Gần 200.000 tỷ đồng “bơm” ra nền kinh tế sau nới room tín dụng
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp như được tiếp thêm oxy khi được nới room tín dụng thêm 1,5-2%Doanh nghiệp bất động sản đón nhận thế nào về việc nới room tín dụng?Nhóm cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi nhất khi nới room tín dụng thêm 1,5-2%?Tổng hạn mức tín dụng tháng 12 khoảng 400.000 tỷ đồng
Theo tuoitre.vn, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy quy mô dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến tháng 9 đã đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,05% so với cuối năm 2021. Việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống thêm 1,5 - 2%, tương ứng lượng vốn tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế là khoảng 156.000 - 200.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng động thái mới của Ngân hàng Nhà nước là biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi và tăng trưởng theo kịch bản cao nhất trong bối cảnh nhu cầu vốn cuối năm rất lớn và Tết Nguyên đán năm nay tới sớm hơn so với mọi năm.
“Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nhìn nhận.
Như vậy, sau khi công cả hạn mức mới được cấp và hạn mức cũ còn lại, tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 là khoảng 400.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tỷ lệ phân bổ room tín dụng cho từng ngân hàng chưa được Ngân hàng Nhà nước công mà chỉ nêu nguyên tắc phân bổ là các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố đạt 11,5%. Theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 trước đó là 14% thì dư địa cho tăng trưởng tín dụng vào hai tháng cuối năm chỉ là 2,5%, đây là con số khá khiêm tốn so với nhu cầu vốn thời điểm hiện tại.
Giám đốc một doanh nghiệp tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết, việc nới room tín dụng là điều mà doanh nghiệp mong đợi do trong thời gian qua hạn mức được ngân hàng cấp mới sử dụng 60 - 70% nhưng vì cạn room tín dụng nên nhiều ngân hàng đã ngừng giải ngân khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh không có đủ vốn dù đang bước vào mùa cao điểm cuối năm.
Thậm chí có những ngân hàng yêu cầu trả hết nợ cũ mới được giải ngân khoản vay mới. Tuy nhiên nếu trả hết nợ mà một tuần sau mới vay mới thì ngân hàng không hứa là có cho vay được hay không vì không biết còn room tín dụng.
"Nới room tín dụng hiện tại giống như nắng hạn gặp mưa rào. Mặc dù số tín dụng vừa được nới thêm không quá nhiều, không đủ 'thỏa cơn khát', nhưng phần nào hỗ trợ được thanh khoản cho người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, vì nhu cầu vay vốn vào cuối năm rất cao", TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn tài chính, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho hay.
Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển việc nới room tín dụng ở thời điểm này sẽ chủ yếu phục vụ nguồn vốn lưu động cuối năm cho các doanh nghiệp chứ không phải để phục vụ các dự án đầu tư hay bất động sản.
Ông Hiển nói: “Lẽ ra nếu có thể nới room vào tháng 11 thì hợp lý hơn, nhưng chậm còn hơn không”. Nguồn vốn tín dụng được nới thêm không chỉ có tác dụng “bơm oxy” cho doanh nghiệp mà còn giúp tạo đà cho nền kinh tế vận hành thuận lợi trong năm 2023, bởi nếu không tăng thêm thì hạn mức tín dụng được mở ra vào năm 2023 sẽ rất khó khởi động lại nền kinh tế đã bị “hãm” lại trong một thời gian dài.
Không chỉ giải “khát” vốn cho các doanh nghiệp, việc nới room tín dụng còn tác động tích cực tới đời sống của người lao động. Bởi doanh nghiệp cần vốn để gia tăng sản xuất, mua hàng và xoay vòng vốn, đồng thời cần tiền để giải quyết công nợ với đối tác, trả lương, thưởng Tết cho công nhân.
Chuyên gia tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh nói: “Doanh nghiệp giải quyết bớt công nợ lẫn nhau và công nhân có tiền Tết, trang trải, mua sắm cuối năm. Qua đó cũng kích thích tăng trưởng kinh tế".
Tập trung dòng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên
Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) Lý Kim Chi cho biết, ngành lương thực, thực phẩm thuộc nhóm những ngành được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm cho thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp của ngành tại TP Hồ Chí Minh đã phải xoay sở mọi cách để lo nguồn vốn, tìm tài sản thế chấp để được vay vốn ngân hàng. Bà Chi cho biết một nghịch lý là khi doanh nghiệp tiếp cận được vốn thì ngân hàng báo hết room tín dụng. Vì vậy, thông tin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng lúc này là thông tin tích cực cho các doanh nghiệp và mong ngóng ngân hàng nhanh chóng giải ngân.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với hạn mức tín dụng mới được tăng thêm, ngân hàng này sẽ ưu tiên giải quyết cho các doanh nghiệp đang chờ room tín dụng trong thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định đích đến của dòng vốn tín dụng cấp thêm là các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các ngân hàng sẽ tuân thủ và ưu tiên cho những lĩnh vực này.
Vị giám đốc ngân hàng nói: "Dù có thêm room mới nhưng việc phát triển tín dụng bao giờ cũng phải đi sau việc bảo đảm các chỉ số an toàn trong hoạt động, thanh khoản... vì hiện nay Ngân hàng Nhà nước giám sát rất chặt. Ngân hàng cũng phải đảm bảo sao cho mặt bằng lãi suất huy động không tăng một cách mất kiểm soát. Vì lãi suất huy động tăng cao sẽ đẩy lãi suất cho vay lên cao, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai”.
SSI nhận định nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn trong việc phân bổ hạn mức tín dụng mới cấp thêm. Tuy nhiên trong bối cảnh áp lực cân đối vốn từ các ngân hàng hiện rất lớn, vì thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều khi tăng trưởng huy động vốn đang thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.