Bộ Xây dựng đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên cả nước
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội: Nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng "trục lợi" nhà ở xã hộiHà Nội đẩy nhanh quá trình cải tạo ký túc xá sinh viên bỏ hoang thành nhà ở xã hội giá rẻKiến nghị duy trì chính sách ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hộiThông tin một số bất cập trong việc sử dụng nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng vừa ban hành văn bản số 423/BXD-QLN về việc tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, thực hiện.
Trong thời gian qua vấn đề thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, giải quyết nhà ở cho người dân là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Hệ thống pháp luật về nhà ở đã ngày càng được hoàn thiện, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin về một số bất cập còn tồn tại, các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội. Đó là đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định; việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đúng; chủ đầu tư, khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; việc sử dụng căn hộ không đúng mục đích...Các vi phạm này xảy ra tại một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Đắk Lắk,...
Để chấn chỉnh, khắc phục việc xảy ra những tồn tại, bất cập và để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Đồng thời tránh tình trạng trục lợi từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Nội dung được Bộ Xây dựng đề nghị tập trung giám sát bao gồm việc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định trên địa bàn quản lý. Việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội của các đối tượng đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn nhằm xác định các trường hợp bán lại, cho thuê, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và việc tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ.
Cùng đó là việc lập dự toán, xác định giá bán và giá bán thực tế của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm.
Một số chính sách phát triển nhà ở xã hội
Trước đó, tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của Ngành Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị tập trung phát triển nhà ở xã hội và nhà ở phân khúc thu nhập thấp và trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giao Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cùng các đơn vị có liên quan nghiên cứu dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở phân khúc thu nhập thấp và trung bình, khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, bám sát chặt chẽ Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể phù hợp, trọng tâm là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, các địa phương nơi có những trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước trở thành tâm dịch. Khiến những người lao động tại các khu công nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi đó, khu nhà ở cho người lao động tập trung đông dẫn tới khó khăn trong việc đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch.
Vì vậy, việc khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp là rất quan trọng. Nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, sức khỏe cho người lao động, giúp người lao động “an cư lạc nghiệp” nhằm phục hồi sản xuất kinh tế.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm từ các nước có bối cảnh tương đồng để nghiên cứu, thay đổi căn bản tư duy, cách thức trong phát triển nhà ở xã hội. Đa dạng các nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan đến việc hỗ trợ dành cho người lao động về chỗ ở, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của năm 2022 đã đặt ra các mục tiêu quan trọng. Đặc biệt là phục hồi an sinh nhằm phục hồi thị trường lao động hậu Covid-19.
Nổi bật trong đó là triển khai gói 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, với 2 nhóm đối tượng khác nhau. “Người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm sẽ được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng. Còn đối với người lao động quay lại thị trường thì cũng sẽ hỗ trợ tiền nhà trong 3 tháng nhưng mức cao gấp đôi”, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin.
Bên cạnh đó, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Sử dụng một khoản tiền lớn nhất từ trước tới nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây dựng nhà ở, ký túc xá giúp cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp.