Đồ án quy hoạch chung thành phố Đồng Hới có gì đặc biệt?
BÀI LIÊN QUAN
Những bài toán cần giải của Quy hoạch phân khu đô thị sông HồngNinh Bình quy hoạch khu nhà ở xã hội hơn 2.300 tỷ đồngĐồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận có quy mô trên 21.255ha, gồm 9 phường, 11 xã và 1 thị trấn. Quy mô dân số hiện trạng 165.550 người; dự kiến đến năm 2045 có khoảng 300.000-350.000 người.
Mục tiêu của Đồ án nhằm phát triển đô thị Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành vùng trọng điểm của khu vực về phát triển dịch vụ du lịch; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững theo hướng “Đô thị du lịch biển xanh và đô thị hoa hồng”.
Phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu chức năng đặc thù theo hướng tăng trưởng xanh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo cơ hội thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế của đô thị ven biển phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương với giá trị cốt lõi là nâng cao chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Trong đó, định hướng phát triển đô thị mạnh mẽ theo 4 hướng: hướng Đông du lịch biển (xã Quang Phú, Bảo Ninh); hướng Nam đô thị chất lượng cao (phường Phú Hải, Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Quán Hàu); hướng Tây gắn với cao tốc Bắc Nam, đô thị logistic, đô thị nông nghiệp công nghệ cao; hướng Bắc gắn với phụ cận sân bay, ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng cũng đưa ra 20 vấn đề, giải pháp cho đô thị thành phố Đồng Hới xuyên suốt từ năm 2021 đến năm 2045; nhấn mạnh một số khái niệm và chức năng mới đô thị cần có: Quy hoạch mềm, sinh thái ngập lụt, công viên hoa Lộc Ninh, rừng trong đô thị, đô thị nước, khu vực Logistic, đại lộ Đông Tây Điện Biên Phủ, du lịch bản địa - hiện đại…
Tại Hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần kiến trúc, đầu tư và thương mại Việt Nam đã báo cáo về ý tưởng quy hoạch Đồ án xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận. Trong đó, đã đánh giá lại kỹ lưỡng hiện trạng thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh, xác định rõ các sản phẩm quy hoạch, đưa ra định hướng về viễn cảnh và tầm nhìn trong tương lai.
Các đại biểu cũng đã tham gia ý kiến góp phần hoàn thiện Đồ án đối với các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng phát triển hạ tầng giao thông; phát triển văn hóa, thể thao và du lịch…
Tại Hội nghị, ông Trần Phong - Bí thư Thành ủy thành phố Đồng Hới ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của đơn vị tư vấn, đơn vị tài trợ quy hoạch trong việc tiếp thu, hoàn thiện ý tưởng quy hoạch theo ý kiến của Thường trực Thành ủy và cơ bản thống nhất với hướng tiếp cận theo góc độ Đồ án quy hoạch một khu tổ hợp đô thị, du lịch nghỉ dưỡng; phương án sử dụng đất, phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện như ý tưởng đề xuất của đơn vị tư vấn.
Ông Phong đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ đơn vị tư vấn, đơn vị tài trợ quy hoạch tiếp thu, hoàn chỉnh ý tưởng và đồ án quy hoạch, để trình UBND tỉnh Quảng Bình thông qua và triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Trước đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2865/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.
Theo định hướng quy hoạch tổ chức không gian đô thị, phát triển dân cư, xây dựng mô hình phát triển không gian vùng tỉnh, hình thành hệ thống đô thị, phân loại, phân cấp đô thị, xác định tính chất đô thị cải tạo, xây mới, nâng cấp... Lựa chọn mô hình phát triển. Định hướng phân bố không gian xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, hệ thống hạ tầng xã hội, và các điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, du lịch… trong đó xác định các vùng phát triển không gian, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội theo hướng cân bằng và bền vững.
Theo định hướng phát triển không gia vùng Quảng Bình có tiểu vùng kinh tế động lực trung tâm: Gồm thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch và khu vực phía Bắc huyện Quảng Ninh (thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh, xã Vĩnh Ninh). Diện tích khoảng 234.000 ha, dân số khoảng 304.459 người. Thành phố Đồng Hới là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Bình, là trung tâm của tiểu vùng. Là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, trong đó dịch vụ thương mại, du lịch chất lượng cao, công nghiệp đa ngành đóng vai trò chủ đạo; phát triển du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia, quốc tế kết hợp bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng.
Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển kinh tế vùng gò đồi (trồng cây công nghiệp, xây dựng mô hình trang trại…), khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, đánh bắt xa bờ, bảo vệ và phát triển bền vững biên giới, biển và hải đảo.
Tiểu vùng động lực phía Bắc: Gồm các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa. Diện tích 317.800 ha. Dân số. 334.435 người. Trong đó, đô thị trung tâm tiểu vùng là cụm Khu Kinh tế Hòn La và thị xã Ba Đồn. Là vùng kinh tế tổng hợp, trong đó: Cảng biển, công nghiệp đa ngành, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, giao thương kinh tế thương mại - cửa khẩu là chủ đạo; phát triển các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản và các dịch vụ thương mại tổng hợp khác. Bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và hải đảo. Khai thác lợi thế vùng Nam Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình, hành lang kinh tế Đông - Tây, quốc lộ 12A nối thông cửa khẩu với cảng biển nước sâu, hợp tác phát triển giữa các Khu kinh tế Hòn La, Cha Lo, Vũng Áng, Cầu Treo. Hình thành các đô thị dọc tuyến QL12A, đường Hồ Chí Minh, khu vực Hòn La, Cha Lo.
Vùng sinh thái nông - lâm nghiệp phía Nam: Gồm huyện Lệ Thủy và các xã của huyện Quảng Ninh (trừ thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh và Vĩnh Ninh đã đưa vào Tiểu vùng động lực trung tâm). Diện tích 254.700ha. Dân số 219.030 người. Thị trấn Kiến Giang được xác định là trung tâm của tiểu vùng.
Là vùng có tiềm năng về phong điện, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, du lịch văn hoá lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái, cầu nối với các đô thị và các tỉnh phía Nam. Khai thác lợi thế địa hình để phát triển kinh tế vùng gò đồi (trồng cây công nghiệp và xây dựng mô hình trang trại).