Gần 9,6 nghìn căn nhà ở xã hội đang thi công tại tỉnh Đồng Nai
BÀI LIÊN QUAN
Đồng Nai: Quy hoạch hai phân khu gần 6.000 ha tại Đô thị mới Nhơn TrạchDự án cầu Nhơn Trạch kết nối TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồngĐất nền Đồng Nai tăng nhiệt nhờ “đón sóng” cao tốc Biên Hòa – Vũng TàuTheo baodongnai.com.vn, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh này đã quy hoạch nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án gặp vướng mắc ở khâu điều chỉnh quy hoạch, định giá đất, thời gian hoàn thành thủ tục kéo dài. Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã đề xuất tỉnh hỗ trợ giải quyết nhanh thủ tục về đầu tư, định giá đất, giao đất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục xây dựng dự án.
Các địa phương, doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án nhà ở xã hội đã có sẵn quỹ đất để tiến hành khởi công dự án mới. Đối với các dự án khu dân cư thương mại, địa phương yêu cầu tỉnh nhắc nhở chủ dự án nhanh chóng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, bàn giao phần đất làm nhà ở xã hội lại cho địa phương thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tại cuộc họp do ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì với các sở ngành, địa phương lấy ý kiến về việc quy hoạch các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến đến năm 2025, hoàn thành 2,5 nghìn căn nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích sàn khoảng 200 ngàn m2, vốn đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng.
Theo ý kiến của các sở ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cần thực hiện một số giải pháp để dự án nhà ở xã hội triển khai đúng kế hoạch. Trong quy hoạch đô thị phải xác định diện tích đất phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là đất xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc chủ đầu tư nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.
Đối với những trường hợp chủ đầu tư không triển khai dự án hoặc chậm triển khai so với tiến độ đã được phê duyệt thì cơ quan quản lý thực hiện thu hồi dự án và giao cho những nhà đầu tư có năng lực triển khai đầu tư, tránh để tình trạng lãng phí quỹ đất.
Chọn các quỹ đất công phù hợp quy hoạch nhà ở xã hội tiến hành đấu thầu hoặc đấu giá đất đầu tư dự án. Nguồn vốn cho dự án là từ Quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, cá nhân…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động, tính toán, rà soát lại nhu cầu về nhà ở xã hội của địa phương và đưa vào quy hoạch trình UBND tỉnh. Tại những khu vực có đông công nhân, không chỉ phát triển nguồn nhà ở xã hội từ quỹ đất công hoặc quỹ đất 20% từ những dự án nhà ở thương mại mà các địa phương cần thực hiện quy hoạch riêng các dự án nhà ở xã hội để triển khai trong thời gian tới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có một số huyện, thành phố đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội gồm TP Biên Hòa, huyện Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch. Bởi các địa phương này tập trung nhiều khu công nghiệp với lượng lớn lao động ngoại tỉnh đến làm việc và sinh sống. Khiến các khu vực này chịu nhiều áp lực về nhà ở xã hội.
Trong công bố mới đây của tỉnh Đồng Nai, từ nay đến năm 2030 dự kiến tỉnh sẽ mở rộng thêm 10 khu công nghiệp, thu hút khoảng 450 nghìn người lao động. Như vậy tổng số lao động làm việc trong và ngoài các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai sẽ lên tới hơn 1,6 triệu người. Để giải quyết vấn đề nhà ở cho lượng lớn người lao động như vậy không phải là bài toán dễ cho tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là cho đối tượng lao động có thu nhập thấp.