Gần 12.000 khách vay ngân hàng tại Quảng Ninh và Hải Phòng thiệt hại sau bão Yagi
BÀI LIÊN QUAN
Chung cư bị sập trần, nứt tường…do bão: Ai phải chịu trách nhiệm?Chuyển tiền hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, người dân cần lưu ý những điều sauNhà thế chấp vay ngân hàng bị sập do bão: Các hợp đồng bảo hiểm đi kèm có tác dụng gì không?Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có buổi làm việc với chi nhánh tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Theo đó, ông Nguyễn Đức Hiển – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 10/9, có hơn 11.000 khách hàng với dư nợ khoảng 10.650 tỷ đồng bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão Yagi, chiếm 5,6% tổng dư nợ trên địa bàn.
Trong số này, một số khách hàng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng do trôi dạt bè nuôi thủy sản. Hầu hết cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân đều thiệt hại và hư hỏng.
Còn tại chi nhánh Hải Phòng, Giám đốc Nguyễn Thị Dung cho biết, địa phương này có 890 khách hàng với tổng dư nợ hơn 15.680 tỉ đồng bị ảnh hưởng nặng nề sau bão. Trong đó, các lĩnh vực chịu thiệt hại tập trung vào sản xuất kinh doanh và thương mại, lĩnh vực cầu cảng, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ hải sản, tàu bè đánh bắt thuỷ hải sản,… Riêng tại VietinBank, theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 18.000 tỉ đồng.
Trước ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 đối với người dân và doanh nghiệp, ngành ngân hàng đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để có thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, cơn bão Yagi đã khiến nhiều khách hàng, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, gần như mất trắng tài sản, không có khả năng trả nợ, không có nguồn thu nào bù đắp được trước mắt.
Chính vì vậy, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh các ngân hàng thương mại cần nhanh chóng đưa ra các chính sách hợp lý, tích cực để hỗ trợ khách hàng. Trước mắt cần triển khai khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay cho những khoản vay đã đến hạn. Đối với những khoản nợ sắp tới hạn thì tìm cách xử lý tích cực hơn cho khách hàng.
“Đặc biệt, ngay sau khi bão cũng cần triển khai cho vay tiêu dùng để người dân có thể có nguồn kinh phí mua sắm những đồ dùng, trang thiết bị cần thiết cho sinh hoạt. Bởi có rất nhiều người dân bị thiệt hại ngay cả những tài sản đang sử dụng hàng ngày” – ông Tú chia sẻ.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc NHNN chỉ đạo các ngân hàng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, qua đó làm rõ mức độ thiệt hại và nắm bắt được nguyện vọng, đề xuất của khách hàng.
Ông Tú nhấn mạnh, ngân hàng phải trở thành “chỗ dựa” cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải thực hiện linh hoạt để thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Ngoài ra, bằng thẩm quyền của mình, các chi nhánh NHNN cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp có thể tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi sau bão.
Đại diện một số ngân hàng cũng cho biết đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sau bão. Riêng với khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, các ngân hàng sẽ đẩy nhanh công tác đền bù tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Đại diện Agribank cho biết, ngân hàng đã chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hàng các thủ tục hỗ trợ, đền bù kịp thời đối với khách hàng. Thành lập các Đoàn công tác gặp gỡ, chia sẻ trực tiếp với khách hàng bị ảnh hưởng, qua đó nắm bắt và đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại, dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn.
Agribank cũng triển khai các biện pháp, cơ cấu đối với dư nợ cho vay theo Nghị định 55, cơ cấu lại dư nợ bị ảnh hưởng theo Thông tư 02. Đồng thời, giảm lãi suất, cho vay mới, hỗ trợ khách hàng khôi phục và ổn định hoạt động kinh doanh.