Đâu là "điểm sáng" cho dòng vốn bất động sản?
BÀI LIÊN QUAN
Những lý do khiến Hà Nội luôn có “lực hấp dẫn” với nhà đầu tư FDIViệt Nam tiếp tục lọt top 3 quốc gia thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất ASEAN Bất động sản công nghiệp "lên ngôi": Doanh nghiệp FDI “cấp tập” mở rộng nhà xưởng - kho bãi, cả nước sắp có thêm 9 KCNDự báo vốn FDI sẽ bùng nổ
Theo Nhịp sống thị trường, chia sẻ tại Hội thảo "Đón đầu xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe" mới diễn ra gần đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, tính trong 9 tháng đầu năm, đơn vị đã tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để kết nối và tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, từ đầu năm đến nay, thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản đứng thứ 2 với hơn 3,5 tỷ USD, đồng thời chiếm 18,5% tổng vốn đăng ký. Tổng cộng có 43 quốc gia đầu tư lĩnh vực bất động sản, trong đó bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khỏe ở khái niệm rộng hơn và mới đối với Việt Nam.
Ông Tuấn nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á cùng với nhiều lợi thế. Bên cạnh đó, giá đất cũng ở mức cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Lấy dẫn chứng, vị chuyên gia cho biết, năm 2018, xu hướng đầu tư bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất mạnh, thậm chí đạt kỷ lục. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm đại dịch, tốc độ này đã giảm đi đáng kể. Giá trị đầu tư vào bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020 chỉ đạt loanh quanh mức 4 tỷ USD mỗi năm và tới năm 2021 con số này đạt hơn 2,6 tỷ USD. Trong khi tính riêng năm 2018 là gần 7 tỷ USD.
Cũng theo vị này, trong 9 tháng đầu năm 2022, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng và dự báo có thể phục hồi vượt năm 2018. Điều này được ông Tuấn thể hiện qua quy mô bình quân của dự án trong lĩnh vực bất động sản 9 tháng qua đã cao hơn so với hồi năm 2018. Cụ thể, nếu ở năm 2018, quy mô đầu tư vào khoảng 54 triệu USD/dự án, thì đến 9 tháng đầu năm nay con số này đã đạt 64 triệu USD/dự án.
Ông Tuấn nhấn mạnh đây là một điểm tích cực đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn này, chúng ta phải giải quyết được nhiều khó khăn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền trong việc bảo vệ các dự án đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cũng như đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết. Thay vì bắt kịp các quốc gia khác, Việt Nam phải định hướng đi đầu, như vậy mới tạo sự độc đáo và mang các đặc thù của nước ta.
FDI là kênh cứu cánh cho thị trường bất động sản
Trong bối cảnh hiện nay, hai dòng vốn quan trọng của bất động sản đang bị thắt chặt đó là tín dụng ngân hàng và trái phiếu. Nhiều chuyên gia đánh giá, dòng vốn FDI chính là kênh cứu cánh cho thị trường bất động sản.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng việc huy động vốn cổ phiếu sẽ khó bởi thị trường chứng khoán giai đoạn này đang suy giảm. Trong khi đó, huy động vốn trái phiếu giảm mạnh do các ngân hàng thương mại không tham gia. Quy mô trái phiếu của năm 2020 gấp 4 lần năm 2016. Đến năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2020 (trong đó phát hành riêng lẻ chiếm 94,3%).
Sang đến năm 2022, Nhà nước đã tiến hành chấn chỉnh phát hành trái phiếu dưới chuẩn và lách luật. Số lượng phát hành dự kiến sẽ giảm, qua đó ảnh hưởng đến nguồn vốn của các công ty sản xuất kinh doanh và bất động sản. Do đó, ông Hiển cho rằng, chỉ số nguồn vốn FDI mới là điểm sáng.
Còn theo TS.Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, việc siết chặt tín dụng bất động sản sẽ hạn chế vay tín dụng xấu, gây khó khăn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập vào thị trường Việt Nam.
“Đây sẽ là cơ hội cho việc phát triển nguồn lực cho dòng vốn FDI tại Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản. Đối với một đất nước với hơn 100 triệu dân như Việt Nam, một siêu độ thị với hơn 10 triệu dân như TP. Hồ Chí Minh, các khoản đầu tư này là rất quan trọng”, ông Khương nhấn mạnh.
Trong 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,45 tỷ USD, tiếp sau đó là Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc...
Trong bối bối cảnh kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chọn TP. Hồ Chí Minh làm "cứ điểm" cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ... 9 tháng đầu năm, thành phố này ghi nhận 2,97 tỷ USD vốn FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần và mua lại phần góp vốn, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cũng tiếp tục dẫn đầu cả nước về số dự án FDI còn hiệu lực với 11.007 dự án và số vốn đăng ký trên 55,4 tỷ USD.
Mới đây, đoàn gồm 23 doanh nghiệp Áo đã đến TP. Hồ Chí Minh để tìm cơ hội hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực như hạ tầng giao thông vận tải, công nghiệp ô tô, đô thị thông minh, tự động hóa, phát triển năng lượng xanh và y tế. Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Áo đã đầu tư cũng như có ý định mở rộng đầu tư và hợp tác trong thời gian tới nhằm tận dụng tốt nhất Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).