Đồng loạt khởi công ba cao tốc trọng điểm quốc gia trước ngày 30/6/2023
BÀI LIÊN QUAN
23.500 tỷ đầu tư làm hai dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam qua Khánh Hòa, Phú Yên Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc “vùng lõi” của đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt chủ trương đầu tư Cao tốc Bắc-Nam: Quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đườngTheo VnEconomy, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành liên tiếp 3 Nghị quyết số 89, 90 và 91 triển khai Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch tại 3 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Áp dụng loạt cơ chế đặc thù
Nội dung của các Nghị định được ban hành nêu rõ Chính phủ cho phép Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có các dự án cao tốc đi qua áp dụng hàng loạt cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, Chủ tịch UBND các tỉnh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND các tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Đồng thời, Chính phủ cũng cho phép Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án; triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư.
Về việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Tuy nhiên đối với 3 dự án trọng điểm này Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133 của Chính phủ.
Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng áp dụng cơ chế đặc thù như nâng công suất không quá 50% trong giấy phép khai thác mà không phải thực hiện một số thủ tục cấp phép cho các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà thầu thi công được khai thác các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án mà không phải thực hiện một số thủ tục cấp phép.
Hoàn thành 70% giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6/2023
Nghị quyết của Chính phủ đặt ra các mốc tiến độ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai dự án, nhằm đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Cụ thể, với dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản, tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Hoàn thành công việc này trước ngày 20/9/2022 đối với dự án cao tốc Biên Hóa - Vũng Tàu. Còn đối với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hoàn thành trước ngày 12/11/2022.
Về việc tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần, Chính phủ đặt thời gian hoàn thành công việc này với dự án Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 20/11/2022, thực hiện các công việc tiếp theo nhằm đảm bảo khởi công dự án trước ngày 30/6/2023.
Đối với dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng phải hoàn thành công việc này trước ngày 20/1/2023, các công việc tiếp theo phải thực hiện đảm bảo khởi công trước ngày 30/6/2023.
Tại các Nghị quyết này cũng nêu rõ tiến độ thực hiện các công việc như tổ chức lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án thành phần; tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cọc giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần cho các địa phương... thuộc trách nhiệm của các đơn vị như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
3 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (kết nối hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk) có tổng chiều dài 117,5 km, trong đó 33,2 km đi qua tỉnh Khánh Hòa, 84,3 km đi qua tỉnh Đắk Lắk. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe phân kỳ, bề rộng nền đường 17m. Đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Điểm đầu của cao tốc là nút giao thông quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); điểm cuối sẽ giao cắt đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) có tổng chiều dài khoảng 53,7 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 17.837 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6-8 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4-6 làn xe ô tô cao tốc theo từng đoạn tuyến.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026. Dự án cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ giúp phá thế “độc đạo” của Quốc lộ 51 hiện nay và giải quyết tình trạng quá tải của lưu lượng xe và giảm tai nạn trên tuyến Quốc lộ 51, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Biên Hòa đến TP Vũng Tàu từ 2 giờ còn 1 giờ.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2 km. Trong đó, 57 km đi qua địa bàn tỉnh An Giang, 37 km đi qua tỉnh Cần Thơ; 36,9 km đi qua tỉnh Hậu Giang; 56,1 km đi qua tỉnh Sóc Trăng.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án này là 44.691 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe phân kỳ, bề rộng nền đường 17m. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Sau khi hoàn thành dự án sẽ góp phần hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long qua thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.