Cơn sốt đất Hà Nội liệu có hạ nhiệt nhanh trong năm 2022?
BÀI LIÊN QUAN
Tỉnh Khánh Hòa ngăn chặn “sốt đất”Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sốt đất Hà Nội thời gian qua đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Bao gồm việc cò đất tung tin ảo, các sàn giao dịch móc nối với nhau để găm hàng, làm giá, tạo làn sóng ảo, thổi giá…
Thị trường bất động sản Hà Nội sốt trở lại
Bất chấp tác động của làn sóng Covid lần thứ 4, thị trường bất động sản cuối năm vẫn tỏa nhiệt mạnh mẽ. Nhà đất sốt cao tại các thành phố, đô thị lớn, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội. Đất vùng ven, ngoại thành, thổ cư và giờ đây là cả đất lâm nghiệp, đất đồi, đất rừng đều nhận được sự chú ý của đông đảo giới đầu tư.
Sau thời gian dài thị trường “nằm im” vì dịch dã thì dường như các nhà đầu tư trở nên sốt sắng hơn bao giờ hết trong việc tìm mua bất động sản để “rót tiền”. Tâm lý “mua nhanh kẻo hết” hoặc “không muốn bỏ lỡ” dự án đẹp đã khiến nhiều người nhấp nhổm không yên. Rất nhiều nhà đầu tư đã đổ về các vùng ven để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Năm bắt được tình hình, đội ngũ môi giới đã góp phần đẩy giá đất lên cao “chót vót” trước sự ngỡ ngàng của các chuyên gia kinh tế, quản lý bất động sản.
Giá đất của các vùng ven đô vốn đã nóng từ cách đây 1-2 năm nay tiếp tục trỗi dậy sau thời gian dài yên ắng vì Covid. Đây chính là mục tiêu hàng đầu của giới đầu tư bất động sản hiện nay. Theo báo cáo của chuyên gia BĐS, những tháng cuối năm giá đất Quốc Oai đã tăng lên 20%. Trong khi giá đất Ba Vì tăng lên tới 45%.
Ba Vì là điểm nóng nhất đối với nhà đầu tư bởi có thông tin nơi đây nằm trong đề án quy hoạch khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Tiên. Nhiều người chọn nơi đây đầu tư để làm khu nghỉ dưỡng, homestay, farmstay kiếm lời. Các khu vực khác như Hòa Lạc, Hoài Đức, Mê Linh, Sơn Tây…cũng đã tăng thêm từ 10-20 triệu đồng/m2.
Nguyên nhân cho sự tăng giá này đến từ thông tin các huyện sắp được nâng cấp lên quận, từ quận lên thành phố. Ngoài ra Hà Nội cũng đã bổ sung thêm nhiều kế hoạch đầu tư các tuyến đường giao thông trọng điểm, các dự án cơ sở hạ tầng hiện đại trị giá tỷ đô, Điều này khiến sức nóng thị trường địa ốc được đẩy lên mức cao nhất.
Đối với khu vực ven sông Hồng nằm trong quy hoạch phân khu đô thị vốn đã rất hấp dẫn trong đầu năm 2021 thì đến cuối năm càng trở nên đắt giá. Việc Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sẽ phê duyệt trong tháng 1/2022 khiến các khu đất ven sông trở nên khan hiếm và được săn lùng nhiều nhất trong năm nay. Các khu vực như Đông Anh, Bắc Cầu, Cự Khối, Thạch Cầu sẽ tăng thêm khoảng 20% so với trước kia. Hàng loạt các khu đất đẹp ở đây đã được nhà đầu tư tới khảo sát để tìm hiểu và xuống tiền.
Nhiều nơi chứng kiến tình trạng sốt đất ảo
Lợi dụng tâm lý của người mua, đội ngũ cò mồi đã thổi giá đất lên cao. Nhiều môi giới đã tìm đến các điểm nóng bất động sản ven đô Hà Nội để mời chào khách tạo nên những làn sóng sốt đất bùng nổ. Số lượng văn phòng, trung tâm giao dịch bất động sản xuất hiện dày đặc tại khu vực điểm nóng.
Môi giới, cò đất sẵn sàng tung tin, đồn thổi sức nóng, sức hút thị trường, hình thành các cơn sốt đất giả, chao đảo thị trường. Các cơn sốt không phải là điều tốt, thậm chí việc này khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Nhất là những người có nhu cầu mua nhà ở thật sự e ngại rằng khó có thể cạnh tranh được với giới đầu cơ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên thực tế những mức giá đất đỏ đó đều chỉ là thông tin được cung cấp bởi môi giới nhà đất. Giá đất thực tế không quá cao và chỉ tăng nhẹ theo sức nóng của thị trường. Các giao dịch nhà đất cũng không tăng quá mạnh, thậm chí nhiều nơi khá trầm lắng. Tỷ lệ người đến xem đất cao nhưng số người thực tế xuống tiền giao dịch thành công khá thấp.
Đơn cử tại huyện Gia Lâm, có những mảnh đất nhà đầu tư đã “găm” cả năm nay nhưng giá chỉ tăng khoảng 5-10% chứ chưa đến mức tăng chóng mặt như đồn thổi. Thời điểm cận Tết, cảnh tấp nập người bán kẻ mua cũng không còn. Những khu đất từng gây sốt trở lại với tình trạng im lìm, yên ắng.
Liệu những cơn sốt đất có hạ nhiệt nhanh
Sốt đất ven đô trong thời gian qua chủ yếu đến từ sự khan hiếm nguồn cung nhà ở, đất đai ở vùng trung tâm Thủ đô. Nhà đầu tư vì thế dần chuyển đổi xu hướng tìm đến các vùng ngoại thành, xa trung tâm. Nhưng thực tế nhu cầu mua để ở dài hạn rất ít mà chủ yếu là mua đầu cơ, tích trữ. Do đó giá đất chỉ tăng trong thời gian ngắn rồi lại trở về với mức giá ban đầu.
Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, giá đất tăng không chỉ tăng do cò đất đồn thổi mà còn đến từ việc các sàn giao dịch bất động sản cùng nhau găm hàng, làm giá, thổi giá. Sự làm việc thiếu minh bạch của sản giao dịch đã góp phần khiến thị trường nhiễu loạn.
Giá đất tăng cao thực tế tiềm ẩn rất nhiều nỗi lo cho nền kinh tế. Người có nhu cầu mua nhà ở thật không tìm được nhà hoặc phải mua nhà với giá cao hơn nhiều so với thực tế. Các nhà đầu tư có thể không giao dịch được bất động sản trường hợp còn có thể lỗ nặng khi mua giá cao, bán giá thấp khi thị trường hạ nhiệt. Cung không gặp cầu sẽ khiến nhiều khu vực tài nguyên đất bị lãng phí, thiệt hại hàng tỷ đồng cho nền kinh tế. Giá tăng cao vượt khả năng thanh toán và giá trị thực sẽ phát sinh bong bóng bất động sản.
Để ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo thì chính quyền địa phương phải sớm có biện pháp mạnh tay trong điều chỉnh giao dịch mua bán nhà đất. Đặc biệt là phải có hình thức xử lý vi phạm một cách triệt để đối với những đối tượng môi giới cố tình tung tin sai lệch về thị trường.
Các thông tin quy hoạch đất đai cần phải được công bố rõ ràng minh bạch, để người dân được biết. Đặc biệt những dự án lớn hoặc thông tin sát nhập, lên quận, lên thành phố phải được công khai trên nhiều phương tiện truyền thông để tránh sự đồn thổi của giới cò đất. Đây chính là mấu chốt vấn đề tạo nên rào chắn chống lại những làn sóng sốt đất tràn lan như thời gian qua.