Năm 2022: Hàng loạt dự án nhà ở xã hội được các địa phương phê duyệt đầu tư, xây dựng
BÀI LIÊN QUAN
Tư vấn phong thủy về không gian riêng tư trong phòng ngủCách tìm thông tin và thẩm định mua nhà nhanh "Chuẩn không cần chỉnh"Các địa phương công bố kế hoạch xây nhà ở xã hội
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân trên đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27m2 sàn/người. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28m2 sàn/người, tại khu vực nông thôn đạt 26m2 sàn/người.
Để đạt mục tiêu đó, nhiều địa phương đã phê duyệt các đề án, kế hoạch mở rộng diện tích đất ở, nhà ở xã hội. Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội trong năm 2022 là phát triển 8.419.000m2 sàn nhà ở, trong đó có 241.000m2 sàn nhà ở xã hội. Như vậy, tại Thủ đô những đối tượng được hưởng ưu đãi mua nhà ở xã hội sẽ có cơ hội sở hữu một căn nhà của riêng mình trong năm mới Nhâm dần này.
Còn tại Bắc Giang cũng mới công bố dự án Nhà ở xã hội tại thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên. tỉnh Bắc Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng và đang tìm nhà đầu tư. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự án nhà ở xã hội đầy tiềm năng này sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích 2,69 ha, tổng số căn hộ khoảng 870 căn hộ. Tổng diện tích sàn vào khoảng 63.270m2, phục vụ nhu cầu ở cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp xung quanh dự án, dự kiến lên tới 3.000 người. Dự án sẽ gồm các hạng mục thi công như nhà ở xã hội cao tầng, sân, đường nội bộ, cây xanh cảnh quan, hệ thống công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà, bãi đỗ xe nằm trong phạm vi ranh giới dự án hoàn chỉnh, đồng bộ.
Ở tỉnh Bình Dương, nơi được coi là “thủ phủ” của các khu công nghiệp. Mặc dù đã hình thành các khu nhà ở dành cho công nhân, tuy nhiên vẫn không đủ với số lượng công nhân ngày càng nhiều ở đây. Vì vậy UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu đặt ra là có 1 triệu căn nhà ở xã hội dành cho công nhân, người có thu nhập thấp trong giai đoạn 5 năm từ 2021 - 2025, và định hướng đến 2030.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, dự kiến trong 5 năm từ 2021 - 2025, diện tích đất ở sẽ tăng thêm 1.600 ha. Trong đó, quỹ đất dành để xây dựng các dự án nhà ở thương mại khoảng 613 ha; xây dựng nhà dân tự xây khoảng 728 ha; việc phát triển các dự án nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội hơn 259 ha. Theo kế hoạch, nguồn vốn sẽ cần khoảng 130.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn cho nhà ở thương mại là bằng nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dự kiến lên tới 49.8000 tỷ đồng. Đối với nhà dân tự xây thì người dân sử dụng nguồn tích lũy của gia đình từ thu nhập, dự kiến con số rơi vào khoảng 59.150 tỷ đồng.
Đối với nhà ở xã hội, nhà tái định cư từ nguồn thu thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn vay từ quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, các tổ chức tín dụng thương mại và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Dự kiến tổng số vốn đầu tư cho nhà ở xã hội, nhà tái định cư tại Bình Dương là khoảng 21.050 tỷ đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, địa phương đông dân nhất cả nước, Sở Xây dựng của TP cũng đã trình kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn từ năm 2021 đến 2025.
Nhiều chính sách phát triển
Quá trình phát triển kinh tế trong hơn 35 năm qua của Việt Nam đã tạo điều kiện cho nhiều khu công nghiệp hình thành và phát triển. Điều này đã làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế nước ta. Vì vậy, đã có rất nhiều chủ trương phát triển nhà ở xã hội phù với điều kiện kinh tế của những người gặp khó khăn về nhà ở, công nhân viên ở các đô thị nhưng không đủ tiền để mua nhà thương mại.
Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách đặc thù. Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng.
Trong đó có 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 dành cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để các đối tượng là khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở; cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định để hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và đối tượng cá nhân được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay theo quy định. 50.000 tỷ đồng dùng để tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho công nhân lao động, chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm với việc quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, có nhiều giải pháp hỗ trợ hành chính, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển lĩnh vực bất động sản nhà ở xã hội. Trong đó, HoREA đề nghị phê duyệt quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá thấp để tạo các khu đô thị, nhà ở có giá vừa túi tiền, phù hợp với những đối tượng được hưởng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Hình thành các khu nhà ở xã hội liên quận, các huyện có quỹ đất nông trường nên khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội. Tạo độ phủ nhà ở xã hội tại tất cả các hướng của TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất kinh doanh dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên lại chỉ áp dụng với dự án từ 10ha trở lên, theo HoREA như vậy là chưa phù hợp.
Do đó, HoREA đề nghị cho phép tất cả các chủ đầu tư được đề xuất 1 trong 3 phương án để thực hiện nghĩa vụ. Phương án một là xây dựng nhà ở xã hội tại dự án. Phương án hai là hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác. Phương án ba là thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể do UBND cấp tỉnh xem xét quyết định.
Nếu nhiều chủ đầu tư lựa chọn thực hiện phương án thứ 3, thì nguồn vốn thu được từ 20% quỹ đất tại các dự án thương mại sẽ chỉ được dùng để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội. Về quỹ đất công, HoREA cho rằng nên đấu giá các mặt bằng có vị trí đắc địa để phát triển quỹ nhà đất dành cho nhà ở xã hội. Đồng thời cần có sự phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tạo những quy định chung về nhà ở xã hội cho công nhân viên, người lao động tại các khu công nghiệp trên cả nước.