Gian nan đi mua vàng
BÀI LIÊN QUAN
Sàn giao dịch tiền mã hóa Mt.Gox sắp hoàn trả tiền bị mất trộm cho khách hàngMô hình bất động sản chia nhỏ: Chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ nhà đầu tưKhó khăn trong huy động vốn khiến nguồn cung bất động sản sụt giảmTính đến thời điểm hiện tại, Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Công ty SJC vẫn đang bán vàng miếng tại mức giá 76,98 triệu đồng/lượng. Mức giá này đã được duy trì tuần thứ 5 liên tiếp.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn đang có biến động theo xu hướng tăng, với mức giá dao động hơn 76 triệu đồng/lượng bán ra và 75 triệu đồng/lượng mua vào. Tương đương, thậm chí có nơi cao hơn giá mua vàng vàng miếng SJC đang niêm yết (dưới 75 triệu đồng).
Không dễ mua vàng
Sau gần 1 tháng các đơn vị bán vàng “bình ổn” triển khai giao dịch online, nhiều khách hàng cho biết, vẫn rất khó để mua được vàng qua kênh này. Một số khách hàng đăng ký mua vàng trên website của Công ty SJC tại TP.HCM cho biết, sau khi đăng nhập và chọn điểm bán đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) để đăng ký mua vàng màn hình thường hiện dòng nội dung “cửa hàng hết lượt giao dịch”.
Ngay cả khi kiên trì chọn thêm 3 điểm bán vàng khác của Công ty SJC tại TP.HCM thì 2 điểm báo màn hình có dòng chữ tương tự như trên, riêng cửa hàng nữ trang SJC 306 Minh Khai thì nhận được thông báo "cửa hàng đã tạm ngưng bán”.
Tương tự, tại các website của ngân hàng, khách hàng cũng thường xuyên nhận được thông báo “hết lượt giao dịch”, “đặt lịch hẹn không thành công”, “ngoài giờ đăng ký mua vàng”…
Ở trường hợp “khóc dở, mếu dở” hơn, chị Thủy (quận 9) cho biết, hồi gần cuối tháng 6, chị có đăng ký thành công mua vàng miếng tại trang web của SJC nhưng ngày đi giao dịch trực tiếp, chị đã không thể đến được do có việc đột xuất.
Đến đầu tháng 7, chị đăng ký mua lại thì nhận được thông báo đã giao dịch vào ngày 20/6 nên không thể đăng ký, chỉ được giao dịch tiếp kể từ ngày 18/9. Điều này đồng nghĩa với việc, muốn mua vàng chị Thủy sẽ phải chờ 2,5 tháng nữa.
Gặp khó với vàng miếng, nhiều người có nhu cầu đã chuyển hướng sang mua vàng nhẫn 9999 nhưng cũng gặp tình trạng mệt mỏi không kém.
Đến mua vàng tại một cửa hàng trên “phố vàng” Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chị Thúy Quỳnh cho biết, chỉ được mua giới hạn mỗi người 2 cây vàng nhẫn nhưng cửa hàng cũng chỉ bán khoảng và chục phút lúc mở cửa, sau phải tạm ngưng vì “hết vàng”.
Đặc biệt, cửa hàng không có giờ bán vàng nhẫn cố định, khi nào có hàng sẽ mở bán nên nhiều khách hàng khi đến nơi mới biết có mua được vàng nhẫn hay không. Thậm chí nhiều người phải quay về vì nhận được thông báo “hết hàng” ngay từ cửa.
Tương tự, ông Phan Thế Dũng (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sau nhiều lần mua vàng miếng không thành công, ông đã quyết định chuyển sang vàng nhẫn sẽ dễ mua hơn và giá cũng đang ở mức tích cực để mua tích trữ, nhưng muốn mua được cũng vẫn phải dựa vào “may mắn”. Bởi vàng nhẫn cũng bị hạn chế số lượng mua vào và lượng bán ra tại các cửa hàng cũng rất ít.
Không chỉ tại Hà Nội, một số khách hàng ở TP.HCM cũng cho biết, có nhu cầu mua vàng nhẫn nhưng liên hệ với một loạt cửa hàng kinh doanh vàng đều cho biết không còn vàng để mua. Thậm chí, ngay cả chuỗi kinh doanh lớn như PNJ cũng cho biết “hết sạch vàng nhẫn, vàng miếng, vàng tài lộc” trên toàn hệ thống, chỉ còn vàng trang sức.
Riêng tại các cửa hàng của SJC, có những nơi thông báo vẫn còn vàng nhẫn 9999 nhưng mỗi người chỉ mua tối đa 1 chỉ/ngày, muốn mua 1 lượng phải đến 10 ngày.
Nguy cơ hình thành "chợ đen"
Lý giải nguyên nhân, ngay cả vàng nhẫn cũng rơi vào tình trạng khó mua, ông Trần Duy Phương, chuyên gia vàng cho biết, hiện tượng này đã kéo dài âm ỉ trong suốt nhiều tháng nay. Do hiện nay, các công ty lớn hoạt động kinh doanh vàng đều phải xuất hóa đơn điện tử từng lần để chứng minh nguồn gốc đầu vào, trong khi nguyên liệu đầu vào không có, nên việc khan hàng tại các cửa hàng kinh doanh có tên tuổi là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, chủ một tiệm kinh doanh vàng cho biết, thực trạng “cháy vàng nhẫn” chỉ xảy ra tại những công ty lớn, tại các cửa hàng quy mô nhỏ thì luôn luôn sẵn. Tuy nhiên, lâu nay các tiệm vàng nhỏ vẫn mua đi bán lại từ nhà sản xuất, người dân nên không lưu giữ các loại chứng từ.
Trường hợp cơ quan thuế kiểm tra, nếu không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, sẽ bị truy thu và phạt, thậm chí bị tịch thu hàng nếu nghi ngờ đó là nguồn vàng lậu. Do đó, cũng không thể bán ra trong giai đoạn hiện nay, và hình thành “quy tắc ngầm” chỉ bán cho người quen.
Nói về thực trạng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, việc nhiều người không mua được vàng miếng SJC không có gì lạ, đã trở thành hiện tượng trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giá vàng và duy trì ổn định mức giá chưa đến 77 triệu đồng/lượng nhưng tình trạng khó mua vàng như hiện nay sẽ khiến hình thành thị trường “chợ đen”, buôn bán ngầm xảy ra giữa các tổ chức, cá nhân.
Theo quy định, người dân chỉ được phép giao dịch ở những điểm mua bán vàng được nhà nước cấp giấy phép mua bán vàng miếng SJC. Thế nhưng, với mặt bằng giá như hiện nay, nếu có vàng miếng nhiều đơn vị họ cũng không thể bán ra bởi trước đó, giá mua vào có thời điểm dao động lên 85-90 triệu đồng/lượng, bán ra thời điểm này sẽ “lỗ nặng”.
Đồng quan điểm, ông Dương Anh Vũ – chuyên gia tài chính cho biết, giải pháp bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay đã đạt được hiệu quả tốt về giá, nhưng mức giá 76,98 triệu đồng/lượng sẽ “đóng băng” trong thời gian bao lâu khi giá vàng thế giới đang nhiều biến động, được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
"Khi giá vàng thế giới đi lên, mà nguồn cung trong nước không có, sẽ lại dễ xảy ra hiện tượng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ và sẽ lại ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát. Do đó, để thị trường vàng ổn định bền vững, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét phương án khác hiệu quả hơn, trong đó cần cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu", ông Vũ nêu quan điểm.