Bất động sản Cần Thơ đón nhận nhiều tín hiệu khả quan trong năm 2022
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản ven sông “đắt xắt ra miếng” Sẽ giữ lại các khu dân cư hiện có nằm trong Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng 10 dự án hạ tầng trọng điểm sẽ được khởi công trong năm 2022 tại TP Hồ Chí MinhKết nối hạ tầng giao thông thúc đẩy bất động sản Cần Thơ
Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố này mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có tiềm lực phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội. Thành phố Cần Thơ còn là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong. Cần Thơ đóng vai trò kết nối Việt Nam với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không. Đây là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm kết nối giữa Cần Thơ đi tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và những vùng khác trong nước được đầu tư. Một số công trình tiêu biểu như cầu Cần Thơ, Sân bay Quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng Cần Thơ, quốc lộ 1A, quốc lộ 80, quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ 61B…
Ngay trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tuyến cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh và Mỹ Thuận sẽ được thông xe. Điều này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh tới Cần Thơ và ngược lại. Theo lộ trình đến năm 2030, các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ hoàn thành. Tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ cũng đã được đưa vào quy hoạch đầu tư.
Không những sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, Cần Thơ còn là đô thị duy nhất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long được thụ hưởng 3 dự án cấp đô thị vay vốn ODA với tổng nguồn vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Thành phố Cần Thơ sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với những lợi thế này, thị trường bất động sản Cần Thơ hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng của cả vùng.
Nhiều cơ chế đặc thù phát triển Cần Thơ
Ngay tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV vào sáng ngày 4/1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ. Hai trong số sáu đề xuất có liên quan đến lĩnh vực bất động sản của thành phố này.
Đó là, HĐND thành phố phê duyệt quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha, theo ủy quyền của Thủ tướng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại Cần Thơ do Thủ tướng quy định. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, người chịu tác động.
Về vấn đề quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND Thành phố Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.
Giao dịch bất động sản ổn định sau đại dịch
Khi đại dịch bùng phát, thị trường bất động sản cả nước “đóng băng”. Bất động sản Cần Thơ cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Tuy nhiên, khi bước sang trang thái “bình thường mới” bất động sản Cần Thơ đã khởi động trở lại. Ngay ở trung tâm thành phố, đều có các dự án đầu tư tốt, hạ tầng và pháp lý đã được hoàn thiện.
Những dự án nằm trên các trục đường lớn có giá bán bình quân từ 40-50 triệu đồng/m2, còn ở mặt đường nhỏ hơn thì có mức giá từ 19 - 30 triệu đồng/m2. So với 2 năm trước, mức giá này đã tăng khoảng 7-10%.
Theo số liệu của Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ, trong quý IV/2021, số giao dịch bất động sản phát sinh về đất nền là 2.160 nền; nhà ở riêng lẻ là 519 giao dịch; căn hộ chung cư là 81 giao dịch; giao dịch về mặt bằng cho thuê: 3.393m2; giao dịch về mặt bằng thương mại, dịch vụ 10.520m2.
Cỏn trong cả năm 2021, lượng giao dịch về đất nền là hơn 6.000 giao dịch; giao dịch về nhà ở riêng lẻ 1.228 căn; 221 căn hộ chung cư. Hơn 200 giao dịch cho thuê mặt bằng thương mại, dịch vụ.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Thành phố Cần Thơ Dương Quốc Thủy, xu hướng đô thị hóa đang chuyển dịch về các tỉnh, thành phố vùng ven. Lý do là bởi những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh đã đô thị hóa quá mức. Ngoài ra, quy luật “đường đi tới đâu, giá đất tăng theo tới đó” nên càng có nhiều đường cao tốc, kết nối các vùng của Đồng bằng Sông Cửu Long thì giá trị bất động sản tại các vùng đó lại tăng cao. Đó chính là sức hấp dẫn của bất động sản Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung đối với các nhà đầu tư.
“Nếu so sánh giá đất đô thị tại Cần Thơ và 2 thành phố tương đồng là Hải Phòng, Đà Nẵng thì giá đất tại Cần Thơ chưa bằng một nửa. Cụ thể, nếu đất tại trung tâm TP Hải Phòng và Đà Nẵng cao nhất lên đến 500 triệu đồng/m2 thì tại Cần Thơ chỉ 200 triệu đồng/m2. Đất đô thị biên, rìa trung tâm Hải Phòng, Đà Nẵng đã lên đến hàng trăm triệu đồng/m2 thì ở Cần Thơ giá đất biên thuộc quận Cái Răng, Bình Thủy dao động chỉ từ 25-40 triệu đồng/m2. Cần Thơ không có hiện tượng sốt đất ảo, giao dịch rất ổn định, dư địa tăng giá còn lớn, đây là nét hấp dẫn của bất động sản Cần Thơ trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, ông Thủy nhận định.
Có thể thấy với các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như ở trên, bất động sản Cần Thơ sẽ có cơ hội “cất cánh” trong năm 2022. Trở thành điểm sáng của bức tranh thị trường bất động sản khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.