Chưa phân chia di sản thừa kế theo pháp luật thì ai là người có quyền giữ giấy tờ nhà đất?
BÀI LIÊN QUAN
Chia như thế nào với phần di sản thừa kế không được định đoạt trong di chúc?Có phải nộp thuế khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất từ cha mẹ?Con cái “từ mặt” cha mẹ có được thừa kế không?Hỏi:
Bố mẹ tôi sinh được 3 anh em, tôi là con thứ 2. Chúng tôi đều có gia đình riêng và không phụ thuộc vào bố mẹ. Bố tôi vì tuổi cao sức yếu đã qua đời vào tháng 8 vừa rồi, mẹ tôi không minh mẫn đang phải nằm viện điều trị. Khi bố tôi nằm xuống, ông không để lại di chúc. Với tình hình sức khỏe của mẹ tôi như vậy, bà không thể nắm giữ giấy tờ nhà đất của ông bà. Gia đình tôi chưa khai di sản thừa kế nên tài sản lúc này là tài sản chung. Vậy, ai sẽ là người được giữ giấy tờ nhà? Nếu như người giữ giấy tờ tài sản chung này lén lút mang giấy tờ nhà đi thế chấp thì phải làm thế nào?
(Chị Nguyễn Thúy Nga, Đà Nẵng).
Trả lời:
Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi tới chuyên mục, vấn đề chị thắc mắc, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh xin tư vấn như sau:
1. Không có di chúc thừa kế thì di sản được chia như thế nào?
Căn cứ Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:
"Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế."
Theo đó, trong trường hợp người mất không để lại di chúc thừa kế thì việc phân chia di sản thừa kế được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.
2. Chưa thực hiện phân chia di sản thừa kế theo pháp luật thì ai là người có quyền giữ giấy tờ nhà đất?
Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Theo thông tin chị cung cấp thì bố chị mất không để lại di chúc và mẹ bạn đang bệnh nặng không thể giữ được giấy tờ nhà đất.
Việc phân chia di sản thừa kế chưa được thực hiện nên nó chưa thuộc sở hữu chung của ba anh em chị. Vì chỉ khi khai nhận di sản thừa kế, ba chị em bạn hoàn thành việc đăng ký sở hữu thì khi đó nhà đất này mới được coi là tài sản có sở hữu chung của mẹ chị và ba anh em.
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên thì ba anh em chị đều là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Vì vậy, có quyền ngang nhau, do đó ai cũng có thể giữ giấy tờ nhà. Hiện tại, pháp luật không quy định trong trường hợp này ai là người được giữ giấy tờ nhà.
Để tránh có tranh chấp về việc ai là người bảo quản giấy tờ tài sản này, ba anh em chị và mẹ có thể lập các văn bản ghi nhận nội dung việc này qua Thừa phát lại hoặc Chứng thực của Công chứng hay chính quyền.
3. Người thừa kế tự ý thế chấp giấy tờ nhà đất thì những người thừa kế khác có quyền đòi lại giấy tờ đã thế chấp hay không?
Căn cứ Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
"Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng."
Bên cạnh đó, tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả khi giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
"Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định."
Theo đó, nếu người giữ giấy tờ đất trong thời gian chờ phân chia di sản thừa kế đem giấy tờ đất đi thế chấp mà chưa được sự đồng ý của những người thừa kế còn lại thì được xem như là hành vi trái pháp luật nên việc thế chấp đó được xem là vô hiệu.
Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Nghĩa là trong trường hợp này nếu giấy tờ đất được mang đi cầm cố và chị phát hiện được có quyền đòi lại giấy tờ đất đất của mình và có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã nhận khi thế chấp.