Giới đầu tư nói gì về dòng vốn gần 300.000 tỷ đồng sắp đổ vào Củ Chi?
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP. HCM cho biết, đơn vị này sắp tổ chức hội kêu gọi đầu tư vào các dự án ở huyện Hóc Môn và Củ Chi, với số vốn dự kiến lên tới hơn 285.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, sẽ có 55 dự án trên địa bàn hai huyện được mời gọi đầu tư trong năm 2022. Các dự án này được phân chia thành các lĩnh vực như: Hạ tầng giao thông; công nghiệp, nông nghiệp, thương mại – dịch vụ và giáo dục – văn hóa – thể thao. Trong đó, lĩnh vực có số lượng dự án mời gọi lớn nhất là hạ tầng giao thông với khoảng 18 dự án.
Kỳ vọng về một “cú hích” lớn
Những thông tin này là những tín hiệu tích cực, báo hiệu một sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường bất động sản ở Củ Chi và Hóc Môn trong thời gian tới. Đặc biệt, nhà đất ở Củ Chi đang được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng nhất vì đang là “vùng trũng”, có nhiều tiềm năng phát triển hơn các địa phương khác ở TP. HCM.
Ông Phan Công Chánh – chuyên giá bất động sản đánh giá, huyện Củ Chi là một thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản. Địa phương này đang có quỹ đất lớn, giá rẻ và hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ. Những dự án có quy mô lớn, từ vài chục ha lên đến hàng nghìn ha sắp được xây dựng sẽ giúp khu vực này “lột xác”, phát triển mạnh mẽ.
Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản Củ Chi tăng trưởng mạnh nhưng mức giá vẫn còn thấp. Và đặc biệt là dù đang có nhiều lợi thế tăng trưởng nhưng thị trường ở địa phương này vẫn chưa có một “cú hích” nào đáng kể sau đợt “sốt đất” giai đoạn 2018-2020.
Giới chuyên gia cho biết, Củ Chi có sức hút lớn nhờ sự phát triển nhanh của cơ sở hạ tầng và mặt bằng giá thấp hơn so với các quận, huyện khác ở TP. HCM. Đặc biệt, địa phương này có kết nối giao thông thuận lợi, dễ dàng di chuyển đến các trung tâm lớn ở Bình Dương, Long An. Cho nên, thị trường bất động sản rất dễ có “cú hích” trong thời gian tới, đặc biệt sau khi dòng vốn gần 300.000 tỷ đồng chính thức đổ vào các dự án ở đây.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Củ Chi có hàng loạt dự án lớn đang làm thay đổi diện mạo của địa phương này từng ngày. Một số dự án tiêu biểu phải kể đến như: Khu dân cư Thịnh Vượng 2 Residence của Công ty Cổ phần An Cư Sài Gòn, Khu dân cư TVC Trần Văn Chẩm của Công ty Cổ phần Địa ốc Xây dựng và Đầu tư Sài Gòn, Vinhomes Củ Chi, Khu công nghiệp Tây Bắc – Củ Chi, Khu công nghiệp Đông Nam,…
Mới đây, Sở Giao thông – Vận tải TP. HCM đã đề xuất chuyển Sân bay Tân Sơn Nhất ra Củ Chi, UBND huyện Củ Chi cũng vừa kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề để chuyển đổi 17.000 ha đất nông nghiệp sang phi công nghiệp. Những thông tin này đã khiến thị trường bất động sản ở đây ngày càng thêm nóng, hứa hẹn sẽ trở thành tâm điểm đầu tư bất động sản đầy tiềm năng của TP. HCM trong thời gian tới.
Giới đầu tư nói gì?
Hiện tại, dòng vốn đầu tư gần 300.000 tỷ đồng mới chỉ là con số dự kiến mà Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP. HCM đưa ra. Đứng trước thông tin này, giới đầu tư địa ốc đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” – vừa mừng vừa lo về diễn biến của thị trường bất động sản ở địa phương này trong thời gian tới.
Mới chi khoảng 3,2 tỷ đồng mua một mảnh đất 100m2 ở xã Tân Thông Hội, Củ Chi, TP. HCM, anh Nguyễn Thành Long cho biết, bản thân cảm thấy mình may mắn và sáng suốt khi sớm nhận ra được tiềm năng của vùng đất này.
Anh Long cho rằng, Tân Thông Hội hiện vẫn chưa có nhiều dự án nào đáng chú ý. Tuy nhiên, khu vực đang có quỹ đất rộng, nằm sát trung tâm hành chính huyện Củ Chi, giao thông kết nối thuận tiên nên đây sẽ là nơi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để phát triển các dự án quy mô lớn trong tương lai.
Sau khi biết thông tin về dòng vốn gần 300.000 tỷ đồng sắp đổ bộ Củ Chi, anh Long bày tỏ: “Thông tin là một chuyện, có khả năng xảy ra trong thực tế hay không lại là chuyện khác. Cho nên, tôi không dám đặt nhiều kỳ vọng”.
Cũng như anh Long, nhiều nhà đầu tư bất động sản ở Củ Chi chưa dám đặt nhiều kỳ vọng vì không biết dòng vốn đầu tư “khủng” này có thực sự xuất hiện như mong đợi hay không. Hơn nữa, nếu dòng vốn này được kêu gọi thành công thì sẽ được triển khai trong thực tế như thế nào, những dự án nào ở Củ Chi sẽ được hưởng lợi. Đây đều là những băn khoăn của các nhà đầu tư bất động sản ở thời điểm hiện tại.
Có thể nhận thấy, sau một thời gian phát triển cầm chừng do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đất ở Củ Chi đang bắt đầu tăng giá trở lại, đồng thời thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Theo môi giới ở địa phương, giá đất ở đây đã tăng 10-20% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng vượt trội chỉ trong một thời gian ngắn và vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá trong thời gian tới.
Nếu dòng vốn đầu tư gần 300.000 tỷ đồng xuất hiện thì giá đất ở Củ Chi sẽ còn tăng phi mã nhờ những lực đẩy sẵn có. Tuy nhiên, tiềm năng này đang dừng lại ở mức độ thông tin, chưa xảy ra trong thực tế. Cho nên, việc đầu tư bất động sản “ăn theo” thông tin như này sẽ gặp nhiều rủi ro. Thực tế đã có nhiều nhà đầu tư đổi đời vì dự đoán đúng tiềm năng phát triển. Ngược lại, cũng không ít nhà đầu tư “chết đứng” vì đặt niềm tin nhầm chỗ.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cảnh báo, đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ việc đầu tư nhà đất chạy theo thông tin dự án. Thị trường bất động sản ở Củ Chi đã từng có những sự cố tương tự do thông tin chưa được xác thực. Cho nên, các nhà đầu tư cần phải thận trọng để tránh đi vào vết xe đổ như trước đây.