Chuyên gia chứng khoán: Nhịp kéo vừa qua “hơi vội”, nhà đầu tư còn khó giao dịch hơn giai đoạn đi ngang trước đây
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 8/6: Áp lực chốt lời mạnh, VN-Index quay đầu giảm hơn 8 điểm về vùng 1.100 điểmLợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam tăng caoChuyên gia chứng khoán: Có thể xuất hiện xu hướng mua đuổi ở nhóm cổ phiếu ngân hàngTheo Nhịp sống thị trường, chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch giảm điểm mạnh kèm theo thanh khoản tăng đột biến. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn trong phiên giao dịch hôm qua (8/6) lập kỷ lục cao nhất 7 tháng với hơn 27.300 tỷ đồng, lượng cổ phiếu được giao dịch đạt mức gần 1,5 tỷ đơn vị.
Sau vài phiên trở lại với nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, chứng khoán, hay thép, dòng tiền đã trở nên suy yếu. Áp lực điều chỉnh sau giai đoạn bùng nổ khiến tâm lý nhà đầu tư ngày càng trở nên hoang mang.
Không có tiền mới tham gia thị trường hay chảy từ kênh tiết kiệm qua chứng khoán
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC chi nhanh TP. Hồ Chí Minh đánh giá, khả năng cao diễn biến trên là hiện tượng phân phối ngắn hạn cục bộ ở một số nhóm cổ phiếu. Việc điều chỉnh có thể được dự đoán khi tâm lý của nhà đầu tư có dấu hiệu hưng phấn, thị trường rơi vào trạng thái quá mua và lượng tiền trong ngắn hạn đạt tới ngưỡng giới hạn.
Trong phiên giao dịch ngày 8/6 vừa qua, dễ thấy mức độ giảm của chỉ số chung không lớn, nguyên nhân chủ yếu do lực gồng gánh từ một số bluechips đơn lẻ. Tuy nhiên, biên độ điều chỉnh giữa mức điểm cao nhất xuống thấp nhất trong phiên khá lớn. Thống kê cho thấy, một nửa số cổ phiếu nhóm VN30 ghi nhận mức giảm lớn hơn 2% từ mức thị giá cao nhất trong phiên.
Vị chuyên gia cho rằng, sau phiên giảm mạnh, thị trường chứng khoán chưa hẳn đã trở nên xấu, bởi cấu trúc dài hạn vẫn đang ổn định với hơn 60% cổ phiếu trên đường MA200. Tuy nhiên, đây lại là lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư tránh việc FOMO theo sóng.
Giám đốc tại Chứng khoán DSC cho rằng, khi thị trường vượt MA200, mọi người thường nghĩ sẽ vào uptrend dài hạn nhưng nhà đầu tư quên mất rằng ngoài tăng, giảm thì còn xu hướng đi ngang. Thị trường năm 2019 duy trì trên MA200 trong phần lớn thời gian nhưng lại không có uptrend nào cả. Thị trường hiện nay cũng chỉ đi ngang với biên độ cao hơn 1.080 - 1.120 điểm.
Xét về bối cảnh vĩ mô, bức tranh đang có nhiều gam màu chưa thực sự tích cực, chỉ số PMI đang thể hiện một nền kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn. Những quyết sách nhằm giải quyết các nút thắt cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hay nhóm bất động sản cũng cần có thời gian để thẩm thấu. Nhịp kéo lên của thị trường thời gian vừa qua được cho là “hơi vội”, do đó chưa hẳn là điều tốt, như việc xây nhà trên nền cát mà không có móng. Ông Huy cho biết, thị trường tăng sau đó phân phối thì nhà đầu tư còn khó giao dịch hơn so với giai đoạn đi ngang trước đó.
Với việc thanh khoản tăng mạnh đột biến, thậm chí giá trị giao dịch khớp lệnh cao hơn tới 60% so với mức trung bình 20 phiên. Vị chuyên gia DSC nhận thấy không có nhiều tiền mới tham gia hay chảy từ lênh tiết kiệm qua đầu tư chứng khoán, mà chủ yếu tới từ việc kiếm lời ngắn hạn qua các “kho”, chiếm tỷ lệ lớn trong các giao dịch cá nhân. Nhóm nhà đầu tư này sử dụng đòn bẩy lớn, vòng quay ngắn và tư duy rất ngắn hạn để tham gia thị trường. Tuy nhiên, một khi thị trường giảm, với tỷ lệ đòn bẩy cao, các “kho” sẽ quản trị rủi ro rất chặt, nên có thể xuất hiện ngay những phiên bán tháo bất ngờ khi thị trường rung lắc.
Tổng kết, ông Huy nhận định, giá trị giao dịch tăng mạnh chủ yếu xuất phát từ tâm lý chấp nhận rủi ro cao hơn của nhà đầu tư và một phần không nhỏ của những người ưa thích giao dịch ngắn hạn qua các “kho” chứng khoán.
Theo đó, vị chuyên gia DSC khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng nhất định và không nên FOMO, ít nhất với doanh nghiệp không có nền tảng cơ bản tốt, không nên đu theo những lời hô hào mà bỏ quan bản chất cổ phiếu.
Cũng đưa ra quan điểm thận trọng, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích Chứng khoán DSC cho rằng, thị trường đã có nhiều chỉ báo cho thấy trạng thái hưng phấn ở mức cao. Đa phần cổ phiếu trên thị trường đều đã có sóng tăng, do đó không còn nhiều dư địa cho dòng tiền lan tỏa trên diện rộng. Bên cạnh đó, vận động kỹ thuật cũng cho thấy đà tăng nóng cũng như thanh khoản dâng cao trong bối cảnh chỉ số chưa vượt qua mức cản 1.120 điểm.
Đôi khi, trạng thái bán ra quyết liệt của dòng tiền lớn chỉ kích hoạt tâm lý muốn “bắt đáy” của thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia DSC khuyến nghị các nhà đầu tư cần cảnh giác với những hành động mua gom vội vàng. Một nhịp điều chỉnh ngắn hạn (khoảng dưới 1 tháng) là biến động cần thiết cho sự lành mạnh của đà tăng trong trung hạn.
Thời của bank - chứng - thép đã tới?
Trước nhiều kỳ vọng cho rằng thời của “bank - chứng - thép” đã tới, ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường Chứng khoán BSC cho rằng rất khó xảy ra trong thời điểm này. Trên lý thuyết, những ngành có độ nhạy với lãi suất cao như nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản sẽ bật tăng mạnh. Nhưng trên thực tế, đà tăng bền vững của các nhóm cổ phiếu còn dựa vào thông tin hỗ trợ cùng các yếu tố cơ bản. Do đó, chuyên gia cho rằng, ngoài nhóm chứng khoán, hai nhóm còn lại chưa có yếu tố hỗ trợ đủ mạnh, chủ yếu đi lên nhờ yếu tố tâm lý.
Riêng nhóm chứng khoán có động lực phục hồi nhờ thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt. Nhóm ngân hàng còn rủi ro nợ xấu, chất lượng tài sản, tăng trưởng tín dụng đều có vấn đề khiến lợi nhuận khó tăng trưởng. Trong khi đó, ngành thép đã có sự cải thiện nhưng nhu cầu thép trong nước vẫn rất yếu, biến động phức tạp từ thế giới khiến nhóm này không có câu chuyện thật sự rõ ràng. Riêng với nhóm bất động sản, dù được hưởng lợi từ hiệu ứng chính sách, nhưng vẫn còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ.