Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị loạt giải pháp tháp gỡ khó khăn về tín dụng và pháp lý
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục khi được gỡ vướng về pháp lý và vốnChuyên gia: Tình trạng đình trệ của thị trường BĐS có sự tác động lớn nhất bởi những vướng mắc pháp lýPhó Chủ tịch VNREA: Rào cản lớn nhất hiện nay đó chính là khâu pháp lý“Cuộc trường chinh về con dấu bào mòn sức khoẻ DN”
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest cho rằng, 70% vướng mắc của DN là pháp lý. Đây cũng là vấn đề DN mong mỏi được tháo gỡ nhất. Tuy nhiên, cần phải tháo gỡ những vướng mắc rất cụ thể chứ không phải những vướng mắc chung chung.
“Những vướng mắc pháp lý rất cụ thể như GPMB chẳng hạn, hiện nay rất phức tạp, kéo dài. Có dự án của chúng tôi kéo dài tới 15 năm nhưng chưa xong”, ông Hiệp nói.
Về thủ tục đầu tư, theo ông Hiệp, một dự án phải trải qua trên 30 con dấu. “Cuộc trường chinh về con dấu thế này bào mòn sức khoẻ của DN, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Thậm chí DN nước ngoài cũng rất sợ về thủ tục đầu tư của Việt Nam. Chúng ta cần có quy định rất cụ thể để tháo gỡ vấn đề này”.
Ông Dennis Ng Teck Yow -Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cũng chia sẻ, khó khăn lớn nhất của DN là vấn đề về pháp lý, chiếm tới 80%. Đại diện Novaland dẫn chứng từ 4 cụm dự án lớn của DN này.
Với cụm dự án tại TP.HCM, hiện Novaland vẫn đang chờ đợi sớm nhận được kết luận từ thành phố nhằm tháo gỡ nốt những khó khăn pháp lý cuối cùng tại Dự án chung cư 100 Cô Giang (The Grand Manhattan) và Dự án 32ha Bình Khánh (The Water Bay).
“Đây là hai dự án chúng tôi cam kết nghiêm túc sẽ bố trí đầy đủ diện tích cho nhà ở xã hội và phần tái định cư. Trong đó, dự án chung cư 100 Cô Giang (The Grand Manhattan) đã hoàn tất bàn giao phần tái định cư”, ông Dennis Ng Teck Yow nêu.
Với dự án Aqua City (Đồng Nai), Novaland có hơn 70.000 tỉ đồng phải thu theo tiến độ từ khách hàng. Dự án này đang chờ được gỡ vướng các thủ tục phê duyệt để tiếp tục duy trì dòng tiền cho phát triển dự án.
Một trong những dự án trọng điểm của tập đoàn là NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận) cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực từ pháp lý. Tuy nhiên, tập đoàn đang chờ đợi Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP ban hành để xác định tiền sử dụng đất, hoàn tất thủ tục pháp lý để ký hợp đồng mua bán với khách hàng.
"Đây là dự án chúng tôi chuyển nhượng lại của Dona Coop và đã có đầy đủ pháp lý như đã đóng tiền sử dụng đất, đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 và được Tỉnh ủy phê duyệt cho chuyển nhượng dự án đất ở. Tuy nhiên do chúng tôi xin điều chỉnh quy hoạch 1/500 để phù hợp với thị trường trên cơ sở giữ nguyên các chỉ tiêu được phê duyệt nhưng vẫn phát sinh nhiều vướng mắc", Tổng giám đốc Novaland cho hay.
Lãi suất cho vay BĐS vẫn còn cao
Về những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận tín dụng, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, ngân hàng cần rút ngắn thời gian phê duyệt. Ngoài ra, ngân hàng đang yêu cầu cung cấp rất nhiều hồ sơ, giấy phép con. Do đó, ngân hàng cần xem xét lại vấn đề danh mục hồ sơ cần cung cấp.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, hiện nay lãi suất cho vay BĐS vẫn còn cao hơn so với mức lãi suất đầu vào tại các ngân hàng.
“Ví dụ thời điểm tháng 6/2023, NHNN quy định mức lãi suất huy động dưới 6 tháng là 4,5%/năm. Từ lãi suất ngắn hạn, huy động sang cho vay trung hạn chắc chắn phải có dư ra để xử lý. Khi chúng tôi vay vốn, năm đầu được ưu đãi 8%/năm. Nhưng đến tháng 6/2023 sau khi hết ưu đãi chúng tôi phải chịu mức lãi suất 11%/năm, sau đó mới được giảm xuống 10,5%/năm. Đến tháng 10/2023 chúng tôi vẫn chịu mức lãi suất là 9,5% trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm", ông Hiệp phát biểu.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes đề cập đến việc các khoản vay cũ vẫn phải chịu lãi suất cao. Đặc biệt, việc giới hạn room tín dụng dẫn đến các ngân hàng cân nhắc, lựa chọn khách hàng khi cho vay, vẫn cho vay với lãi suất cao làm mặt bằng chung lãi suất thực tế chưa giảm nhiều như kỳ vọng.
Cũng theo ông Hoa, tài sản đảm bảo trong lĩnh vực BĐS đang bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực nhiều lần. Lý do là thị trường BĐS đóng băng, không có nhiều giao dịch tham chiếu.
Về các vướng mắc, đại diện Novaland cho biết nếu không xử lý được pháp lý thì ngân hàng không giải toả tiền tạm khoá; đồng thời cũng là rào cản để các ngân hàng giải ngân vốn mới cũng như tiếp tục tài trợ cho người mua nhà.
“Điều này dẫn tới dòng tiền bị tắc và Novaland phải trả lãi vay hàng chục tỉ đồng mỗi ngày, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả đầu tư, lãng phí tài sản của xã hội và đến sự sinh tồn của tập đoàn”, ông Dennis Ng Teck Yow nêu.
Ông Dennis Ng Teck Yow đề nghị Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt trong việc sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP nhằm có phương án cuối cùng trong quản lý sử dụng đất; có giải pháp giải quyết triệt để các vướng mắc về các thủ tục pháp lý chưa đồng bộ, các vướng mắc qua từng thời kỳ và không hồi tố.
DN này cũng đề nghị NHNN và Chính phủ đồng lòng hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong 2 năm tới (năm 2024 và 2025) để giãn dòng thanh toán cho DN.
Theo đó, NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN, giúp tổ chức tín dụng có thể sử dụng tối đa 34% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn như hiện giờ, thay vì 30%. Ngoài ra, NHNN xem xét gia hạn nợ tối đa 24 tháng theo Thông tư 02 (thay vì tối đa 12 tháng như hiện tại).
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, với các điều kiện đã được quy định trong luật, ngân hàng không thể nới. Tuy nhiên, với các điều kiện thuộc thẩm quyền của ngân hàng thương mại thì các ngân hàng căn cứ từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
"Hiện giá nhà thương mại lẫn nhà ở xã hội vẫn rất cao. Chỉ khi giải quyết được vấn đề giá nhà thì mới giải quyết được vấn đề sức mua thị trường", ông Tú nói.