Hà Nội sẽ có thêm 5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021 - 2025
BÀI LIÊN QUAN
Năm 2022: Hàng loạt dự án nhà ở xã hội được các địa phương phê duyệt đầu tư, xây dựng Bất động sản miền Trung tăng tốc trong năm 2022Thị trường bất động sản cận Tết Nguyên đán “kẻ bán nhiều hơn người mua”Đầu tư khu công nghiệp, chế xuất tại Hà Nội tăng 2,3 lần
Năm 2021, các khu công nghiệp, chế xuất tại Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Theo Ban quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, mặc dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh đặt ra. Đồng thời, hoàn thành chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Tính đến tháng 12/2021 các khu công nghiệp Hà Nội đã thu hút được trên 700 dự án. Trong đó có 303 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,1 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2020, Thành phố Hà Nội thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp là 1,7 tỷ USD, đạt 130% so với mục tiêu đề ra, tăng 13% so với giai đoạn 2011-2015.
Ước tính doanh thu năm 2021 của các khu công nghiệp và chế xuất tại Hà Nội đạt 7.775 triệu USD (tăng 2,3% so với năm 2020); nộp 239 triệu USD vào ngân sách (tăng 1,7%); xuất khẩu đạt 4.887 triệu USD (tăng 4,8%), nhập khẩu đạt 4.104 triệu USD (tăng 2,6%).
Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thành lập hơn 4.600 tổ an toàn phòng chống Covid-19, số thành viên tham gia lên tới 20.000 người. Sau thời gian gián đoạn do đại dịch, cho tới nay đã có trên 660 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, với 100% lao động tham gia sản xuất. Số lao động đã được tiêm mũi 1 là 64.300 người (đạt 99%) và tiêm mũi 2 được khoảng 143.990 người (chiếm 88%).
Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, dù ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, nhưng với tổng mức thu hút đầu tư của khu công nghiệp và chế xuất tăng 2,3 lần cho thấy dư địa phát triển tiềm năng. Vì vậy, bà Tuyến đề nghị khu vực này cần thích ứng linh hoạt với Covid-19, xây dựng các trạm y tế lưu động. Đặc biệt, cần sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư quốc gia để quản lý chặt chẽ lao động; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành hỗ trợ người lao động theo đúng các chủ trương chung; xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương có các khu công nghiệp và chế xuất để chung tay quản lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh.
Ban quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cần tăng cường quản lý, cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về việc thành lập mới các khu công nghiệp.
Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thành lập 2 - 5 khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021 - 2025”. Với mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp tại địa bàn, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Thủ đô. Đề án này còn phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội, quy hoạch đất của thành phố.
Thành phố phấn đấu sẽ có thêm 5 khu công nghiệp mới. Một là Khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), có tổng diện tích 302,8 ha, nằm ở hai xã Minh Trí và Tân Dân. Hai là Khu công nghiệp Đông Anh (huyện Đông Anh). tổng diện tích 300 ha, nằm ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh. Ba là Khu công nghiệp Bắc Thường Tín (huyện Thường Tín), tổng diện tích 112 ha, nằm ở các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương. Bốn là Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng (huyện Chương Mỹ), tổng diện tích 389 ha, nằm ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa. Năm là Khu công nghiệp Phụng Hiệp (huyện Thường Tín), tổng diện tích 174,88ha, nằm ở các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu, Thắng Lợi.
Đồng thời, các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư cũng được yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ đó là Khu công nghiệp Quang Minh I (huyện Mê Linh), Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm). Đối với Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội cũng sẽ được Thành phố thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn 2.
Việc phát triển các khu công nghiệp mới sẽ tạo nguồn cung về hạ tầng công nghiệp tại Thành phố Hà Nội. Đây là điều kiện để thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và vốn đầu tư trong nước vào Thủ đô. Đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và khu công nghệ cao, với mục tiêu đạt được chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là 10,2%/năm. Thực hiện từng bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5 khu công nghiệp mới đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao khả năng xuất khẩu, tạo sức mạnh cho nền kinh tế của Thủ đô. Đồng thời tạo nhiều việc làm cho người dân, với thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ phục vụ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách thành phố trong giai đoạn tới.
Một số ngành nghề đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của Thành phố gồm: công nghiệp điện, điện từ chiếm 44%, công nghiệp cơ khí chế tạo 24%, các ngành công nghiệp khác 32% (dược phẩm, chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc, công nghiệp in...). Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp đang được ưu tiên. Việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã góp phần cùng Thành phố nhiều năm dẫn đầu toàn quốc về thu hút đầu tư.
Những dự án đầu tư khu công nghiệp vào Hà Nội của 25 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu với số vốn đăng ký chiếm 60%; nhiều dự án có quy mô vốn lớn từ 100 - 300 triệu USD, sử dụng công nghệ cao như các dự án của Canon, Panasonic, Yamaha, Meiko, Young Fast. Ngoài ra có các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…
Có thể thấy, với việc phê duyệt đề án thành lập thêm các khu công nghiệp mới tại Hà Nội giai đoạn 2021-2025 cho thấy mục tiêu phát triển theo hướng công nghiệp hóa của Thủ đô, nỗ lực trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về công nghiệp.