Xây dựng quy hoạch giải quyết “bài toán” thiếu trạm dừng nghỉ trên cao tốc
BÀI LIÊN QUAN
Đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương Khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước tháng 6/2023Đồng loạt khởi công ba cao tốc trọng điểm quốc gia trước ngày 30/6/2023Quy hoạch trạm dừng nghỉ trên toàn quốc
Theo laodong.vn, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt có nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông. Khi xây dựng quy hoạch này, Bộ sẽ thiết kế nội dung về trạm dừng nghỉ trên toàn quốc.
Hiện nay, mới chỉ có quy hoạch 2753/2014 về trạm dừng nghỉ trên quốc lộ mà không có nội dung về trạm dừng nghỉ trên cao tốc. Nên đã xuất hiện tình trạng các tuyến cao tốc không có trạm dừng nghỉ, khiến người tham gia giao thông gặp khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông, cho rằng trên cao tốc cần tính đến các yếu tố đảm bảo sức khỏe cho lái xe, hành khách. Theo quy định, cứ 4 giờ lái xe thì người cầm lái phải nghỉ ngơi nên phải có trạm dừng nghỉ để phục vụ. Hơn nữa trạm dừng nghỉ còn là nơi kiểm tra kỹ thuật, nơi cung cấp xăng, thay lốp để đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Ông Chủng đánh giá: "Trạm dừng nghỉ là hạng mục phụ trợ của cao tốc, song một số địa phương giữ lại lập dự án riêng là không hợp lý". Ngoài xây dựng chậm khiến nhiều cao tốc không có trạm nghỉ, việc này còn khiến các trạm quy hoạch lộn xộn, manh mún.
Do đó, đại diện Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch tổng thể mạng lưới trạm nghỉ trên cả nước, theo tiêu chuẩn Việt Nam và thông lệ thế giới. Đồng thời, đề nghị giao trách nhiệm cho chủ đầu tư cao tốc xây trạm nghỉ để đồng bộ với đường, vốn có thể không nằm trong tổng mức đầu tư dự án cao tốc.
Tại Nghị định 32/2014 về quản lý, khai thác đường cao tốc nêu rõ trạm dừng nghỉ trên đường là bộ phận công trình của cao tốc. Do đó, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng cao tốc phải có trách nhiệm quyết định đầu tư trạm dừng nghỉ.
Trong khi đó, theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, thì cứ khoảng từ 15 km đến 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Tại trạm dừng người tham gia giao thông có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe.
Khoảng từ 50 km đến 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường. Trạm này có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn phục vụ người đi đường nghỉ ngơi, giải quyết nhu cầu cá nhân.
Còn khoảng từ 120 km đến 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn. Trạm này có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn.
Chủ đầu tư khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án cao tốc sẽ xem xét vị trí trạm dừng nghỉ, đảm bảo cự ly, khoảng cách.
Loạt cao tốc không có trạm dừng nghỉ
Hiện nay, nhiều tuyến cao tốc mặc dù đã đi vào hoạt động khai thác một thời gian vẫn cho có trạm dừng nghỉ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong số những nguyên nhân chính là hạng mục này được chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền tách ra làm dự án riêng nên bị chậm triển khai so với dự án cao tốc.
Điển hình như tại tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng chiều dài 64 km. Tuyến đường này đã hoạt động được 3 năm, nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Theo thống kê của đơn vị vận hành cao tốc là Công ty HHV, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến này mỗi ngày là khoảng 6.000-8.000 lượt xe.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài 51 km. Tuyến đường này cũng đã đưa vào khai thác gần một năm, nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới hoàn thành giai đoạn 1, chưa đầu tư làn dừng khẩn cấp, cũng chưa có trạm dừng nghỉ. Theo ghi nhận từ ngày 30/4 đến 23/8, trên tuyến cao tốc này đã có hơn 2,8 triệu lượt xe lưu thông, trung bình mỗi ngày có 16.800 lượt xe, sau khi thu phí, gần chạm mức mãn tải. Thời gian qua với lưu lượng xe lớn, đơn vị vận hành đã xử lý, cứu hộ hàng nghìn vụ, trong đó có 50 xe hết xăng, 634 xe hỏng.
Ngoài ra, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận còn nối thông với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dài hơn 49 km, mới có một trạm dừng tại Km28+200. Còn đoạn từ Km28+500 đến hết tuyến cao tốc dài 73 km chưa có trạm dừng nghỉ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông trên cả chặng đường dài.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty HHV đơn vị vận hành cả hai cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, hai tuyến đường này đều được các tỉnh quy hoạch và tách hạng mục trạm nghỉ là dự án riêng. Vị trí trạm đã được địa phương xác định, song chưa triển khai.
Ông Huy nói: "Các cơ quan chức năng cần có giải pháp cấp bách xây dựng trạm dừng nghỉ, không gây hệ lụy cho người dân và xử lý đồng bộ với dự án cao tốc kết nối khác". Đồng thời, ông kiến nghị sớm đầu tư dự án Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, để hoàn thiện tuyến cao tốc này.
Một số cao tốc khác cũng chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe và trạm xăng là tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài 139 km, đã đi vào khai thác được 4 năm. Đại diện Tổng Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là đơn vị chủ đầu tư của dự án này cho biết, hiện dự án còn các hạng mục dang dở do khó khăn về vốn, như chưa hoàn trả lại đường cho địa phương, chưa hoàn thiện nút giao kết nối với cao tốc đoạn Dung Quất. Chủ đầu tư đã xác định vị trí trạm nghỉ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Hay như dự án Vân Đồn - Móng Cái sắp được thông xe vào ngày 1/9 tới đây. Cao tốc này gồm 2 tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,1 km và Tiên Yên - Móng Cái dài 63,3 km, địa phương thay đổi vị trí đặt trạm dừng nghỉ nên kéo dài thời gian làm thủ tục đầu tư.
Sau khi thông xe, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ liên thông với các tuyến đã khai thác là cầu Bạch Đằng - Đại Yên dài 25 km, Hạ Long - Vân Đồn dài 71,2 km, tạo thành tuyến cao tốc dài 176 km chạy dọc Quảng Ninh từ Bạch Đằng đến Móng Cái. Việc tuyến cao tốc hiện đại nhưng không có trạm dừng nghỉ, trạm xăng khiến nhiều người tham gia giao thông qua cung đường này lo lắng.