Hàng loạt điểm mới của Tiki: Từ thay logo, đổi “tướng” đến bán ô tô điện trên sàn thương mại điện tử
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường khó khăn, môi giới bất động sản “khó chốt khách” nên bỏ đi làm shipper, Tiktoker để kiếm thêmChâu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm của ngành giải trí kỹ thuật số nhờ sự kết hợp của game và TikTokTikTok Shop khó có thể giành vị trí dẫn đầu của Shopee hay Lazada vì yếu tố quan trọng nàyTheo Nhịp sống thị trường, vừa qua, Tiki đã chính thức tuyên bố cải tiến dịch vụ với slogan mới là "Tốt và Nhanh". Như vậy, sau 13 năm, công ty cũng đã thay đổi logo thương hiệu. Ngoài ra, nhà sáng lập Trần Ngọc Thái Sơn cũng không còn là Tổng Giám đốc trực tiếp điều hành.
Những điểm mới về thương hiệu, nhân sự và dịch vụ
Hôm 15/8, Fanpage Facebook của Tiki đã đăng tải video công bố thay đổi bộ nhận diện thương hiệu với nền xanh dương nhạt đã chuyển thành màu đậm hơn.
Trong bộ nhận diện thương hiệu mới, hai biểu tượng mặt cười trên mỗi chữ “i” đã không còn, mà thêm nét cách điệu màu cam trong chữ “k”.
Tên thương hiệu Tiki đã tồn tại kể từ khi sàn thương mại điện tử này ra đời vào năm 2010, là viết tắt của từ slogan “Tìm kiếm và Tiết kiệm”. Thế nhưng, giờ đây slogan của Tiki cũng được đổi thành “Tốt và Nhanh”, nhằm khẳng định về mục tiêu chỉ cung cấp hàng chính hãng 100% và thúc đẩy nhận hàng nhanh.
Chi tiết hơn, Tiki đưa ra thông báo giới thiệu tính năng “Giao đúng khung giờ đầu tiên tại Việt Nam”, đồng thời triển khai cho 1 triệu sản phẩm và nhà bán đủ điều kiện và áp dụng cho đơn hàng trong nội thành của Hà Nội và TP HCM. Theo đó, Tiki cam kết sẽ giao hàng chính xác thời gian nhận trong khung 4 giờ, có thể là sáng hoặc chiều. Bên cạnh đó là cam kết đền bù 111% nếu phát hiện là hàng giả.
Tiki cũng phát đi thông báo trong ngày 15/8 về việc giới thiệu 2 tổng giám đốc mới, là bà Vũ Thị Nhật Linh đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc TikiNow Logistics (TNSL) và ông Richard Triều Phạm giữ chức Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiki (Tiki).
Trước đó, ông Richard Triều Phạm giữ chức vụ là Giám đốc Tài chính của Tiki, phụ trách phát triển các mảng FinTech, InsurTech, nền tảng bán vé Ticketbox, và cũng dẫn dắt Tiki cho đợt gọi vốn series E thành công vào năm 2021.
Vị trí mới được ông đảm nhận vốn do nhà sáng lập Tiki Trần Ngọc Thái Sơn nắm giữ trong suốt những năm qua. Hiện tại ông Sơn đảm nhận vai trò mới là Chủ tịch HĐQT Công ty Tiki Global Pte.Ltd (Tiki Global).
Theo Tiki thông tin, cùng hàng loạt điểm mới về nhân sự và dịch vụ, việc thay đổi logo và nhận diện thương hiệu mới của công ty không chỉ là sự thay đổi về hình ảnh, mà còn là định hướng lâu dài nhằm đem đến dịch vụ tốt nhất đối với đời sống của người Việt.
Một bài viết trên fanpage Facebook của Tiki có đoạn: “Hai tân Tổng giám đốc của Tiki sẽ là bộ đôi vàng hoàn thiện bộ máy nhân sự và chiến lược của Tiki, đưa Tiki phát triển trở thành sàn e-Commerce hàng đầu, nơi các gia đình Việt an tâm mua sắm”.
Nỗ lực tìm vị trí trong cuộc đua của thị trường thương mại điện tử
Tiki đã thực hiện những thay đổi trong bối cảnh sàn thương mại điện tử này bị cho là có tín hiệu “hụt hơi” trước những đối thủ mạnh như Shopee, Lazada và cả “thế lực mới nổi” TikTok Shop.
Báo cáo của nền tảng số liệu E-commerce Metric cho thấy Tiki chỉ chiếm 1% thị phần doanh thu của các sàn thương mại điện tử trong quý II/2023, trong khi Shopee giữ 63%, TikTok Shop chiếm 20% và Lazada chiếm 16%. Con số 1% của Tiki cũng thấp hơn so với mức 2,2% mà sàn thương mại điện tử này đạt được trong quý đầu năm.
Theo Metric, từ đầu năm đến nay, thị phần của Shopee gần như không thay đổi. Điều đó đồng nghĩa với việc TikTok Shop đang thực sự lấy đi thị phần của những sàn thương mại điện tử còn lại.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works khi tính đến GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa), GMV trên TMĐT năm 2022 tại Việt Nam đạt 9 tỷ USD. Trong đó, Tiki chỉ đóng góp 6% - tương ứng 540 triệu USD và GMV trên Shopee chiếm tới 63% toàn thị trường, đạt khoảng 5,67 tỷ USD.
Bởi vậy, những thay đổi và điểm nhất về dịch vụ được xem là cần thiết để Tiki có thể lấy lại đà trong cuộc chiến thương mại điện tử, nhất là trước những bước tiến như vũ bão của TikTok Shop.
Tiki và thương hiệu ô tô điện Wuling của liên doanh GM (Mỹ) - HongGuang MiniEV vào ngày 18/8 đã kí kết hợp tác chiến lược, đưa Wuling HongGuang MiniEV trở thành mẫu ô tô điện đầu tiên được bày bán trên một sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.
Mẫu ô tô điện Trung Quốc này ra mắt tại Việt Nam kể từ cuối tháng 6. Sau ít tháng, mẫu xe đã thu hút nhiều sự chú ý khi trở thành sản phẩm khai mở phân khúc ô tô điện mini trên thị trường.
Trên Tiki, khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn một trong 4 phiên bản của Wuling HongGuang MiniEV và mua theo hình thức đặt cọc, và thanh toán linh hoạt. Khi đặt cọc trước trên Tiki, khách hàng có quyền lợi được hưởng ưu đãi mở bán và có cơ hội ưu tiên nhận xe sớm hơn. Bên cạnh đó, Wuling còn cung cấp quà tặng 6 triệu đồng dành cho 500 khách hàng tiên phong.
Trước đó, Tiki đã có một hoạt động khác đáng chú ý vào đầu tháng 5. Đó là tích hợp ChatGPT vào nền tảng khi ứng dụng này đang gây sốt trên thị trường. Chỉ cần tạo Tiki là người dùng có thể dùng trên cả website và app, mà không mất bất kỳ khoản chi phí nào.
Đó dường như là một tính năng cộng thêm mà không tạo nên bất kỳ thay đổi nào đối với trải nghiệm mua hàng. Thế nhưng, Tiki có thể đạt được lượng truy cập lớn hơn nhờ sức hút của chatbot trò chuyện ChatGPT nhờ bước đi này.