biết thu nhập của lao động trong quý 1/2022 đã có nhiều khởi sắc ở nhiều ngành kinh tế chủ lực so với quý trước. Cụ thể, những lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến và chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng tăng 24,2% tương ứng khoảng 1,4 triệu đồng. Còn lao động làm việc trong ngành bán buôn bán lẻ có mức thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 23,3% tương ứng khoảng 1,4 triệu đồng. Ngoài ra, lao động làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân là 10,8 triệu đồng, tăng 16,5% tương ứng khoảng 1,5 triệu đồng và ngành kinh doanh bất động sản lao động có mức thu nhập bình quân là 10,7 triệu đồng tăng 32,8% tương ứng khoảng 2,6 triệu đồng. Bên cạnh đó, lao động làm việc trong ngành sản xuất, phân phối điện và khí đốt có mức thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng, tăng 8,4% tương ứng khoảng 736 nghìn đồng.
Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngay trong quý 2/2022 đã giúp cho một bộ phận người lao động sớm quay trở lại làm việc. Chính vì thế, tình hình thất nghiệp ở quý 1/2022 đã ghi nhận có sự khả quan hơn, thay vì dịch bệnh diễn biến phức tạp như trước đây, người lao động khó có cơ hội tìm kiếm việc làm thì nay họ đã có thể tham gia vào thị trường lao động một cách thuận lợi hơn.
Tỷ lệ thanh niên không có việc làm tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận cao hơn Hà Nội
Trong báo cáo cũng cho biết, cũng trong quý I/2022, một bộ phận người lao động đã sớm quay lại thị trường lao động. Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là 2,46%, so với quý trước giảm 1,1 điểm phần trăm và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 2,88%, giảm 2,21 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Còn tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 24 ở mức cao là 7,93% thấp hơn 0,85 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Hơn thế, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở trong khu vực thành thị cao gấp 1,3 lần ở khu vực nông thôn tương ứng với 9,30% và 7,20%.
Cũng trong quý i/2022, cả nước đã có khoảng 1,7 triệu thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ghi nhận chiếm 13,3% tổng số thanh niên, giảm 166,0 nghìn người so với quý trước và giảm 291,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia vào quá trình học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị là 15,3% so với 10,1%.
So sánh theo 6 vùng kinh tế - xã hội thì tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia vào học tập và đào tạo tại Trung du và miền núi phía Bắc là cao nhất với 20,4%, tiếp theo là Đồng bằng Sông Cửu Long với 19,1%, so với quý trước giảm tương ứng 0,8 và 2,5 điểm phần trăm. Tỷ lệ này tại Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 1/2022 là 9,1% cao hơn so với TP. Hà Nội (7,2%). So với quý trước thì tỷ lệ này tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều giảm, tương ứng là giảm 5,7 điểm phần trăm và giảm 0,6 điểm phần trăm.