Giữa tháng 8, mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm tăng cao
BÀI LIÊN QUAN
“Hé lộ” những ngân hàng sẽ được nới hạn mức tín dụng Hàng loạt ngân hàng tiên phong áp dụng chính sách mới với lãi suất tiền gửi tiết kiệm rút trước hạnTháng 8, gửi tiết kiệm ngân hàng nào hưởng lãi suất cao nhất?Lãi suất trên 7% một năm xuất hiện ngày càng nhiều
Theo VnEconomy, trong tháng 8/2022, nhiều ngân hàng thay đổi biểu lãi suất khiến bảng xếp hạng lãi suất tiền gửi có sự thay đổi rõ rệt so với tháng tháng 7. Đến giữa tháng 8, ghi nhận khá nhiều ngân hàng có mức lãi suất huy động từ 7% một năm.
Quán quân của bảng xếp hạng lãi suất gửi tiết kiệm thuộc về ngân hàng SCB với mức lãi suất 7,6% một năm áp dụng với kỳ hạn gửi 13 tháng và cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.
Vị trí á quân thuộc về Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) có mức lãi suất gửi tiết kiệm 7,5% một năm cho kỳ hạn từ 13 tháng đến 60 tháng. Với mức lãi suất cao này, ngân hàng CBBank không yêu cầu bất kỳ điều kiện nào về số tiền gửi tối thiểu.
Đứng ở vị trí thứ 3 là ngân hàng Kienlongbank có mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất là 7,3% một năm cho kỳ hạn gửi 36 tháng.
Đứng vị trí thứ 4 là ngân hàng HDBank có mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất là 7,15% một năm áp dụng cho số tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên gửi tại kỳ hạn 13 tháng.
Một số ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi tương đối cao như DongABank (7,1%/năm); Techcombank (7,1%/năm); OceanBank (7%/năm); MSB (7%/năm); LienVietPostBank (6,99%/năm); BacABank (6,90%/năm); VietABank (6,9%/năm); MB (6,9%/năm);... Tuy nhiên, khách hàng cần nắm rõ những điều kiện riêng mà các ngân hàng đưa ra về khoản tiền gửi để hưởng mức lãi suất như trên.
Đối với các ngân hàng thuộc nhóm Big4 (VietinBank, BIDV, Agribank, Vietcombank), sau khi ngân hàng Vietcombank thực hiện tăng lãi suất thì các 4 ngân hàng đều có mức lãi suất huy động cao nhất đạt 5,6% một năm. Mặc dù vậy, 4 ngân hàng này vẫn thuộc nhóm có mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất trong bảng xếp hạng tháng 8/2022.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 7/2022 tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,27% so với đầu năm, đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi chỉ đạt hơn 4,5%. Như vậy với việc các ngân hàng thương mại chưa được nới room (hạn mức) tín dụng khiến không thể tăng tốc độ cho vay nên các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn.
Một số chuyên gia tài chính dự đoán, nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện cấp thêm room tín dụng trong thời gian tới thì cuộc đua lãi suất tiết kiệm sẽ còn sôi động hơn nữa. Chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán SSI dự báo, 4 tháng cuối của năm 2022, khi các ngân hàng thương mại được nới hạn mức tín dụng thì nhu cầu vốn đầu vào của các ngân hàng lên cao, đẩy lãi suất huy động tăng thêm 0,5 - 0,7 điểm %. Như vậy, trong cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1 - 1,5 điểm %. Để lãi suất cho vay điều chỉnh tương ứng với lãi suất huy động thông thường phải mất từ 1 - 2 quý.
Kênh tiền gửi hấp dẫn nhà đầu tư
Việc lãi suất ngân hàng liên tục tăng khiến kênh tiền gửi hấp dẫn các nhà đầu tư và người dân. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 5 tháng đầu năm 2022, tổng số dư tiền gửi của nhóm khách hàng dân dư tại các ngân hàng đã đạt gần 5,569 triệu tỷ đồng, tăng 5,07% so với cuối năm 2021, mức tăng ròng 268.480 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tiền gửi của nhóm khách hàng này đã cao hơn gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Tính trung bình trong 5 tháng đầu năm 2022, mỗi ngày người dân gửi gần 1.790 tỷ đồng vào ngân hàng.
Còn theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh khoản giao dịch toàn thị trường cổ phiếu giảm về mức 10.000 - 12.000 tỷ đồng/ngày, giảm khoảng 60% so với cuối năm 2021 (30.000 - 35.000 tỷ đồng/ngày). Hiện thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại do các biện pháp siết tín dụng hoặc lãi suất cho vay cao từ các ngân hàng khiến nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang giữ tiền mặt. Trong thời gian chờ cơ hội đầu tư, dòng tiền này sẽ chảy vào kênh gửi tiết kiệm.
Theo thông tư 04/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định rút một phần tiền gửi trước hạn thì phần còn lại vẫn được hưởng lãi suất như trước (thay vì chỉ hưởng lãi suất tiền gửi không thời hạn), chính sách mới này đã tạo thêm sự hấp dẫn cho kênh tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng.
Đối với khách hàng, chị Huyền (TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị đầu tư mỗi kênh một ít, tuy nhiên trong thời điểm này lựa chọn gửi tiết kiệm dài hạn để hưởng mức lãi suất tốt nhất. Bên cạnh đó trong trường hợp cần rút tiền đột ngột hoặc có cơ hội đầu tư thì có thể rút số tiền mình cần mà số tiền còn lại vẫn được hưởng lãi suất như cũ theo quy định của Thông tư 04/2022 của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đánh giá của nhiều ngân hàng thương mại, nhờ chính sách của Thông tư 04/2022, khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn dài tăng lên đáng kể. Bên cạnh chính sách chung, một số ngân hàng cũng áp dụng thêm chính sách ưu đãi riêng. Như tại ngân hàng OCB không chỉ hỗ trợ khách hàng rút một phần tiền gốc cho các khoản gửi từ ngày 1/8 theo quy định của Thông tư 04 mà còn áp dụng cho toàn bộ các khoản tiền gửi từ trước ngày 1/8. Phó Giám đốc khối bán lẻ OCB Dư Xuân Vũ cho biết, việc cho phép khách hàng rút tiền gửi trước hạn không những có lợi cho chính khách hàng mà còn tạo điều kiện để ngân hàng thu hút được nguồn tiền gửi trung hạn và dài hạn, ngân hàng có thể đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút, tăng nguồn tiền gửi từ người dân, đây là cơ sở để đáp ứng được nhu cầu vay của khách hàng trong giai đoạn phục hồi kinh tế mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19 như hiện nay.