Hàng nghìn hồ sơ giao dịch bất động sản bị trả lại do nghi ngờ trốn thuế
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư "lướt sóng" sẽ chùn bước nếu đánh thuế bất động sảnCác địa phương đồng loạt siết việc mua bán “nhà hai giá” Giá nhà đất tăng hay giảm khi Nhà nước siết thuế bất động sản?Kê khai thấp hơn thực tế để trốn thuế
Theo VnEconomy, thực tế, vấn đề kê khai giá trị giao dịch bất động sản thấp hơn giá trị thực tế mua bán đã diễn ra nhiều năm qua. Đặc biệt, tình trạng này diễn ra ở các giao dịch bất động sản có giá trị lớn. Lý do là, nếu kê khai đúng với giá trị thực tế của chuyển nhượng bất động sản thì người bán sẽ phải chịu mức thuế cao. Do đó, xuất hiện tâm lý “né thuế”, khai gian trong giao dịch, chuyển nhượng bất động sản.
Ví dụ, một giao dịch có giá trị hàng tỷ đồng, nhưng khi làm thủ tục, các bên liên quan chỉ công chứng hợp đồng có giá trị vài trăm triệu. Còn thực tế, trên giấy tờ viết tay, đặt cọc, giá trị thực của bất động sản mới “lộ diện”. Việc này thoạt nhìn thì sẽ có lợi cho giao dịch, nhất là đối với các giao dịch cá nhân, nhưng tiềm ẩn những rủi ro và gây thất thoát nguồn thu của ngân sách.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, hành vi kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá giao dịch thực tế nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp là hành vi trốn thuế.
Hiện Luật thuế thu nhập cá nhân quy định, người bán sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân bằng 2% giá trị chuyển nhượng của bất động sản. Đối với các giao dịch có giá chuyển nhượng thấp hơn giá được quy định, thì người nộp thuế sẽ nộp theo giá của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Phí trước bạ nhà đất là 0,5% theo bảng giá đất được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Giả sử, một mảnh đất có giá trị giao dịch thực tế là 10 tỷ đồng, người bán sẽ phải nộp số tiền là 200 triệu đồng. Do đó, dễ nhận thấy là người dân sẽ có tâm lý khai báo không đúng thực tế để trốn thuế. Tuy nhiên, rủi ro sẽ có thể xuất hiện với cả người mua và người bán, khi các giấy tờ không được công chứng, chứng thực rõ ràng, rất dễ xảy ra tranh chấp.
Có thể nói, hiện tượng này gần như là một thực tế không tránh khỏi trong các giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, cơ quan chức năng rất khó để xác định chính xác do các mánh khóe tinh vi, dựa vào các khe hở của luật pháp nhằm trốn thuế.
Làm mạnh tay, có địa phương trả lại hàng nghìn hồ sơ
Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã có các biện pháp nhằm chống thất thu thuế trong kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản. Cụ thể, Bộ Tài chính ban hành văn bản số 438/BTC-VP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Thuế về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Bộ Tài chính cũng đã phối hợp, đề nghị Bộ Công an và công an các tỉnh, thành điều tra, xử lý các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế trong giao dịch, chuyển nhượng bất động sản.
Ngày 7/1/2022, Tổng cục Thuế cũng ban hành công văn về tăng cường công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo đó, để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, người dân, doanh nghiệp phải kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Tại một số địa phương, hành vi khai báo không trung thực cũng tỷ lệ thuận với số lượng giao dịch bất động sản. Cá biệt như Bà Rịa – Vũng Tàu, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã trả lại hơn 1.200 hồ sơ có dầu hiệu khai báo không trung thực về giá. Sau đó 155 hồ sơ đã điều chỉnh, thu về hơn 3 tỷ đồng cho nhà nước.
Tại Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố cũng đã yêu cầu các đơn vị công chứng tăng cường thực hiện các quy định về công chứng, giao dịch đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, qua đó kịp thời phát hiện các hành vi gian dối trong khai báo giá trị chuyển nhượng bất động sản.
Tại Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý thuế đối với các hoạt động chuyển nhượng, giao dịch bất động sản trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị không hướng dẫn, tạo điều kiện để các bên tham gia giao dịch thực hiện các hành vi trốn thuế như “ký gửi, ký chờ”; khai giá chuyển nhượng, mua bán, cho thuê bất động sản thấp hơn giá thực tế giao dịch; hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, mua bán để công chứng hợp đồng chuyển nhượng, mua bán khác nhằm mục đích trốn thuế.
Tại các tỉnh, thành khác như Long An, theo Cục Thuế tỉnh, từ đầu năm đến nay, các Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh trả lại và yêu cầu điều chỉnh nâng giá đúng với thực tế giao dịch đối với hàng trăm hồ sơ nhà đất. Theo đó, có tới 473 hồ sơ được người nộp thuế tự điều chỉnh giá giao dịch phù hợp, tăng thu thuế nộp ngân sách hơn 2,1 tỷ đồng. Theo Cục Thuế tỉnh Long An, việc kiểm tra những hồ sơ "nghi ngờ" có dấu hiệu trốn thuế là để đảm bảo quyền lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng lách luật, trốn thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng bất động sản, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng và quản lý hệ thống thông tin cá nhân đầy đủ. Từ đó, ngành thuế và các đơn vị liên quan phối hợp, thống nhất sử dụng thông tin để quản lý việc sở hữu bất động sản của từng cá nhân.
Khi có giao dịch, chuyển nhượng bất động sản, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra lịch sử giao dịch, so sánh giá trên hồ sơ và kịp thời phát hiện những hành vi gian dối. Thậm chí, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có thể chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định. Đây là một trong các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng “né thuế” chuyển nhượng bất động sản.