"Gió đảo chiều" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
BÀI LIÊN QUAN
Các ngân hàng “than” thiếu cơ sở pháp lý để triển khai các giải pháp hỗ trợ sau bãoMảng bán lẻ của ngân hàng khởi sắc nhờ giảm đầu cơ bất động sản?Gần 12.000 khách vay ngân hàng tại Quảng Ninh và Hải Phòng thiệt hại sau bão YagiTheo dữ liệu từ VISRating, trong tháng 8/2024, lượng phát hành trái phiếu mới tăng lên 57.700 tỷ đồng, so với 46.800 tỷ đồng trong tháng 7. Trong đó, các ngân hàng thương mại đã phát hành 51.300 tỷ đồng, chiếm phần lớn lượng phát hành mới. Trên thị trường thứ cấp, trái phiếu do các ngân hàng và công ty bất động sản phát hành chiếm hơn 90% khối lượng giao dịch trong tháng 8/2024, với kỳ hạn giao dịch chủ yếu từ 1 đến 3 năm.
Đảo chiều lãi suất
Việc các ngân hàng tích cực chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư và gia tăng khối lượng phát hành để huy động vốn là hoạt động quen thuộc. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý gần đây là các ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất hấp dẫn, thu hút thêm sự quan tâm từ nhà đầu tư.
Nếu như trước đây mức lãi suất trung bình của các trái phiếu ngân hàng chỉ dao động từ 5 – 6%/năm nhưng đến nay đã xuất hiện mức lãi suất 8,2%/năm. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa phát hành trái phiếu ra công chúng cho năm 2024. Theo đó, SHB dự kiến sẽ phát hành tổng cộng 5.000 tỉ đồng trái phiếu qua 2 đợt (đợt 1 dự kiến diễn ra vào quý IV/2024 và đợt 2 vào khoảng từ quý IV/2024 đến quý I/2025). Mức lãi suất phát hành trái phiếu dự kiến ở mức 8,2%/năm, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này.
Không chỉ SHB, nhiều ngân hàng khác cũng đang phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm. Vào đầu tháng 9, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) đã chào bán 15 triệu trái phiếu ra công chúng với lãi suất 7,9%/năm. Từ năm thứ hai, lãi suất của lô trái phiếu này sẽ được tính bằng lãi tham chiếu cộng thêm biên độ 2,5%. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm và BVBank sẽ có quyền mua lại sau 24 tháng kể từ ngày phát hành.
Ngoài ra, BVBank cũng dự kiến phát hành đợt thứ hai trong năm nay, với 7 triệu trái phiếu được chào bán vào tháng 10. Đây là một phần trong kế hoạch phát hành 56 triệu trái phiếu, tương đương huy động 5.600 tỷ đồng từ nay đến đầu năm 2026.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (tên cũ LPBank) cũng vừa phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm với lãi suất 7,58%/năm. Vào cuối tháng 8, Ngân hàng Phát triển TP. HCM (HDBank) cũng đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 1.000 tỉ đồng ra công chúng, mức lãi suất kỳ thanh toán đầu tiên dự kiến đạt gần 7,5%/năm.
Trong khi đó, theo báo cáo của Chứng khoán VPBankS, lãi suất phát hành trái phiếu trung bình từ các công ty bất động sản đã giảm từ mức cao nhất 12% vào tháng 4/2024 xuống còn 10,95% vào tháng 6.
Đáng chú ý, tháng 7/2024, thị trường ghi nhận lô trái phiếu có lãi suất 0% của Công ty CP Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng, với tổng giá trị 500 tỷ đồng và kỳ hạn 30 tháng. VPBankS ước tính, mức lãi suất trung bình của các doanh nghiệp bất động sản vẫn dao động quanh mức 10% trong tháng 7 và giữ ở mức tương tự trong tháng 8.
Nhu cầu vốn cao khiến ngân hàng khó nằm ngoài "đường đua"
Theo ông Dương Thiện Chí, chuyên gia phân tích của Chứng khoán VPBankS, lãi suất phát hành trái phiếu của ngành bất động sản giảm do kỳ vọng khó khăn trong lĩnh vực này sẽ được tháo gỡ. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng dự kiến tiếp tục tăng lãi suất phát hành trái phiếu trong thời gian tới do nhu cầu vốn trung và dài hạn khi tín dụng hồi phục.
Dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy tính đến hết quý II, lượng tiền gửi của hầu hết các ngân hàng tăng chậm hơn cùng kỳ, do lãi suất huy động duy trì ở mức rất thấp. Một số ngân hàng còn ghi nhận lượng tiền gửi giảm như Vietcombank (-1,8%), PVcomBank (-1,44%), VietABank (-0,34%), TPBank (-2,5%), ABBank (-14,52%)...
Giới phân tích cho rằng sự tăng trưởng thấp trong huy động có một phần do người dân chuyển tiền sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, và chứng khoán, trong bối cảnh lãi suất huy động bình quân 4,8-5%/năm không cao hơn nhiều so với lạm phát.
Khi nhu cầu tín dụng tăng lên vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, các ngân hàng không chỉ tăng lãi suất tiền gửi mà còn đẩy mạnh phát hành trái phiếu để thu hút vốn. Mặc dù chi phí vốn từ trái phiếu cao hơn so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, nhưng các ngân hàng vẫn lựa chọn kênh huy động này trong thời gian qua.
Bởi lẽ, việc phát hành trái phiếu không chỉ giúp ngân hàng tăng vốn tự có mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn tài chính. Trái phiếu cho phép ngân hàng huy động nguồn vốn cấp 2 (vốn bổ sung) với giá trị lớn, hỗ trợ mở rộng hoạt động mà không cần phải giảm tỷ lệ sở hữu thông qua việc phát hành cổ phiếu.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, quy định nghiêm ngặt hơn về tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn đã thúc đẩy các ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để cải thiện cơ cấu vốn dài hạn. Kể từ cuối năm ngoái, tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng đã được giảm từ 34% xuống còn 30%, và tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động không được vượt quá 85%.
Do đó, việc phát hành trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau giúp các ngân hàng quản lý dòng tiền hiệu quả hơn và giảm thiểu rủi ro lãi suất. Kênh huy động này cũng giúp đa dạng hóa nguồn vốn, giảm sự phụ thuộc vào huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế.