Giải đáp giúp F0: Vạch T đậm hay nhạt có thể hiện tình trạng bệnh, nhiễm Covid-19 nên ăn gì mau khỏe?
BÀI LIÊN QUAN
F0 "cuồng" vitamin và thuốc bổ: Bác sĩ cảnh báo sai lầm nhiều người mắc phải7 loại giấy tờ Bộ Y tế đề xuất công nhận giúp F0 được hưởng BHXH là gì? Đề xuất F0, F1 có thể đi làm, chuyên gia nói gì?Vạch T xuất hiện đậm hay mờ có thể hiện mức độ bệnh?
Tùy theo hướng dẫn của từng bộ kit test nhanh mà thời gian đọc kết quả cũng sẽ khác nhau. Thông thường sau khi test nhanh, thời gian đọc kết quả sẽ là sau khoảng 15-30 phút.
Nếu trên kit test chỉ xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ), đây là kết quả âm tính. Còn nếu xuất hiện cả vạch chứng C và vạch kết quả T là kết quả dương tính. Trong trường hợp cả vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả T, kết quả này không có giá trị.
Thực tế, với trường hợp vạch chứng C không xuất hiện, nguyên nhân có thể do thiếu mẫu hoặc khay thử bị hỏng. Trong trường hợp này, bạn phải thực hiện test lại, hoặc có thể liên hệ với các cơ quan y tế để được tư vấn và hỗ trợ.
Còn về vấn đề khi test nhanh vạch T đậm hay nhạt có thể hiện tình trạng bệnh hay không, BS Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, điều này không có giá trị tiên lượng hay thể hiện mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Bác sĩ Khanh cho biết, vạch T hiện lên nhanh và đậm hơn C khả năng virus nhiều. Trong trường hợp này, người bệnh cần tuân thủ cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác. Còn nếu vạch T hiện lên mờ, khả năng bệnh nhân có ít virus hơn.
Bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, những bệnh nhân F0 dù không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ khi điều trị tại nhà không nên test liên tục. Hãy chờ đợi đến ngày thứ 7 rồi mới test. Nếu vạch T mờ hơn lần trước hoặc biến mất hoàn toàn chứng tỏ nồng nộ virus thấp. Đến ngày thứ 14 test thêm lần nữa, nếu vạch T không còn là có thể tái hòa nhập cộng đồng.
Nếu muốn biết được nồng độ virus, người bệnh phải tiến hành xét nghiệm RT-PCR. Chỉ số CT cao sẽ tương đương với tải lượng virus thấp. Nếu CT giảm, tải lượng virus tăng lên nhưng không có nghĩa là bệnh đang diễn biến nặng.
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng hướng dẫn các bệnh nhân F0 tự điều trị tại nhà cách xét nghiệm hợp lý, tránh lãng phí test nhanh. Cụ thể như sau:
Nếu bạn có dấu hiệu giống như cảm cúm vào thời điểm này, nhiều khả năng đã bị nhiễm Covid-19. Tốt nhất nên tự cách ly nhưng không nên test vội. Đây gọi là ngày D.
Một ngày sau đó, tức ngày D+1 nếu test lên 2 vạch tức là bạn đã trở thành F0. Nếu test 1 vạch cũng đừng vội mừng, đợi đến ngày hôm sau (D+2) test thêm lần nữa. Nếu lần này tiếp tục âm tính, bạn đợi thêm 2 ngày nữa (D+4) rồi tiếp tục test. Nếu vẫn âm tính thì có thể tạm yên tâm.
Nếu ngày D+1 test dương tính, ước tính ngày P5 như trong sơ đồ, chưa cần test vội. Ngày (P5+1) bạn test nhanh, nếu kết quả âm tính chứng tỏ sắp khỏi bệnh. Nếu vạch T còn mờ, 2-3 ngày sau nên test lại lần nữa. Nếu test vẫn mờ, ít ra vẫn có thể yên tâm vì nguy cơ lây nhiễm của bạn cho người khác còn rất thấp.
Bộ Y tế đã hướng dẫn, với những trường hợp bệnh nhân F0 đã tiêm đủ liều vaccine, không phải nhập viện, thì sau 10 ngày dù là test nhanh còn vạch mờ hay không, người bệnh không cần phải cách ly nữa.
F0 nên ăn gì cho mau khỏi?
Bệnh nhân mắc Covid-19 tùy vào thể trạng sẽ có triệu chứng và khả năng kháng bệnh không giống nhau. Tuy nhiên, họ đều phải bổ sung chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục, ngăn ngừa những triệu chứng suy giảm sức khỏe hậu Covid-19.
Thực tế, một chế độ ăn uống phù hợp với đầy đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ, protein và chất chống oxy hóa cần thiết sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể nhanh chóng đánh bại virus.
Bổ sung protein và calo: Tăng cường các loại thực phẩm như thịt nạc, trứng, cá, sữa, quả hạch, hạt, các loại đậu… để ngăn ngừa mất cơ, giảm mệt mỏi, đảm bảo duy trì các chức năng trao đổi chất.
Tăng cường vitamin C: Ăn ổi, cam, quýt, bưởi, ớt đỏ, ớt xanh, cà chua, dâu tây, bông cải xanh, đu đủ… để chống lại các bệnh về đường hô hấp và tăng cường sức đề kháng, mau chóng khỏi bệnh.
Uống bổ sung nhiều nước, uống thảo dược nếu có thể: Rất nhiều loại thảo mộc và gia vị có thể sử dụng với khả năng chống viêm, chống oxy hóa và kháng virus như đinh hương, quế, gừng, nghệ, bạc hà, húng quế… Việc uống đủ nước còn giúp cơ thể bớt mệt mỏi, đào thải chất độc.
Bổ sung chất béo lành mạnh, đồng thời cắt giảm chất béo dư thừa từ thịt và gia cầm. Giảm tiêu thụ những loại thực phẩm từ thịt như thịt đỏ và thịt béo, bơ và các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo, dầu cọ và mỡ lợn. Hạn chế tiêu thụ chất béo chuyển hóa càng nhiều càng tốt.
Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu kẽm, selen, men vi sinh probiotics và các chất dinh dưỡng khác để tăng cường hệ thống miễn dịch, chống oxy hoá. Các loại thực phẩm có thể bổ sung gồm: thịt nạc, thịt gia cầm, hải sản, sữa, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt…
Những bệnh nhân F0 nên nhớ không cần kiêng khem thực phẩm nếu không bị dị ứng hoặc không có lời khuyên riêng của bác sĩ. Đối với những người có thể trạng gầy, trẻ em thì cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa.