Chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu lương 17 triệu đồng/tháng
BÀI LIÊN QUAN
Cần siết thuế chuyển nhượng bất động sảnTiền thuế thu nhập cá nhân, bất động sản tăng mạnh: Quý 1 đạt xấp xỉ 40% dự toánNgành Thuế thực hiện giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4Thuế thu nhập cá nhân là một sắc thuế trực thu. Đây là khoản từ thuế thu nhập cá nhân với người làm công ăn lương, người kinh doanh, cá nhân đầu tư chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản…
Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Do đó, Bộ Tài chính cho biết, với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Ngày 2/6/2020, Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã được UBTVQH thông qua. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020.
Với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế như trên thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (trường hợp có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (trường hợp có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp đã giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Tài chính cho biết: "Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân".
Bộ Tài chính cũng dẫn ví dụ cụ thể với cá nhân có thu nhập dưới 100 triệu đồng/tháng. Theo quy định hiện hành số thuế thu nhập cá nhân phải nộp của cá nhân này so với thu nhập cũng chưa đến 20%. Đối với cá nhân có thu nhập ở mức cao trên 100 triệu đồng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp mới ở tỷ lệ cao hơn 20%/thu nhập.
Tuy nhiên, với tình hình kinh tế như hiện tại, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức giảm trừ này vẫn bị xem là lạc hậu trong bối cảnh kinh tế liên tục tăng trưởng. Hàng hóa, dịch vụ đang có mức giá tăng cao nhưng lại chưa thể điều chỉnh được vì vướng quy định chỉ sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20%.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Nên nới mức không phải đóng thuế cao hơn hiện nay vì đời sống người dân cao hơn thì phải đảm bảo cho họ đủ chi tiêu. Mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng từ 11 lên 15 - 20 triệu đồng”.
Báo cáo của Tổng cục Thuế, số thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng mạnh dù đời sống của người dân đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm quan. Số thu từ thuế thu nhập cá nhân của năm 2021 đạt khoảng 123.000 tỷ đồng, đạt 114% dự toán và tăng 6,6% so với cùng kỳ.