Doanh nghiệp bất động sản “thắt lưng buộc bụng” để tồn tại
BÀI LIÊN QUAN
TS Cấn Văn Lực: Chậm nhất quý IV/2023, bất động sản sẽ phục hồiVARS: Thị trường bất động sản dễ “đột quỵ” khi liên tục có diễn biến bất thườngChuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2023: Thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản sẽ đối diện với quá trình tái cơ cấu và ổn định lạiThu hẹp quy mô
Theo vneconomy.vn, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), nhiều công ty bất động sản mặc dù còn hoạt động nhưng phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, chủ động cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự phải làm 2 - 3 công việc để tồn tại. Không chỉ cắt giảm từ 60 -70% lượng nhân sự, các doanh nghiệp bất động sản còn giảm lương hoặc cho nhân viên nghỉ Tết sớm. “Thị trường bất động sản khó khăn thì nhân sự trong ngành, đặc biệt với tuyến đầu như đội ngũ môi giới bất động sản là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất, ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022”, vị đại diện HoREA nói.
HoREA cho rằng, sự tắc nghẽn của các nguồn vốn như vốn tín dụng, vốn trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng nên nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng “đói vốn”, buộc lòng phải tạm dừng triển khai các dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, đáng kể nhất là có thể lên tới 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận sự khó khăn của thị trường hiện nay không chỉ kéo dài một, hai tháng mà đã diễn ra trong nhiều tháng của năm 2022, “sức khỏe” của thị trường và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản ngày càng suy giảm.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng những khó khăn chồng chất đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong 11 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp bất động sản đã phải giải thể nhiều hơn so với thời kỳ bùng phát đại dịch Covid-19 (2020 - 2021), theo đó có 1.081 doanh nghiệp, tăng 43,9%; số doanh nghiệp dừng hoạt động có thời hạn ước tính là 2.379 doanh nghiệp, tăng khoảng 50,7%. Còn số doanh nghiệp giải thể qua các năm 2019, 2020, 2022 lần lượt là 686; 978; 861.
“Chúng ta thấy rõ năm 2022 được xem như một thách thức lớn. Đấy là có những doanh nghiệp giải thể trực tiếp mà chúng ta nhìn thấy, nhưng còn những doanh nghiệp dừng hoạt động mà chúng ta chưa nhìn thấy. Nhất là ngành cung cấp dịch vụ môi giới bất động sản, giữa bối cảnh hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động từ lâu, tuy nhiên chưa có giấy tờ quyết định chính thức giải thể công ty”, ông Lâm nêu.
Trong thời gian vừa qua, một lãnh đạo của doanh nghiệp bất động sản lớn đã phải thừa nhận đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vị lãnh đạo này đã viết tâm thư gửi khách hàng thông tin về những việc mà doanh nghiệp gặp phải. Trong tâm thư có đoạn đề cập đến năm 2022, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động như chiến tranh, lạm phát, hậu quả dịch bệnh, cùng với đó là những chính sách thắt chặt tín dụng đều ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp và thị trường, chính doanh nghiệp này cũng đang lâm vào tình thế hết sức “gieo neo”.
Doanh nghiệp tái cấu trúc danh mục đầu tư
Ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho biết, thị trường bất động sản từng gặp khủng hoảng trong quá khứ, những kinh nghiệm từ các chủ đầu tư đã có trong giai đoạn khó khăn đó cho biết trong thời điểm hiện tại các doanh nghiệp nên thực hiện tái cấu trúc danh mục đầu tư, tập trung hóa nguồn lực, định vị lại phân khúc thị trường, đặc biệt tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm.
Đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ cho việc bán hàng, hoạt động hậu mãi, cho thuê, kết nối người dùng cuối và dịch vụ liên quan đến quản lý, vận hành, hỗ trợ tăng giá trị cho bất động sản. Tập trung phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, nhằm củng cố lòng tin khách hàng, thông qua chất lượng và tính hữu dụng của sản phẩm.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp bất động sản còn đầu tư dàn trải, không tập trung vào các dự án trọng điểm, sản phẩm mà đại đa số người dân có nhu cầu sử dụng. Doanh nghiệp bất động sản cần phải tự chủ động cứu lấy chính mình, xem xét điều chỉnh giá bán nếu giá đang ở mức quá cao để người dân có thể tiếp cận được. Vị đại diện này lưu ý: “Còn Chính phủ tháo gỡ cho thị trường sẽ đưa ra các chính sách, giải pháp, nhưng đáp ứng, xoay xở được đến đâu vẫn ở phía doanh nghiệp”.
Có thể thấy, trong bối cảnh này phần lớn các chuyên gia bất động sản đều nhận định rất khó đoán định chính xác mọi việc, doanh nghiệp không nên quá mạo hiểm mà cần “liệu cơm gắp mắm”. Trong trường hợp thật sự cần thiết thì cố gắng “thắt lưng buộc bụng”, huy động tối đa mọi nguồn lực, cần sử dụng thận trọng khoản ngân sách để đảm bảo hiệu quả.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải tính toán để xây dựng kế hoạch phát triển bài bản giúp chủ động nguồn vốn, thay vì ngồi chờ nguồn vốn tín dụng khơi thông, bằng các chủ động tăng vốn chủ sở hữu nhằm tăng nội lực của doanh nghiệp trong qua việc hợp tác, liên doanh, liên kết và sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản hùng mạnh. Doanh nghiệp phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng để huy động nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản.