Đề xuất lập Tổ công tác xây dựng đề án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
BÀI LIÊN QUAN
Những dự án đường sắt nào được đầu tư gần 7.500 tỷ đồng trong năm nay?Những ưu và nhược điểm của đường sắt tốc độ caoThống nhất phương án đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam có tốc độ khai thác 225 km/hTheo Vietnam+, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ là Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; Tổ phó thường trực là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; 2 Tổ phó là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Các thành viên khác của Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tư pháp, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân của 20 tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Về cơ quan thường trực tổ công tác, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan thường trực Tổ công tác xây đề án.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định đồng thời thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, bộ sẽ huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Kết luận số 49, Bộ Chính trị đã xác định đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là trục “xương sống”.
Đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (Hà Nội-Vinh; Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang)./.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn và các đơn vị liên quan lưu ý tập trung vào hai phương án là làm một tuyến đường sắt mới chỉ chở khách và tuyến đường sắt mới vừa chở khách vừa chở hàng.
Trong đó, kịch bản đường sắt mới chỉ chở khách, bổ sung đường sắt hiện hữu cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa phù hợp với lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) để vận tải hàng hóa; kịch bản thứ hai là xây dựng mới đường sắt trên trục Bắc-Nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa để vận tải hành khách và hàng hóa làm cơ sở để so sánh, lựa chọn.