Áp lực lạm phát gia tăng, nhà đầu tư băn khoăn có nên xuống tiền vào bất động sản?
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia khuyến nghị: Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước "chiêu trò" tạo sóng của môi giớiBán vàng chạy theo "sốt đất", nhiều nhà đầu tư mất ngay tiền tỷDòng tiền đổ vào kênh đầu tư bất động sản giữa bối cảnh lạm phát có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, rất nhiều người cũng tỏ ra lo lắng về tín hiệu đang cảnh báo nhiều rủi ro này.
Lo lắng khi xuống tiền vào bất động sản giữa bối cảnh lạm phát
Sau khi thoát hàng được 50% đất nền đã đầu tư từ năm 2021, nhà đầu Phạm Trọng Quý (Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra băn khoăn, cân nhắc về việc có nên tiếp tục đổ tiền vào bất động sản giữa bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới. Anh Quý thừa nhận, trong bối cảnh lạm phát gia tăng thì kênh đầu tư và lưu giữ an toàn nhất vẫn là bất động sản. Tuy nhiên, anh Quý cũng nhận định rằng, thời điểm hiện tại thị trường bất động sản đang ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Thứ nhất, giá đất tại hầu hết các địa phương đều tăng do tâm lý lo sợ lạm phát nên người dân đua nhau đi tìm mua đất. Tuy nhiên, nếu xuống tiền mua đất với mức giá quá cao thì khả năng sinh lời khá khó. Thứ hai, khi lạm phát giá tăng sẽ kéo theo lãi suất ngân hàng tăng, sức mua sụt giảm. Nguy cơ xảy ra tình trạng thị trường bất động sản đóng băng rất dễ xảy ra. Nhiều chuyên gia bất động sản lo ngại, đến năm 2023, bất động sản có nguy cơ đóng băng nên các nhà đầu tư khá lo lắng trong việc có nên đổ tiền vào thị trường hay không.
Anh Nguyễn Văn Thành - một nhà đầu tư F0 ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng đang rất phân vân về việc đầu tư vào mua đất. Hiện tại, anh Thành đang có cơ hội mua một khu đất nền có vị trí đẹp với mức giá ưu đãi chiết khấu đặc biệt dành cho đại lý.
Tuy nhiên, nhà đầu tư này cũng lo lắng về một điều, nếu tình trạng lạm phát tăng quá cao thì thị trường bất động sản có nguy cơ đổ vỡ. Điều này đồng nghĩa với việc số vốn đầu tư vào bất động sản có thể “ngủ đông” trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư này lo lắng có thể xảy ra những rủi ro khác trong quá trình đầu tư như vấn đề quy hoạch gặp trở ngại, sự biến động của dịch bệnh, chiến tranh và nhu cầu thị trường suy giảm.
Nếu gửi tiền vào ngân hàng hoặc để không thì tiền sẽ mất giá vì lạm phát ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào bất động sản thì nhà đầu tư cũng vô cùng lo lắng do thị trường lúc này cũng đang tồn tại rất nhiều rủi ro. Nếu không xem xét kỹ bất động sản khi đầu tư, khách hàng có thể bị rơi vào tình trạng chôn vốn, thậm chí lỗ khi mua những ngôi nhà nằm trong diện quy hoạch, hoặc không thể tìm được khách hàng mua lại tài sản.
Nhà đầu tư cần tự xem xét và đánh giá cơ hội trước khi quyết định đầu tư
Khi lạm phát xảy ra, các chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng đổ tiền vào thị trường bất động sản vẫn sẽ còn tiếp tục do đây được coi là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng mạnh, ngân hàng sẽ có động thái điều chỉnh mức lãi suất, nhà đầu tư sẽ phải đối diện với áp lực trả lãi rất cao cho các khoản vay. Điều này khiến cho nguy cơ sức sức mua trên thị trường bất động sản sẽ giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Công ty Lộc Sơn Hà Land cho rằng, đối với thị trường bất động sản, sự khó khăn của người này sẽ chính là cơ hội tốt của người khác. Trên thị trường bất động sản, nguyên tắc "trong nguy có cơ" luôn luôn tồn tại.
Trong một cuộc tọa đàm mới tổ chức gần đây, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư muốn nắm giữ bất động sản trong thời gian ngắn hạn cần hết sức thận trọng trong bối cảnh giá đất nền tăng cao, khả năng thanh khoản có thể chững lại. Ông Tường cũng nhận định, trong bối cảnh nền lãi suất có nhiều khả năng sẽ tăng giá mạnh mẽ, lạm phát vượt mục tiêu kiềm chế, những nhà đầu tư tính toán đến phương sử dụng án đòn bẩy tài chính sẽ phải đối mặt rất nhiều rủi ro to lớn.
Theo ông Phạm Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ tài chính bất động sản FINA chia sẻ, đối với thị trường bất động sản, cơ hội đầu tư luôn dồi dào, bất kể bối cảnh nền kinh tế ra sao. Tuy nhiên, cũng theo ông Khôi, điều quan trọng là nhà đầu tư phải xác định mình thuộc nhóm đối tượng nào trong chuỗi đầu tư bất động sản, xác định xem mình sẽ tham gia thị trường ở giai đoạn nào, vào ở mỗi thời điểm khác nhau thì tính chất rủi ro cũng sẽ thay đổi. Nếu không tìm được mục tiêu đầu tư, người mua sẽ phải trả giá rất đắt.
Nói về rủi ro, nguy cơ trong đầu tư bất động sản, ông Khôi nhận định có 2 loại rủi ro chính, đó là rủi ro đến từ dự án và rủi ro của thị trường. Các nhà đầu tư tham gia giai đoạn càng sớm thì rủi ro của thị trường sẽ càng thấp, tuy nhiên những nguy cơ, rủi ro của dự án sẽ cao hơn. Các dự án đang ở giai đoạn đầu triển khai sẽ được chủ đầu tư và môi giới tích cực lăng - xê, quảng bá, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp nhằm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, khách hàng. Điều này giúp tăng tính thanh khoản của sản phẩm trong dự án. Tuy nhiên, ở thời điểm này, chính dự án sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro như tính pháp lý, chất lượng sản phẩm, uy tín của chủ đầu tư.
Ở giai đoạn đầu tư sau, khi dự án đã hình thành, khách hàng có thể nhận định tốt hơn dự án, thì rủi ro từ chủ đầu tư cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, do giá trị dự án lúc này đã tăng hơn giai đoạn đầu thì tính thanh khoản sẽ bị giảm đi đáng kể.
Cũng theo ông Khôi, nhà đầu tư nên xác định rõ trước khi gia nhập vào thị trường nào, trở thành nhà đầu tư F0, F1, F3 hay F4. Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư phải đánh giá được khả năng chấp nhận rủi ro của mình đến đâu và phải có kế hoạch quản lý rủi ro hiệu quả. Nếu tính toán thận trọng, nhà đầu tư luôn sẽ có cơ hội đầu tư vào bất động sản dù ở giai đoạn nào.