Người được lợi trong vòng xoáy giá bất động sản là ai?
BÀI LIÊN QUAN
"Nghẹn lòng" khi cầm tiền tỷ cũng không mua được mảnh đất ở quê"Ảo tưởng" giá đất tăng, nhà đầu tư "mua dễ bán khó"Giá căn hộ tại TP. Thủ Đức liên tục thiết lập đỉnh mới khiến ai cũng phải choángTheo Thời Báo Kinh Doanh, các dữ liệu thăm dò của loạt đơn vị nghiên cứu hàng đầu cho thấy, sau nhiều lần thanh lọc, thị trường đang tồn tại 4 nhóm đầu tư chính tham gia vào hoạt động mua bán đất là: nhà đầu tư chuyên nghiệp (không kể các doanh nghiệp địa ốc lớn), giới đầu cơ, nhà đầu tư mới (F0) và người mua nhà ở thực.
Người mua nhà ở thực gặp khó chồng khó
Sau hàng loạt cơn sốt, giá nhà tăng cao khắp nơi, những người có nhu cầu ở thực rõ ràng đang là đối tượng yếu thế nhất trong cuộc đua "tứ mã" khi nhà giá rẻ đã biến mất trên thị trường, thay vào đó là loại hình nhà hợp túi tiền nhưng mặt bằng giá trung bình có thể lên đến 25-40 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát của các đơn vị nghiên cứu, nhóm mua nhà ở thực sẽ tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi nhất khi giá nhà đất tăng cao trong năm 2022 do tác động của trượt giá, lạm phát tăng nhanh. Đặc điểm của nhóm này là thường có phản ứng chậm đối với các biến động trên thị trường.
Từ Bắc Giang ra Hà Nội lập nghiệp đã được gần 10 năm, với tổng mức thu nhập của hai vợ chồng là hơn 30 triệu đồng/tháng, đến nay anh Trần Quốc Tuấn vẫn ở nhà thuê cùng niềm hối hận muộn màng.
Anh Tuấn chia sẻ rằng, năm 2016, với mong muốn an cư lạc nghiệp, anh tính toán đến chuyện mua nhà. Với số tiền gần 1 tỷ đồng, anh tìm hiểu được một căn hộ có diện tích 70m2 tại Bắc Từ Liêm, gần nơi làm việc. Đáp ứng đủ mọi tiêu chí, tuy nhiên để sở hữu được căn hộ này, anh phải vay thêm hơn 500 triệu đồng.
"Xét trên mức thu nhập thời điểm đó, tôi quyết định đợi thêm một năm để đủ tiền, bất chấp lời khuyên của môi giới là nên vay ngân hàng trả góp. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, giá căn hộ này tăng lên 2,2 tỷ đồng, đồng nghĩa tiền thiếu từ 500 triệu công thêm 700 triệu. Kể từ đó đến nay, khu căn hộ này hiện có giá gần 4 tỷ đồng và tôi vẫn chưa có nhà", anh Tuấn cay đắng kể lại.
Thực tế cho thấy, tình cảnh của anh Tuấn chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân có nhu cầu mua nhà ở thực phải "ôm hận" bởi những đợt sóng tăng giá điên cuồng của thị trường bất động sản trong những năm gần đây. Và giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp và trung bình càng ngày càng xa.
Không chỉ có nhóm có nhu cầu ở thực, nhóm nhà đầu tư mới (F0) cũng là đối tượng chịu nhiều rủi ro trong bối cảnh thị trường "sốt nóng" ở khắp nơi. Những nhà đầu tư F0 thường kỳ vọng vào sản phẩm có khả năng sinh lời cao, thậm chí họ chấp nhận mạo hiểm để đầu tư. Với tâm lý thích chốt lời để thực hiện hóa dòng tiền nhưng có ít kinh nghiệm, F0 thường sử dụng vốn vay một cách thiếu thận trọng hơn so với phần còn lại của thị trường.
Trong năm 2022, nhóm này có thể gặp nhiều khó khăn trong việc xả hàng do tính thanh khoản của thị trường thấp , dễ mua khó bán. Có thể thấy, F0 thường dễ bị tác động bởi tâm lý sợ lỡ cơ hội (FOMO - Fear Of Missing Out) nên nhiều trường hợp sẵn sàng dùng đòn bẩy tài chính để đón đầu sóng tăng giá.
Giới đầu cơ vẫn hốt bạc
Nếu nhóm người có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư F0 chịu nhiều rủi ro trong vòng xoáy tăng giá thì nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp và giới đầu cơ lại đang là những người hưởng lợi.
Theo kết quả thống kê, nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp đang gia tăng nhanh về số lượng, với khối lượng tài sản nắm giữ ngày càng lớn. Nhóm này có thế mạnh về tài chính, pháp lý và hoạt động với tôn chỉ "mua khi bình lặng, bán khi nóng sốt", thường chịu ít rủi ro nhất trong "bộ tứ" mua bán nhà đất.
Tuy nhiên, nhóm "ăn đậm" nhất và cũng có tác động mạnh đến diễn biến thị trường nhất cần kể tới giới đầu cơ. Theo các chuyên gia phân tích, hiện diện trong những cơn sốt đất, nhóm này một tay tích trữ tài sản, một tay tác động đến việc đẩy giá để gấp đôi, gấp ba lợi nhuận, gây ra những tác động tiêu cực.
Ví dụ, trong 3 năm qua, bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19, anh Lê Minh Cường (Cầu Giấy, Hà Nội), là một tay đầu cơ giàu kinh nghiệm vẫn liên tục có những "thương vụ hốt bạc". Nổi bật trong số đó đến từ vụ "lướt sóng" mảnh đất gần 100m2 nằm ven QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai.
Anh Cường kể rằng, vào cuối tháng 11 năm 2021, để đón sóng khi QL6 được mở rộng, anh cùng vài người bạn đã "đổ bộ" xuống khu vực này để "săn" đất nền. Sau một thời gian tìm kiếm, anh tìm được một lô đất rộng hơn 300m2, giá trị khoảng 7 tỷ đồng, được đánh giá là hời do chủ đất cần tiền gấp.
Do đó, anh Cường quyết định vay gần 4 tỷ đồng để đầu tư, sau đó tiến hành tách thành 3 lô. Đến cuối tháng 3 năm 2022, 3 lô đất này sau khi làm giấy tờ xong đã được bán chốt lời với giá bình quân 3,5 tỷ đồng/lô. Đồng nghĩa với việc sau chưa đầy 5 tháng, anh đã "ăn đậm" hơn 3 tỷ đồng.
Các trường hợp cụ thể cùng các số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, giá nhà đất vẫn đang tiếp tục được đẩy lên cao. Trong bối cảnh đó, giới đầu cơ luôn thể hiện độ lọc lõi với các vụ lướt sóng kiếm bạc tỷ, trong khi đó những người mua nhà đất với nhu cầu ở thực vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, kể từ cuối năm 2021, các cơ quan ban ngành đã vào cuộc rất sát sao nhằm kiểm soát tình trạng sốt đất ở nhiều nơi, tuy nhiên để ổn định giá nhà đất thì cần có thêm nhiều giải pháp trực diện để thanh lọc thị trường, trong đó các công cụ pháp lý để thu hẹp "đất sống" của giới đầu cơ là vô cùng cần thiết.