Dồn sức gỡ khó cho thị trường bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản đón những tín hiệu khả quan, kỳ vọng sẽ sớm hồi phụcDoanh nghiệp bất động sản đang huy động vốn thông qua những kênh nào?Các kênh vốn đa dạng, vì sao thị trường bất động sản vẫn gặp khó?Ổn định tâm lý nhưng vẫn “tắc” vốn
Theo thanhnien.vn, thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ khó khăn bởi việc co hẹp nguồn vốn vào thị trường bất động sản đã khiến cả chủ đầu tư và người mua đều gặp khó khăn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng những chính sách đột phá sẽ khơi thông nguồn vốn và vực dậy thị trường bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) khẳng định: "Hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Hiện đã xuất hiện một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản gặp "rủi ro" bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Hiện các Tập đoàn, doanh nghiệp này đã phải thực hiện các biện pháp mạnh để tồn tại".
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và lập Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trực thuộc Trung ương, Tổ công tác đã có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp có dự án đang gặp khó khăn. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã có văn bản chỉ đạo Sở xây dựng làm đơn vị đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở và các quận huyện để nghiên cứu, báo cáo đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh hướng xử lý. Ông Cường cho biết, vẫn chưa có kết quả gì cụ thể vì các dự án bất động sản không thể xử lý được trong một sớm một chiều. “Tổ công tác đang đi theo hướng xử lý cụ thể cho từng dự án, từng doanh nghiệp và khẳng định sẽ làm nhanh, đốt cháy giai đoạn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên chúng tôi cũng đang rất kỳ vọng”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói.
Bên cạnh đó, dự thảo cho phép kéo dài kỳ hạn và chuyển đổi thành tài sản khác với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành được đưa ra lấy ý kiến và động thái nới room tín dụng toàn hệ thống thêm từ 1,5 - 2% là những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc để doanh nghiệp nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.
Lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản đều chung quan điểm, tín dụng vẫn là nút thắt lớn chưa được tháo gỡ. Mặc dù đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước tăng chỉ tiêu tín dụng, nhưng lĩnh vực bất động vẫn rất khó để tiếp cận vốn, kể cả dự án đầy đủ pháp lý, có kế hoạch kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp đảm bảo. Nút thắt vốn được tháo gỡ thì những khó khăn của doanh nghiệp và thị trường cơ bản sẽ được giải quyết, ngược lại thị trường sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Tháo gỡ điểm nghẽn vốn và chính sách
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, một trong những tín hiệu tích cực tác động mạnh đến thị trường là những chỉ đạo liên tiếp và rất mạnh mẽ của Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này.
Ông Đính nói: “Bản chất của thị trường là điểm nghẽn về tiền và chính sách nên làm sao tháo hai cái này thì mới giải quyết được vấn đề”.
Công điện ban hành ngày 14/12 của Thủ tướng Chính phủ khá mạnh mẽ và toàn diện trong tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản đang đối mặt. Đây như một tín hiệu giúp nhà đầu tư gia tăng chỉ số niềm tin, sự lạc quan vào thị trường. Các bộ ngành cũng tích cực chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cụ thể như Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Điều này sẽ giúp thị trường tài chính ổn định trở lại về mặt thanh khoản, khi đó thị trường bất động sản hưởng lợi, các doanh nghiệp bất động sản dễ thở hơn nhiều.
TS. Đinh Thế Hiển đánh giá Dự thảo của Bộ Tài chính sẽ tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành, trong đó các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm 1,5 - 2%. Sẽ có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng vốn cho nền kinh tế. Ngành bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ dòng tiền nới room tín dụng này, đây là động lực thúc đẩy thị trường “phá băng”
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ làm việc với các TP trực thuộc Trung ương, một số các địa phương, doanh nghiệp để nắm bắt đầy đủ thông tin, đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Các dự án gặp khó khăn về pháp lý thì rà soát lại báo cáo, làm rõ nội dung đang vướng mắc, tìm phương hướng tháo gỡ, đặc biệt là dự án nhà ở thương mại.
“Thủ Tướng đã quyết liệt chỉ đạo để đưa ra các cơ chế chính sách, giải pháp biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, do đó cần bắt tay nhanh chóng khẩn trương để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong năm 2023, giúp thị trường có thể phục hồi trong quý III/2023”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hiện nay các địa phương có hơn 1.000 dự án cần phải tháo gỡ. Nhiều dự án thực hiện đầu tư đang vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý, phải dừng hoặc hoãn tiến độ khiến số lượng dự án bất động sản giảm mạnh. Đến hết quý III/2022, có 104 dự án đang triển khai, chỉ bằng 51% dự án cùng kỳ so với năm 2021.