- Thưa ông, vì sao ông lại chọn thành phố Johor Bahru - thiên đường mới nổi của Malaysia làm địa điểm triển khai Vietnam Town?
Trong thời gian tìm hiểu để mở rộng thị trường cho mặt hàng khóa điện tử, tôi có nghiên cứu về thị trường cũng như địa lý của một số quốc gia Đông Nam Á. Tôi nhận thấy rằng Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan là một cụm các quốc gia nằm cạnh nhau. Một phần còn lại của khu vực là Malaysia, Philippines, Indonesia mở rộng sang Singapore có khoảng cách rất gần nhau. Ví dụ như Malaysia giáp ranh với Singapore, và cùng ngôn ngữ với Indonesia. Nên nếu có thị trường Malaysia sẽ có thể mở rộng sang 4 quốc gia và sang cả Brunei.
Bên cạnh đó, bà xã tôi là người Malaysia nên tôi cũng có nhiều thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu thị trường.
Từ 5 năm trước, tôi đã tìm hiểu về thị trường nơi đây. Thời điểm trước dịch, tôi đã đi qua Malaysia nhiều lần để nghiên cứu phát triển thị trường.
Tuy nhiên cũng có những khó khăn trong tìm kiếm đối tác, xây dựng một hệ thống với hệ thống pháp lý, đội ngũ kế toán, nhân viên SEO, marketing,...Đây là những cản trở lớn khi mình muốn phát triển ra nước ngoài. Ngoài ra, khi phát triển ở thị trường nước ngoài, nếu đơn độc một mình thì có thể phải chịu lỗ tới 5 năm, sau đó mới dần đi vào ổn định và phát triển được.
Sau khi đã xây dựng được bộ khung cơ bản gồm hệ thống pháp lý, kế toán, SEO, Marketing, … tôi có suy nghĩ rằng ngoài kia cũng đang có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường nước ngoài nhưng cũng gặp phải những khó khăn như mình. Trong quá trình tiếp xúc với một số doanh nghiệp, họ cũng chia sẻ về những khó khăn của mình như thiếu hiểu biết về thị trường nước ngoài hay nguồn lực còn hạn chế.
Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng kết nối các doanh nghiệp có cùng mong muốn, cùng chí hướng vươn ra thị trường nước ngoài giống như chương trình ATM gạo đã rất thành công trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Dù là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng nếu đoàn kết lại thì hoàn toàn có thể làm được những cái lớn.
Trong giai đoạn đầu của dự án, chúng tôi đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia khuyến khích và hỗ trợ rất nhiều. Malaysia là quốc gia đứng thứ 10-11 về đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, ở chiều ngược lại Việt Nam chỉ có thứ hạng rất khiêm tốn (xếp thứ vài chục) về đầu tư vào Malaysia. Điều này cho thấy, tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường Malaysia còn rất lớn.
- Tôi rất tò mò về cái tên Vietnam Town. Ông có thể giải thích thêm về cái tên này ?
Tôi đã đi qua rất nhiều nước trên thế giới, qua mỗi nước tôi đều nghe qua về China Town, Hongkong Town, Korea Town, … nhưng rất ít khi nghe qua VietNam Town mặc dù ở nhiều quốc gia, cộng đồng người Việt Nam có thể đứng trong top đầu. Điều này một phần do cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở những quốc gia này vẫn chưa có sự hỗ trợ tốt cho nhau.
Khi các cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, không chỉ phía doanh nghiệp được hưởng lợi mà cộng đồng người lao động ở những quốc gia này cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn như việc làm, visa và nhiều điều khác. Việt Nam Town sẽ mang tinh thần đó, nó sẽ là nơi hội tụ của cộng đồng doanh nghiệp Việt, cộng đồng người Việt trên đất nước bạn.
- Vậy Vietnam Town sẽ hoạt động như thế nào, thưa ông?
Là một dự án lớn, bản thân một doanh nghiệp không thể đảm đương hết được do nguồn lực và khả năng có hạn. Vì vậy, cần nhiều doanh nghiệp cùng chung sức thực hiện và mỗi doanh nghiệp sẽ đảm nhận một phần của dự án theo khả năng, thế mạnh của mình trên cơ sở mục tiêu chung của dự án.
Vietnam Town sẽ đóng vai trò là một trạm trung chuyển, một điểm dừng chân dành cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như người Việt Nam khi đến Malaysia, Indonesia, Singapore, … Từ vị trí của Vietnam Town đến cửa khẩu để qua Singapore chỉ khoảng 1 km, chỉ 200 m là đến lối vào đường cao tốc đi Kuala Lumpur và chỉ khoảng 800 m là đến bến tàu qua Indonesia.
Do đó, Vietnam Town sẽ gồm những nhà hàng, quán café, phòng nghỉ phục vụ cộng đồng người Việt Nam khi đến Malaysia và muốn qua Indonesia, Singapore. Hiện nay, nhu cầu nhà ở và phòng khách sạn ở đây rất lớn. Cộng đồng người Việt Nam có hàng trăm ngàn người làm việc bên Singapore thường thuê hoặc mua nhà ở đây nhằm tiết kiệm chi phí. Chí phí sinh hoạt ở thành phố Johor Bahru chỉ bằng 1/5, giá nhà rẻ hơn từ 10 – 20 lần so với ở Singapore.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp rút ngắn được giai đoạn khởi đầu khó khăn khi tự thân vận động, Vietnam Town sẽ cung cấp văn phòng cùng các dịch vụ về hỗ trợ pháp lý, kế toán, Marketing, … Qua đó, góp phần hình thành lên cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh ở khu vực Đông Nam Á.
- Ông có thể chia sẻ thêm về việc dự án đã hình thành đến đâu và các bước tiếp theo sẽ được xây dựng như thế nào?
Hiện nay, một khu vực văn phòng và khách sạn đang được xây dựng trên diện tích 2.000m2. Tiếp đó, chúng tôi sẽ dành 2.000m2 cho mảng nhà hàng, tiệm cafe cùng một trạm dừng nghỉ cao cấp ở đây. Trong thời gian 2-3 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng thêm 3 tòa nhà khác, trong đó gồm 1 tòa nhà văn phòng, 2 tòa nhà khách sạn và căn hộ dịch vụ trên một quần thể khoảng 6.000m2.
- Trước đây ông đã triển khai nhiều dự án cộng đồng ý nghĩa như ATM gạo hay ATM khẩu trang. Với Vietnam Town đây sẽ là sự án cộng đồng để kết nối doanh nghiệp Việt. Vậy có điểm tương đồng gì giữa dự án ATM ông triển khai trước đây và dự án lần này tại Malaysia?
Tôi khá bất ngờ trước sự thành công của dự án ATM gạo và Oxy trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Dự án này đã hỗ trợ được hàng trăm ngàn người có nhu cầu về gạo và Oxy giữa lúc dịch bệnh hoành hành, cuộc sống khó khăn. Chính sự thành công đó, chúng tôi đã thấy tinh thần đoàn kết rất quan trọng.
Chỉ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng nhờ sự đoàn kết cùng với sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước như TW Đoàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban nhân dân các cấp đã tạo ra một sức mạnh to lớn. Từ đó, thu được những kết quả thành công ngoài mong đợi, ngay cả những tập đoàn lớn trên thế giới cũng phải ngạc nhiên về sự thành công này.
Với vai trò là đầu mối kết nối các doanh nghiệp, cá nhân, các cơ quan nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời kết nối với các cơ quan báo chí tôi mong muốn dự án cộng đồng này sẽ truyền thông tới các doanh nghiệp để giúp họ phát triển được ra nước ngoài.
- Có thể nói để thực hiện dự án này, nguồn vốn sẽ cực kì lớn, vậy ông giải bài toán này như thế nào?
Dự tính, nguồn vốn dành cho dự án này khoảng 20 triệu USD, một doanh nghiệp có thể không kham được hết nhưng thêm nhiều doanh nghiệp cùng chung tay cùng làm thì chắc chắn sẽ thành công. Mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh riêng, có đơn vị mạnh về khách sạn, có đơn vị mạnh về dịch vụ pháp lý, …
Bên cạnh đó, có nhiều đơn vị cũng như cá nhân có những mối quan hệ thân thiết với các doanh nghiệp bên phía Malaysia, Indonesia, Singapore, … Qua đó, họ hoàn toàn có thể hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam muốn xuất khẩu sang các thị trường này. Từ đó, giúp tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các quốc gia và mở rộng thị trường cho sản phẩm của Việt Nam.
Hiện nay, đã có 1 đơn vị chuyên kinh doanh lĩnh vực café đã tiến hành khảo sát thị trường, sắp tới họ sẽ mở một quán café tại Vietnam Town nhằm quảng bá sản phẩm café của Việt Nam và tiến tới xuất khẩu sang các nước bạn. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp khác muốn đặt trụ sở văn phòng ở đây, những doanh nghiệp này đã có mối quan hệ giao thương với các công ty ở Malaysia.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ở Malaysia cũng đang phát triển nhanh, đặc biệt là mảng khách sạn nghỉ dưỡng. Đã có một số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam qua tìm hiểu và đầu tư nhằm mở rộng thị trường này.
- Thị trường bất động sản ở Malaysia giống và khác với ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Tôi thấy rằng, thị trường bất động sản ở hai nước có nhiều nét tương đồng. Đặc biệt, ở khu vực thành phố Johor Bahru, giá bất động sản ở đây đã rẻ hơn 50-60% so với thời điểm trước dịch. Nguyên nhân là do trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, đã có hàng trăm ngàn người làm việc bên Sigapore đã phải bán tháo bất động sản của mình ở Malaysia lấy tiền qua Singapore mua hoặc thuê nhà để giữ việc làm. Trong đó, có những người phải vay tới 80-90% để mua nhà, vì vậy nếu mất việc làm đồng nghĩa với việc họ cũng mất nhà luôn.
Ngoài ra, giá trị đồng tiền của Malaysia cũng bị giảm tới 25%, điều này làm giá bất động sản ở đây rẻ hơn. Do đó, đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào đây.
Bên cạnh đó, năm 2026, cửa khẩu Malaysia và Singapore được mệnh danh là cửa khẩu đông nhất thế giới hiện đang đón 200-300 ngàn người qua lại mỗi ngày sẽ làm trạm Metro tại Johor Bahru. Khi dự án hoàn thành, dự kiến sẽ có 450-500 ngàn lượt người qua đây mỗi ngày với thời gian khoảng 6 phút bởi 2 cơ quan hải quan đặt trong cùng 1 tòa nhà. Tức là chỉ mất 20 phút để qua biên giới hai nước. Bên cạnh đó, sắp tới cũng sẽ có làn sóng người đi làm ở Singapore sẽ qua Malaysia thuê, mua nhà bởi giá bất động sản ở đây chỉ bằng 1/20 lần so với Singapore, chi phí bỏ ra thấp nên đây là cơ hội để đầu tư bất động sản.
Hiện tại, thị trường Malaysia giá đất rất rẻ khoảng 15-16 triệu/m2 chỉ bằng vùng ven của TP. HCM trong khi giá thuê khách sạn cũng khá cao tương đương một khách sạn tại quận trung tâm của TP.HCM, khách sạn 3-4 sao khoảng 800 tới 1,5 triệu đồng/đêm. Con số cho ta thấy được lợi nhuận của nhà cho thuê tại thành phố này.
- Trong hoàn cảnh bất động sản Việt Nam hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn đặc biệt là dòng vốn, việc kêu gọi đầu tư vào Vietnam Town gặp những khó khăn như thế nào?
Khó khăn đầu tiên đó là việc thiếu thông tin về thị trường Malaysia đặc biệt là thành phố Johor Bahru - một thành phố chỉ cách Singapore cây cầu dài 1km.
Khi đầu tư ở thị trường Malaysia này họ cũng không nắm được thủ tục pháp lý, thuế, kế toán tại đây. Tôi có đội ngũ 3 công ty luật và kế toán hỗ trợ khi họ muốn đầu tư, xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang thị trường này.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc để sở hữu bất động sản Malaysia sẽ trải qua các khâu như thế nào?
Bất động sản của Malaysia có hai loại hình là sở hữu 99 năm hoặc sở hữu lâu dài. Đối với các dự án giáp biên giới hoặc view biển thời hạn sở hữu là sở hữu 99 năm. Các vùng đất khác sẽ là sở hữu lâu dài.
Đối với người nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài đều có thể sở hữu bất động sản như các doanh nghiệp bản địa. Ngoài ra, Malaysia cũng có các chương trình về thường trú. Mỗi người xin được thường trú 10 năm đều có cơ hội mua bất động sản tại Malaysia, được đăng kí cho con cái đi học và sử dụng dịch vụ ở đây.
Một số người nhìn thị trường Malaysia và thấy đầu tư bất động sản rất phức tạp. Nhưng cũng giống như Việt Nam, việc mua bất động sản đều thông qua luật sư giữa bên mua và bên bán. Khi có đội ngũ luật sư tin tưởng và chi phí hợp lý thì có thể thực hiện rất đơn giản.
Khi muốn mua bất động sản và tìm được bất động sản ưng ý, khách hàng sẽ tiến hành đặt cọc 10%, sau đó 2 bên thỏa thuận hợp đồng, đồng thời luật sư nước sở tại sẽ làm thủ tục gửi Chính phủ đồng ý người nước ngoài mua bất động sản và khả năng thành công tới 95%.
Sau khi thành công, kí kết hợp đồng, người bán sẽ sang tên và người mua thanh toán phần tiền còn lại.
- Ở Việt Nam khi có ý định đầu tư bất động sản chúng ta có thể tra cứu quy hoạch của bất động sản đó, tại Malaysia có công cụ nào hỗ trợ trước khi quyết định đầu tư không?
Tại Malaysia đa số các bất động sản đều có pháp lý khá rõ ràng, được nêu rõ tại sổ trắng, có quy hoạch đến từng thửa từng lô. Giai đoạn này, các nhà đầu tư nên đầu tư đất biệt thự, nhà liền kề, đất có thể xây lên hoặc khu đất có nhà săn trên đó.
Giống như sổ đỏ ở Việt Nam, ở Malaysia có sổ trắng sẽ nêu rõ thời gian sở hữu, công trình được xây trên đất đó,...
- Ở Việt Nam việc đầu tư chuyển nhượng diễn ra thường xuyên, có thể 1 thửa đất trong thời gian ngắn được chuyển giao nhiều lần, ở Malaysia có như vậy không, thưa ông?
Ở Malaysia người dân sở hữu bất động sản khá lâu, tính theo năm, nhưng sắp tới sẽ là thời gian tăng nóng của bất động sản tại đây.
Với giá đất ở trung tâm, gần mặt biển mà giá như hiện nay thì tôi nghĩ không đâu trên thế giới có giá đất rẻ như vậy. Việc giá đất giảm giá đất 50-60% như hiện nay hình thành do thời gian đại dịch. Và chắc chắn sẽ không có lần thứ hai.
- Với thị trường bất động sản trong nước ông có đánh giá như thế nào khi mọi thứ đang rất khó khăn?
Thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây có nơi tăng rất nóng. Khi đầu tư phải thật tỉnh táo, cân nhắc tỷ suất sinh lời, có thể phát triển loại hình gì, có mục đích rõ ràng và mục đích đó mang lại lợi nhuận là bao nhiêu. Các bất động sản tôi đầu tư đều có nghiên cứu kĩ lưỡng về tỷ suất sinh lời, từ đó mới quyết định đầu tư, không chạy theo giá nóng của thị trường. Có thể tìm kiếm đất ở những khu vực giá hợp lý, thậm chí rẻ hơn khu vực xung quanh nhưng có cân nhắc tới tiềm năng của mảnh đất đó.
Trước đây, tôi có đầu tư bất động sản ở Hải Phòng. Khi đó, người Hải Phòng quan niệm đi qua cầu là vùng ngoại ô, đất nhiều nhưng không có ai mua, một mét đất chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Mảnh đất tôi mua ở “vùng ngoại ô” của Hải Phòng nhưng có 3 mặt tiền, gần đường 353 có 6 làn xe từ Hải Phòng để ra đường cao tốc. Khu đất đó xây dựng và cho thuê đã lời 5-10%/ năm. Sau thời gian này, giá đất đã tăng lên gấp 3 lần.
- Quay lại với dự án Vietnam Town, ông tham vọng điều gì?
Trong 10 năm qua, những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất thành công, nhưng cũng thời gian đó, doanh nghiệp Việt Nam phát triển rất nhanh và từ đó cũng tạo ra được thế hệ doanh nghiệp vàng, có nhiều doanh nghiệp mới hình thành và phát triển mạnh. Tuy nhiên, mức đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài còn nhiều hạn chế. Tôi muốn doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm được cơ hội ở nước ngoài, nắm được thời điểm vàng, khu vực vàng để có thể đầu tư và vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng của doanh nghiệp mình.
Tôi muốn xây dựng Vietnam Town tại Malaysia trở thành niềm tự hào của người Việt và kết nối 60.000 người Việt đang sinh sống tại Thành phố Johor Bahru với đất nước bạn. Quan trọng hơn, tôi mong muốn Vietnam Town tại Malaysia sẽ là địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp Malaysia, trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt Nam đến khách hàng Malaysia. Ngoài ra, nơi đây sẽ hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng người Việt tại Malaysia cũng như hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người lao động Việt Nam sang Malaysia đầu tư, làm việc.
- Xin cảm ơn ông!