Ngắm toàn cảnh cao tốc Vân Đồn - Móng Cái trước ngày thông xe 1/9
Những ngày này, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đãng được chủ đầu tư công trình hoàn tất những công việc thi công, thu dọn vệ sinh cuối cùng để sẵn sàng cho lễ khánh thành được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng 9/2022.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng chiều dài 80 km, đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái (Quảng Ninh). Công trình cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có điểm đầu gần với sân bay quốc tế Vân Đồn, điểm cuối nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 thuộc Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, là nơi thông thương với Khu tự trị dân tộc Choang tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Tuyến cao tốc gồm 2 tuyến Vân Đồn - Tiên Yên và Tiên Yên - Móng Cái. Tuyến Vân Đồn - Tiên Yên có chiều dài 16,8 km, tổng mức đầu tư hơn 3.650 tỷ đồng, triển khai theo hình thức đầu tư công. Tuyến Tiên Yên - Móng Cái có chiều dài 63,26 km, tổng vốn đầu tư hơn 9.110 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư.
Khi đi vào hoạt động, tuyến cao tốc này sẽ kết nối đồng bộ với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, gần 600 km. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ là tỉnh có tổng số km đường cao tốc lớn nhất cả nước là 176km. Đây là động lực phát triển quan trọng cho địa phương này và phát triển liên vùng.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thiết kế gồm 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 25,25 m, vận tốc thiết kế 120 km/h. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian từ Móng Cái đến Hạ Long còn 1 giờ 30 phút (đi theo quốc lộ 18 mất khoảng 3 giờ); đi từ Móng Cái đến Hà Nội còn 3 giờ (hiện tại mất 5,5 giờ).
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái xác lập nhiều kỷ lục khi là tuyến cao tốc có nhiều cầu vượt biển, vượt sông suối nhất hiện nay với 35 cây cầu, với mục đích giảm thiểu tác động đến hệ thống rừng ngập mặn, môi trường tại những khu vực tuyến đường đi qua.
Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất tại Việt Nam kết nối đồng bộ 3 sân bay gồm Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn; cùng với đó là hệ thống cảng biển và logistics, các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạo ra những lợi thế so sánh khác biệt.
Cầu vượt biển Vân Tiên thuộc tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái xác lập kỷ lục là cây cầu vượt biển dài nhất của tỉnh Quảng Ninh. Cầu có chiều dài 1.515 m, rộng 25,5 m, độ sâu 19 m, thi công trong 330 ngày đêm (11 tháng), tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, kết nối hai huyện Vân Đồn và Tiên Yên.
UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công từ ngày 3/4/2019, 25 tháng thi công trong bối cảnh nhiều khó khăn như dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là phải thi công trên biển. Có thời điểm các đơn vị thi công đã phải huy động gần 3000 kỹ sư, kĩ thuật viên, công nhân lao động và trên 1.000 đầu thiết bị. Không ít lao động làm việc xuyên 2 dịp Tết Canh Tý 2021, Nhâm Dần 2022 nhằm đảm bảo phòng chống dịch và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Do đó, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng tuyến đường cao tốc này sau khi hình thành sẽ tạo ra các hành lang giao thông gắn với hành lang kinh tế, đô thị, mở ra không gian phát triển mới.
Tính đến ngày 19/8, toàn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành 98% tiến độ, tuyến Vân Đồn - Tiên Yên đã hoàn thành. Dự kiến tuyến Tiên Yên - Móng Cái hoàn thành trước ngày 1/9 để kịp thông xe. Trước khi thông xe toàn tuyến, tuyến Tiên Yên - Móng Cái không cho xe lưu thông, ngoại trừ xe làm nhiệm vụ.
Trên toàn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có 4 trạm thu phí, trạm đầu đặt ở Km112+900 và trạm cuối đặt ở Km146+500. Trên tuyến nhánh có trạm ở nút giao Đầm Hà và nút giao Hải Hà.
Các phương tiện lưu thông trên tuyến này cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ chỉ phải trả phí 65 km tuyến Tiên Yên - Móng Cái bởi tuyến này đầu tư theo hình thức BOT.