Hạ tầng kém, thiếu tiện ích, đất Củ Chi vẫn “sốt hầm hập”, một người bán vạn người muốn mua
BÀI LIÊN QUAN
Giới đầu tư nói gì về dòng vốn gần 300.000 tỷ đồng sắp đổ vào Củ Chi?Giá đất Củ Chi sốt nóng và nỗi lo “bong bóng phình to”Đất đai huyện Hóc Môn và Củ Chi lại bị đẩy giáHạ tầng giao thông chưa phát triển, chưa có các dự án quy mô lớn, thiếu vắng các dịch vụ tiện ích cần thiết nhưng đất Củ Chi vẫn được giới đầu tư háo hức săn đón. Giá đất đai tại khu vực này tăng lên mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đất Củ Chi tăng hàng ngày, hàng giờ
Mới buổi sáng đầu tuần, chị Ngô Ngọc Mai (TP Thủ Đức) đã cùng nhóm bạn của mình lặn lội hơn 40km đến Củ Chi từ sớm, không phải để hóng mát, thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng ngoại ô mà là để “chạy đi xem đất”. Việc mua bán đất tại Củ Chi những ngày này vô cùng náo nhiệt, sôi động.
Ngày hôm trước, một nhân viên môi giới đã thông báo cho chị Mai về 7 lô đất tại đây trong đó có đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất thổ cư. Đất chính chủ, được khách hàng xuống tiền đặt cọc hay mua được gọi là F1. Những nhà đầu tư như chị Ngọc Mai là dân chuyên “săn” đất, hễ thấy thị trường ở đâu “nóng” là mua bán đón lõng thời cơ, chờ ngày kiếm lời.
Một mảnh đất vườn nằm trên cánh đồng xã Trung Lập, diện tích khoảng 600m2, cách khá xa đường nhựa, được nhân viên môi giới “hét” giá lên tới 1,2 tỷ đồng. Mức giá này được hứa hẹn đảm bảo mang lại lợi nhuận cho khách hàng trong tương lai theo lời nhân viên môi giới hết lòng tư vấn.
Một miếng đất khác cũng là đất nông nghiệp, diện tích 500m2 nhưng có 100m2 diện tích là đất thổ cư được chào bán với giá 2,3 tỷ đồng. Giá này cao gấp đôi miếng đất phía trên bởi có đất thổ cư. Trong khi đó, một lô đất khác là đất trồng cây lâu năm và không có diện tích đất thổ cư, diện tích 500m2 cũng đang được rao bán với giá gần 4 tỷ đồng. Lô đất này được môi giới nhiệt tình giới thiệu là có địa thế đẹp, đang được trồng cây ăn quả lâu năm, có ao cá, đã xây tường và dựng lều, rất phù hợp để người thành phố về đây xây biệt thự nghỉ dưỡng, nghỉ ngơi cuối tuần. Đặc biệt khu đất này không nằm trong vùng quy hoạch nên người mua có thể hoàn toàn an tâm.
Sau vài vòng tìm kiếm và xem xét, chị Mai quyết định chốt mảnh đất 500m2 có đất thổ cư giá 2,3 tỷ đồng do ưng ý cả về vị trí lẫn tiềm năng. Tuy nhiên, bất ngờ là khi chị Mai quay lại, chủ đất kiên quyết đòi giá tới…2,5 tỷ đồng, tăng 200 triệu đồng so với trước đó chỉ 1 tiếng đồng hồ.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở xã Trung Lập Hạ, nhân viên môi giới tối ngày hôm trước rao bán 3 lô đất. Nhưng khi chị Mai quan tâm hỏi thông tin thì được cho hay, nhóm môi giới khác đã đặt cọc mua sỉ cả 3 lô đất và bán cho một sàn bất động sản.
Do nắm trong tay nhiều thông tin nên đối với các lô đất đẹp, nhân viên môi giới nhanh chóng “chớp” thời cơ, “xuống tiền” ngay, chờ bán lại cho người sau. Đây là nguyên nhân khiến cho thị trường đất Củ Chi những ngày qua cực kỳ sôi nổi. Theo khảo sát, giá đất Củ Chi hiện đã tăng khoảng 30-50% so với trước Tết.
Nhà đầu tư cẩn trọng nếu không muốn ôm “quả đắng”
Tại Củ Chi ở thời điểm này, từ người bán nước cho đến anh xe ôm, cô bán tạp hóa…đều có thể trở thành “chuyên gia môi giới nhà đất”. Chị Mai Thị Thùy, một người dân sinh sống ở Củ Chi chia sẻ thông tin, trước đây chị là chủ một quán cắt tóc gội đầu. Kể từ khi đất địa phương lên cơn “sốt”, chị quyết định đóng cửa hiệu, chuyển sang làm “cò” đất.
Ở Củ Chi có rất nhiều loại “cò đất”. Thứ nhất là những người dân địa phương giống như chị Thùy. Họ sẽ nghe ngóng thông tin từ những những người thân quen muốn bán đất, tư vấn lại cho khách hàng có nhu cầu mua để kiếm hoa hồng.
Đối tượng môi giới đông nhất phải kể tới các công ty tư vấn bất động sản có văn phòng đặt tại thị trấn, khu vực trung tâm xã, thôn. Các công ty môi giới này thực chất làm công tác môi giới thì ít mà mua đi bán lại đất đai là nhiều. Họ săn lùng trên địa bàn địa phương các lô đất đẹp, có khả năng sinh lời để đặt cọc, sau đó môi giới bán lại chính mảnh đất này cho khách mua sau. Vì thế đất Củ Chi sốt lên từng ngày, từng giờ.
Tất nhiên người mua cũng có lý do khi chọn mua đất tại đây, bởi thực tế khi có thông tin việc Củ Chi quy hoạch lên thành phố trực thuộc TP HCM, nhiều dự án chuẩn bị đầu tư vào đây, việc sinh lời hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Chuyên gia kinh tế TS. Huỳnh Trung Minh, nhận định, cho dù báo chí có tuyên truyền rằng nên cẩn trọng khi mua đất lúc đất đang sốt thì giá đất cũng vẫn tăng. Cụ thể như ở Thủ Đức, kể từ khi công bố thông tin lên thành phố giá đất tại đây đã tăng phi mã. Câu chuyện tương tự như vậy cũng đang xảy ra ở Củ Chi, khi bối cảnh quỹ đất ở TP.HCM khan hiếm thì đất Củ Chi và quy hoạch đô thị ở vùng này trở thành động lực lớn để giá đất tăng.
Tuy nhiên để tránh rủi ro có thể xảy ra, người mua đất cần ghi nhớ phải tìm hiểu kỹ thông tin, đất có làm sổ được không, tính pháp lý như thế nào…và cần nhớ rằng đầu tư đất thì phải xác định tinh thần chờ từ 2 - 3 năm.
Lượng tìm kiếm nhà đất ở khu ven Sài Gòn đã tăng mạnh trong thời gian qua, trong đó nổi bật nhất là huyện Củ Chi, khi nơi đây luôn có tỷ lệ quan tâm cao gấp đôi so với khu vực đứng thứ 2 là quận 9 (TP Thủ Đức). Giá bán trung bình một mảnh đất diện tích 200m2 ở Củ Chi hiện dao động trong ngưỡng 3,4 -3,5 tỷ đồng (tương đương 17,5 triệu/m2). Trừ trường hợp “hét giá” thì đất ở khu vực này chỉ tăng nhẹ, chưa thực sự có biến động quá lớn.
Một vài năm trước đây, đất Củ Chi cũng từng gây sốt khi xuất hiện những thông tin về việc xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, triển khai thực hiện đường ven sông Sài Gòn bắt đầu từ Củ Chi…
Sau đó, thị trường dần hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư mua đất khi đó gặp khó khăn khi bán ra. Lý do chính là tính thanh khoản thị trường nhà đất Củ Chi chưa có đủ các yếu tố tăng giá bền vững, hạ tầng giao thông kết nối từ nơi đây đến trung tâm TP.HCM vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là sự thiếu thốn về tiện ích dịch vụ…
Vì thế, giá đất Củ Chi có thể tăng nóng rồi chững lại và đi xuống. Giá đất Củ Chi tuy vẫn tăng theo từng năm nhưng được dự đoán là sẽ tăng ít, không đáng kể so với nhiều khu vực quận huyện khác tại TP.HCM.