Hà Tĩnh: Giá đất chững lại sau thời gian dài tăng mạnh
BÀI LIÊN QUAN
Hải Phòng đặt mục tiêu số hóa, công khai giá bất động sản, quy hoạchNgười được lợi trong vòng xoáy giá bất động sản là ai?Giá bất động sản "ngược chiều" với nguồn cung, những điểm nghẽn nào cần được tháo gỡ?Nhiều nhà đầu tư “tháo chạy”
Lợi dụng các thông tin quy hoạch dự án để “thổi giá” khiến cho giá đất tại nhiều địa phương tăng “chóng mặt” là không hiếm thấy tại Hà Tĩnh và các tỉnh khu vực lân cận. Kể cả những vùng quê xa trung tâm, thiếu cơ sở hạ tầng, đất vẫn được rao bán với giá từ 500 – 600 triệu đồng cho một thửa đất có diện tích 250m2.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các sàn giao dịch bất động sản ở Hà Tĩnh hoạt động ở mức cầm chừng, nhiều hợp đồng giao dịch dang dở, tình trạng bỏ cọc diễn ra khá phổ biến.
Sau khi dự án Nhà máy may mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina tại huyện Thạch Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Thị trường đất ở đây trở nên nhộn nhịp khi hàng trăm “cò mồi” trong và ngoài tỉnh tìm về để đầu cơ, “lướt sóng”, thì hiện nay, không còn người hỏi mua đất, chỉ còn người tìm cách bán đất bù lỗ.
Ông Nguyễn Trọng Cường, người dẫn xã Việt Tiến huyện Thạch Hà chia sẻ: “Hơn một tháng trước, mỗi ngày có khoảng 300 xe ô tô về các thôn Lộc Thọ, Việt Yên, Trung Trinh, Bùi Xá, Hòa Bình... là khu vực gần dự án Nhà máy may mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina để tìm mua đất. Gia đình tôi cũng có trên dưới 20 khách đến hỏi mua đất, có lúc phải đóng cửa không tiếp. Giá đất thay đổi từng ngày, những vị trí đẹp ở thời điểm trước rao bán vài trăm triệu không ai mua, rục rịch dự án đất bán tiền tỉ. Thế nhưng, gần đây không thấy nhà đầu tư nào hỏi mua đất ở đây nữa”.
Cách đây 2 tháng, một người ở Nghệ An chốt mua mảnh đất rộng 1000m2 của gia đình ông Đ.N.T với mức giá 3,8 tỷ đồng kèm lời hẹn sẽ trồng tiền sau nửa tháng. Tuy vậy, đến hạn, bên mua lại huỷ hợp đồng mua bán và đồng ý mất 300 triệu đồngtiền cọc.
Hay từ khi có thông tin UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị du lịch biển Mỹ Hòa ở xã Yên Hòa và Khu đô thị nghỉ dưỡng, sân golf ở xã Cẩm Dương huyện Cẩm Xuyên, người dân ở đây đã quen với cảnh cả trăm chiếc ô tô xếp hàng từ sáng tới tối, hỏi mua đất với mức giá cao bất ngờ.
Ông Nguyễn Bá Kỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Giá đất một số thôn trên địa bàn xã thời gian qua liên tục tăng cao. Trong “cơn sốt” này, rất nhiều trường hợp người dân đã cắt đất bán nền, gây ra nhiều hệ lụy. Tuy vậy, hơn 1 tháng nay mọi hoạt động mua bán đất trên địa bàn hầu như đã ngưng lại, thậm chí có cả việc nhiều người chốt mua đất nhưng lại bỏ cọc cả trăm triệu”.
Đưa thị trường bất động sản Hà Tĩnh về với giá trị thực
Trước tình hình thị trường bất động sản nhiễu loạn, giá đất bị “thổi phồng”, Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Hoạch: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã tập trung chú trọng việc phổ biến pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, đồng thời, công bố công khai, kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các công trình và dự án đang triển khai. Thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến việc đăng ký quyền sử dụng đất, tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất... Cùng với đó, Sở cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi không đưa đất vào sử dụng; sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, gây ảnh hưởng tới thị trường bất động sản của địa phương, ngày 25/3, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, với mục đích kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất gây nhiễu loạn thị trường.
Đoàn do Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, đang trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 6 năm 2022.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các hội sở chính, ngân hàng thương mại Hà Tĩnh đã tiến hành siết chặt tín dụng bất động sản. Theo đó, nhiều ngân hàng đặc biệt lưu ý với các khoản vay tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực bất động sản, hạn chế cho vay bất động sản, tham gia đấu giá đất…
Ông Nguyễn Văn Trung – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã ra yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm các giải pháp, nhiệm vụ đảm bảo việc kiểm soát chặt các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đồng thời, hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ”.
Ngoài ra, ngành thuế cũng ban hành công văn về việc tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản vào cuối tháng 2/2022, đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người nộp thuế kê khai chính xác, trung thực, hạn chế tình trạng chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản và phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh xử lý hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Khi giá bất động sản được đưa về đúng trị thực sẽ mang lại lợi ích cho những người có nhu cầu thật. Cùng với đó, giá đất ổn định sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bởi lúc này, người dân đủ khả năng để đầu tư vốn vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác thay vì đổ vốn vào bất động sản. Đặc biệt, cắt được “cơn sốt” của thị trường đất đai sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tiến độ triển khai các dự án.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đánh giá: “Thị trường bất động sản khi đi vào ổn định sẽ góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, từ đó, tiến độ các dự án đang triển khai một cách nhanh chóng, đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, khi các thông tin về đất đai được công khai, minh bạch, ổn định là một tròng những yếu tố tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, bởi đây là “điểm cộng” đối với các doanh nghiệp lựa chọn địa điểm đầu tư dự án”.