Hà Nội làm sao để ngăn chặn nạn đầu cơ, “thổi giá” bất động sản?
BÀI LIÊN QUAN
20 địa phương hoàn thành đánh giá nguy cơ sốt đất thông qua đấu giá Cơn sốt đất Hà Nội liệu có hạ nhiệt nhanh trong năm 2022?Cận Tết Nguyên đán, sốt đất “hạ nhiệt” nhà đầu tư vội vàng thoát hàngQuyết triệt tiêu “bong bóng” bất động sản
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trục lợi, thổi giá bất động sản.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì công bố công khai các đồ án về quy hoạch, tiến độ các dự án hạ tầng, dự án bất động sản. Các địa phương phải minh bạch thông tin để tránh tình trạng các đối tượng phao tin sai sự thật, đầu cơ, thổi giá bất động sản.
Sở TN-MT kiểm soát chặt chẽ, quản lý đấu giá đất tránh ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, thị trường bất động sản; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Hà Nội rà soát việc cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất, đầu tư các dự án BĐS đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng cần phải bị xử lý nghiêm.
UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng thanh, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm môi giới bất động sản, đầu tư kinh doanh BĐS. Sở Xây dựng cần có giải pháp phù hợp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, tạo hiệu ứng đám đông. Ngoài ra, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm môi giới, mua bán BĐS chưa đủ điều kiện.
Hà Nội quyết liệt ngăn chặn sốt đất "ảo", bong bóng bất động sản. Ảnh minh họa.
Tình trạng sốt đất, bong bóng bất động sản không chỉ xảy ra tại Hà Nội. Ở nhiều tỉnh thành như TP.HCM, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, hiện tượng phân lô bán nền, thổi giá, bán lúa non bất động sản cũng khiến giới chức đau đầu.
Mới đây, ngày 28/1, Bộ Xây dựng công bố thông tin về nhà ở thị trường bất động sản trong Quý 4 năm 2021. Tại đây, Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra phương án để ngăn chặn sốt đất ảo.
Bộ Xây dựng thông tin, việc lãi suất cho vay năm 2021 giảm ở mức khoảng 8-10%/năm trong khi đó lãi suất tiền gửi chỉ 5-6%/năm đã góp phần kích thích vay vốn để mua nhà, đầu tư bất động sản. Bởi, việc đầu tư bất đống sản có tiềm năng lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng.
Theo thống kê của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư tăng bình quân khoảng 5–7% trong khi đó giá đất nền tăng 20-30%. Số liệu này được so sánh với số liệu năm 2020.
Quý 1 và 2 năm 2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, sốt đất nền tại một số huyện tại Hà Nội như Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Nai, TP.HCM… Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các tỉnh thành phố yêu cầu thực hiện các giải pháo để bình ổn thị trường.
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, hiện tượng tăng giá đất nền đã giảm, khó xảy ra bong bóng bất động sản. Bộ Xây dựng nhận định vẫn có thể xảy ra sốt giá bất động sản trong năm 2022.
Phải công khai quy hoạch, định hướng thông tin
Trao đổi với PV, TS Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII cho rằng, sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến các địa phương trong thời gian qua chính là nguyên nhân khiến thị trường bất động sản ổn định lại sau thời gian sốt đất ở nhiều nơi.
“Có thời gian cứ hễ mở báo chí, mạng xã hội ra là thấy đăng tin bài về việc người dân, giới đầu tư đổ xô về tỉnh này, tỉnh khác để săn đất. Giá đất bị đẩy lên gấp nhiều lần giá trị thực mà nhiều khi là chiêu trò của môi giới, cò đất”, TS Trần Khắc Tâm nói.
Vị này nói thêm, hiện nay tại các thành phố lớn, hiện tượng giá đất tăng đột biến là do nguồn cung khan hiếm trong khi đó nhu cầu mua tăng cao. Nhưng, nhu cầu mua nhiều khi lại đến từ giới đầu cơ, mua lướt sóng bán kiếm lời. Những người có nhu cầu thực sự có thể do không đủ tiền để mua bất động sản đã bị làm giá nên phải ngậm ngùi đứng ngoài cuộc chơi.
Một nguyên nhân nữa, để xảy ra tình trạng sốt đất ảo là do người dân không nắm rõ được quy hoạch cụ thể từ các nguồn chính thống. Nhiều khi họ mua theo lời quảng cáo từ môi giới. TS. Trần Khắc Tâm nói: “Thời gian gần đây, Hà Nội, TP.HCM cũng như các tỉnh như Hòa Bình, Phú Thọ thường xuyên cập nhật quy hoạch, các dự án đang, sắp triển khai một cách công khai trên các website chính thức. Điều này khiến người dân có thêm thông tin tham khảo. Đây là việc làm cẩn phải được duy trì thường xuyên”.
TS.Trần Khắc Tâm cũng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản vai trò của chính quyền địa phương rất lớn. Các cơ quan chức năng địa phương như UBND huyện, tỉnh, thành phố phải có thông tin chính thức sớm ngay sau khi phát hiện có tình trạng giá đất tăng đột biến. Những thông tin định hướng kịp thời sẽ giúp người dân phải cân nhắc mỗi khi xuống tiền. Bênh cạnh đó, người dân cũng nên tìm hiểu kỹ, không chạy theo thông tin chưa kiểm chứng, không thể kiểm chứng khi đầu tư bất động sản.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Huy Phong (Đoàn Luật sư Hà Nội) kiến nghị cần ban hành Luật Thuế tài sản hay thuế nhà đất. Việc ban hành thuế nhà đất ở mức phù hợp sẽ ngăn chặn được đầu cơ vào bất động sản.
“Cứ đánh thuế ở mức hợp lý, chắc chắn giới đầu cơ, lướt sóng bất động sản sẽ phải cân nhắc trước khi ôm đất. Đây là một trong những lực lượng khiến thị trường bất động sản trở nên bất ổn định, sốt ảo. Nếu không xử lý triệt để, thị trường bất động sản sẽ méo mó. Đến khi bong bóng nổ, nhiều người sẽ lãnh đủ”, Luật sư Huy Phong nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư này, thời gian qua, tình trạng kiện tụng liên quan đến mua bán bất động sản xảy ra rất nhiều. Nguyên nhân từ việc thiếu hiểu biết về pháp luật của một số bộ phận người mua bất động sản. Hơn nữa, chính quyền địa phương làm chưa nghiêm, chưa hết trách nhiệm, xác nhận một cách tùy tiện khiến rắc rối về mặt pháp lý sau này.