Hàng loạt doanh nghiệp may mặc mải miết tìm đơn hàng cuối năm
BÀI LIÊN QUAN
Ngành dệt may tự tin với mục tiêu 42 tỷ USD cho cả năm 2022Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Thiếu hụt đơn hàng trong ngành có thể kéo dài đến quý đầu năm sauDoanh nghiệp dệt may, thuỷ sản nên làm gì để “vượt bão” khi đơn hàng xuất khẩu giảm đột ngột ngay lúc cao điểm?Nhiều doanh nghiệp “đói khát” đơn hàng
Nếu như vào cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp dệt may tại Thanh Hóa đang tất bật tăng ca sản xuất, thậm chí còn liên tục tuyển thêm các lao động “thời vụ” nhằm đáp ứng được kịp thời những đơn hàng đã ký kết. Thế nhưng năm nay mọi chuyện đã khác. Tình hình thị trường có vẻ ảm đạm hơn rất nhiều, đa phần các doanh nghiệp trong ngành mới ký hết đơn hàng đủ để sản xuất từ 50% cho đến 60% công suất trong 2 tháng cuối năm. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “đong đếm” từng đơn hàng, thậm chí còn bị ép giá xuống từ 20% cho đến 30%.
Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà (Thị xã Bỉm Sơn) được biết đến là một trong số những nhà máy thuộc Tập đoàn Tiên Sơn (Thanh Hóa) và đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại địa phương cùng mức thu nhập bình quân hàng tháng dao động trong khoảng 9-10 triệu đồng/người. Vào những tháng cuối năm 2021, doanh nghiệp này đã liên tục phải tổ chức tăng ca, tuyển thêm nhiều lao động vì ghi nhận số lượng đơn hàng tăng đột biến vào dịp cuối năm.
Đến năm nay, việc tìm kiếm đơn hàng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Để níu chân người lao động, việc sản xuất chỉ được tiến hành ở mức cầm chừng. Nếu như kéo dài tình trạng này, doanh nghiệp có thể buộc phải tính đến phương án cắt giảm lao động.
Liên quan đến tình trạng này, chị Nguyễn Thị Tươi - công nhân tổ 6 của nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà cho biết, doanh nghiệp bằng tầm giờ năm ngoái đang có rất nhiều đơn hàng, công nhân chẳng lo hết việc. Họ thường xuyên phải tăng ca nên thu nhập cũng tăng lên rất nhiều. Thế nhưng năm nay thị trường gặp nhiều khó khăn, đơn hàng heo hút nên việc làm cũng ít. Nếu như tình trạng trạng này tiếp tục kéo dài, nguy cơ công ty cắt giảm nhân công là rất cao. Hơn nữa, Tết Nguyên Đán cũng sắp đến, các công nhân đều rất lo sợ rơi vào cảnh không việc làm, thu nhập giảm.
Một người khác trong nhà máy là chị Nguyễn Thị Lan - công nhân tỏ 14 cho biết, chị mong muốn công ty có thể ký kết được nhiều đơn hàng hơn nữa, giúp người lao động có thêm nhiều việc làm để gia tăng thu nhập. Bằng giờ năm ngoái, thu nhập bình quân của các công nhân sau khi tăng ca là từ 12-13 triệu đồng, họ có thêm điều kiện để chăm lo cho ngày Tết. Tuy nhiên, Tết năm nay nhiều khả năng sẽ khó khăn hơn nhiều vì đơn hàng thiếu thốn khiến thu nhập giảm xuống một nửa.
Từ đầu tháng 7 năm nay, tình trạng thiếu đơn hàng đã bắt đầu xuất hiện. Thời điểm hiện tại, đang có khoảng 2 trong số 3 doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội dệt may Thanh Hóa bị thiếu đơn hàng. Những doanh nghiệp này đang tìm mọi biện pháp để có thể duy trì sản xuất cũng như ổn định việc làm, giữ chân người lao động. Trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp cũng đang triển khai một số giải pháp tạm thời, bao gồm: Chấp nhận những đơn hàng giá thấp để người lao động có việc làm, cho công nhân giãn việc, thực hiện việc cắt giảm nhân sự vì nguồn lực tài chính không đủ.
Đáng chú ý, theo chia sẻ của ông Vũ Văn Thành - Giám đốc Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà chia sẻ, vào thời điểm này năm 2021, lương công nhân trung bình là khoảng 9 triệu, nhưng đến năm nay đã giảm xuống còn chỉ còn 6 triệu vì không có đơn hàng. Trong 2 tháng đầu đầu năm tới, khách hàng còn thông báo sẽ cắt giảm khoảng 50% đơn hàng. Vì thế, số lượng công nhân sẽ ngày càng phải giảm giờ làm, ngày làm và thậm chí là phải nghỉ việc.
Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp dệt may vẫn đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách. Nhiều doanh nghiệp cố gắng đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm đối tác ở trong thị trường truyền thống với những mặt hàng đặc trưng và có giá trị xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nỗ lực bắt kịp xu thế của thị trường, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, sẵn sàng chuyển đổi để có thể thích ứng với những yêu cầu từ nhãn hàng; tăng cường giải pháp xây dựng và đào tạo nguồn lực để thích ứng với những giai đoạn khó khăn của thị trường; chủ động kết nối, chia sẻ rủi ro và lợi ích với doanh nghiệp khác.
Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cũng có những lý giải quan trọng về nguyên nhân gây ra khó khăn, khiến doanh nghiệp dệt may khó tìm kiếm đơn hàng. Theo ông Lâm, trên địa bàn tỉnh thời điểm hiện tại đang có khoảng 262 doanh nghiệp dệt may, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 100.000 lao động với mức thu nhập khá ổn định.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, ngành may nói chung và Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong năm nay gặp khá nhiều khó khăn, buộc phải sản xuất giãn cách và thay ca, chấm dứt hợp đồng với nhiều lao động. Vào đầu năm nay, dù ngành may đã có phần khởi sắc sau khi các thị trường mở cửa nhưng từ tháng 9 trở đi, lạm phát trên toàn cầu tăng cao khiến đơn hàng may mặc bị cắt giảm. Thậm chí, nhiều đơn hàng bị cắt giảm đến 70%, 80% và còn hủy cả 100% đơn hàng.
Hiện nay, nhiều công ty may trong hiệp hội đang rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, hoặc cho công nhân đi làm luân phiên ngày làm ngày sẽ nghỉ. Trong khi một số doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn về tài chính vì ngân hàng siết chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp trả nợ vào nhưng lại chẳng thể nào vay ra.
Vì thế, ông Lâm kiến nghị: “Đứng trước khó khăn này, Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa đã liên tục tổ chức tọa đàm, kiến nghị với các cơ quan chức năng để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp giữ vững và tồn tại để phát triển sau này. Đó là phải nới room tài chính và ưu tiên giải ngân cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu để có điều kiện bù đắp tiền lương cũng như chế độ, giữ chân người lao động để những năm tiếp theo khi thị trường thế giới ổn định và phát triển, ngành dệt may tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước, cũng như ngân sách địa phương…”.
Ngành dệt may sẽ khó khăn đến hết quý II/2023
Mới đây, tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng chia sẻ, một số khách hàng của May 10 đang tiến hành rà soát lại hàng tồn kho. Lúc đầu, họ cứ nghĩ rằng mùa này bán được hàng, thế nhưng hiện tại đã sắp tới Giáng sinh mà hàng tồn kho quá nhiều nên đã quyết định hủy đơn hàng.
Do đó, ông Việt dự báo, từ quý 1 đến quý 2 năm sau, ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi đã mua nguyên phụ liệu, dù cả như thế họ vẫn nói luôn là từ từ hãng sản xuất, bởi hàng tồn kho lớn, dự trù nếu như bán được trong mùa Giáng sinh họ mới đặt tiếp. Có khoảng 10 đến 15% khách hàng của chúng tôi yêu cầu đợi ra Tết rồi hãy sản xuất”, vị lãnh đạo này bổ sung.