Giá nhà, giá đất ở Việt Nam đang tăng cao so với thu nhập của người dân
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội có nhà ở xã hội giá 17 triệu đồng/m2Khó thực thi quy định cắt 20% quỹ đất dự án xây dựng nhà ở xã hộiBộ Xây dựng đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên cả nướcGiá nhà, giá đất tăng cao cả nội đô và ngoại thành
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Xây dựng đã tăng cường công tác thanh tra nhằm bình ổn thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tại một số địa phương như Kiên Giang, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang… vẫn còn tình trạng “sốt đất” cục bộ ở 1 số địa bàn. Đơn cử như ở huyện Cam Lâm của tỉnh Khánh Hoà, ngay sau khi có thông tin quy hoạch sân bay và khu đô thị, đông đảo “cò đất” đã đổ về đây làm giá đất ở các xã lân cận tăng gấp 2 đến 4 lần.
Nếu như một lô đất năm ngoái giá bán chỉ 70 triệu đồng/mét ngang thì ở thời điểm hiện tại đã tăng lên trên 200 triệu đồng/mét ngang. Hay như ở tỉnh Quảng Bình, giá đất đã tăng lên 3 lần từ khi công bố thông tin tiển khai dự án mở rộng đường và xây mới cầu qua các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Dù những địa phương nêu trên đã có những biện pháp can thiệp nhưng “sóng ngầm” của thị trường bất động sản vẫn diễn ra.
Trong khi đó, báo cáo về thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý I, Bộ xây dựng cho biết nguồn cùng về nhà ở thương mại chưa được cải thiện. Các giao dịch chủ yếu vẫn là đất nền còn các căn hộ dự án lại giảm đi. Tại TP HCM, giá nhà chung cư đã tăng lên khoảng 2% trong khi ở thủ đô Hà Nội phân khúc này tăng vượt 5% so với thời điểm cuối năm 2021. Hiện giá các căn hộ bình dân có mức từ 24 đến 29 triệu đồng/m2 còn các dự án nhà ở thương mại tại các khu đô thị không có mức giá dưới 26 triệu đồng/m2.
Đây là lý do khiến rất nhiều người sau hàng chục năm xuống các thành phố lớn lập nghiệp vẫn chưa thể an cư. Anh Dương Văn Hưng (38 tuổi ở Hà Tĩnh) sau 12 năm làm lụng vất vả, có trong tay 900 triệu đồng vẫn chưa có cách nào mua được một căn hộ. Vợ chồng anh dự tính ra vùng Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất mua đất, dựng nhà nhưng số tiền kia cũng chỉ đủ mua 50-60m2 vì giá đất nền ngoại thành đã tăng quá cao.
“Giá đất, giá nhà tăng từng ngày khiến tôi có cảm giác số tiền tiết kiệm của gia đình mình đang dần mất giá. Với tình hình này có gom góp thêm dăm năm nữa vợ chồng tôi vẫn khó mua được một căn nhà hoặc một căn hộ nhỏ”, anh Hưng thở dài.
Trong khi đó, Lê Văn Bảo (27 tuổi ở Thanh Hoá) cho biết, với những người trẻ để tìm kiếm được ở nhà tại thành phố Hà Nội là quá khó. “Thu nhập tôi hiện nay là 13 triệu đồng/tháng, trừ chi phí thuê nhà và ăn uống chỉ còn dư vài triệu. Tôi có tham khảo một sự dự án nhà ở xã hội, chung cư trả góp nhưng thực sự mọi thứ đều quá sức mới giá nhà đất tăng cao trong khi đồng lương nhiều năm nay không cải thiện”, Bảo tâm sự.
Cũng theo ghi nhận, giá nhà ở liên tục tăng cao trong bối cảnh nhiều người mất thu nhập do ảnh hưởng của Dịch Covid-19 cũng như những lo lắng về suy thoái kinh tế dẫn đến tâm lý bất an khi tiếp cận sản phẩm bất động sản. Chưa kể, với biến động lãi suất vay mua nhà theo hướng tăng cao hiện nay cũng là rào cản đối với những người có nhu cầu thực về mua nhà ở.
Đi tìm lời giải
Chuyên gia kinh tế Dương Văn Hùng nhận định, dịch bệnh đã được kiểm soát, nền kinh tế đang dần phục hồi kéo theo giá nhà đất cũng tăng. Lý do bởi mọi chi phí leo thang, đặc biệt là vật liệu xây dựng trong khi nguồn cùng ngày càng hạn chế.
Ông Hùng dự báo bất động sản trong quý II sẽ tiếp tục tăng. Ở các thành phố lớn các chủ đầu tư khó mở rộng được quỹ đất để tăng nguồn cung về nhà ở. Điều này làm giảm cơ hội mua nhà của người lao động có thu nhập trung bình và thấp.
“Rõ ràng nhà đất ở, nhà ở hiện nay đang tăng quá cao so với thu nhập của người dân. Hiện tượng đấu giá đất cao sau đó bỏ cọc cũng gây tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản”, ông Hùng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, thị trường hiện này đang bất ổn khi dư thừa nguồn cung căn hộ nghỉ dưỡg, nhà ở cao cấp, biệt thự liền kề… trong khi phân khúc nhà ở phù hợp với người lao động lại thiếu. Điều này khiến giấc mơ sở hữu nhà tại các khu đô thị của nhiều người ngày càng xa dần.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh ngân hàng đồng loạt tăng lãi xuất cũng như các chính sách siết chặt tín dụng bất động sản sẽ khiến thị trường này chững lại trong quý III và quý IV. Theo quy luật tất yếu, khi thị trường gặp khó, nhà đầu tư thiếu vốn thì giá bất động sản sẽ giảm. Lúc này cơ hội mua nhà ở, đất ở của người dân sẽ tốt hơn thời điểm bây giờ.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản thủ đô cũng thông tin, khu vực phía Tây Hà Nội sẽ là nơi có nguồn cung với giá thành hợp lý về căn hộ cho người có thu nhập trung bình. Theo ông Tuấn, qua làm việc với các chủ đầu tư, dự kiến đầu năm 2023, thị trường sẽ chào đón 1700 căn hộ đến từ 11 dự án chung cư có mức giá từ 18 đến 24 triệu đồng/m2.
Ngoài ra các gói hỗ trợ vay vốn dành cho doanh nghiệp và người lao động của Chính phủ sẽ được triển khai trong thời gian tới sẽ thúc đẩy tiến độ xây dựng cũng như động lực tiếp cận nhà ở của người dân.
Về phía doanh nghiệp, ông Tuấn cũng lưu ý nhà đầu tư nên có chiến lược bài bàn, sẵn sàng các phương án biến động về giá cả lẫn tính thanh khoản của thị trường bất động sản. Đặc biệt phải có chiến lược, tránh đầu tư theo đám đông hoặc đặt kỳ vọng cao dẫn đến dễ sa lầy, trở thành “dự án chết”.