23.500 tỷ đầu tư làm hai dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam qua Khánh Hòa, Phú Yên
BÀI LIÊN QUAN
Gấp rút đầu tư hai dự án thành phần thuộc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong quý II/2023Gần 18.000 tỷ đồng đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 Dự kiến thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ ngày 1/7, mức thu cao nhất 432.000 đồng/lượtHơn 11.000 tỷ đồng cho đoạn Chí Thạnh - Vân Phong
Theo baogiaothong.vn, Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) vừa trình lên Bộ Giao thông vận tải để thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hai dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 gồm dự án Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên) và dự án Vân Phong - Nha Trang (Khánh Hòa).
Được biết, dự án thành phần Chí Thạnh – Vân Phong đi qua 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Phú Yên, bao gồm Tuy Hòa, Tây Hòa, Tuy An, Đông Hòa và Phú Hòa. Chiều dài tuyến khoảng 47km, điểm đầu nằm ở Km0+000 (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) điểm cuối kết nối với Quốc lộ 1 dài hơn 1km nằm ở xã Hòa Xuân Đông (thị xã Đông Hòa).
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng hơn 8.000 tỷ; còn lại giải phóng mặt bằng, tư vấn, quản lý... Về hạ tầng, giai đoạn một dự án chỉ làm 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc 80 km/h. Trên toàn tuyến sẽ có 32 cây cầu, một hầm cùng hệ thống đường gom, điện, thoát nước…
Được biết, hướng tuyến Chí Thạnh – Vân Phong chủ yếu đi về phía Tây của Quốc lộ 1. Khi giao với đường kết nối thị trấn Chí Thạnh, dự án đi song song với Quốc lộ 1 tới xã An Chấn, An Phú, Hòa Kiến, Hòa Trị. Tại đây tuyến được chỉnh so với nghiên cứu cũ để tránh xâm phạm vào phạm vi đường điện hay đất quân sự. Sau đó tuyến giao cắt với QL25. Từ QL25, tuyến vượt sông Đà Rằng, tiếp tục đi qua xã Hòa Xuân Tây về hạ lưu thủy điện đập Hàn rồi kết nối vào hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã tại điểm cuối dự án.
"Hướng tuyến cơ bản bám sát, đi song song với đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam và đảm bảo đủ hành lang an toàn đường sắt tuân thủ quy định, quy chuẩn hiện hành”, Ban Quản lý Dự án 7 thông tin.
Ban Quản lý Dự án 7, cho biết, kết quả khảo sát đã thỏa thuận với địa phương 5 nút giao cắt chính được thiết kế nút giao liên thông; 13 cầu vượt sông, suối (lớn nhất là cầu sông Đà Rằng dài hơn 2.330m); 1 hầm dài 900m tại Km4+970.
“Dự kiến, công tác bàn giao hồ sơ cọc giải phóng mặt bằng sẽ bắt đầu từ ngày 15/3/2022. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ xin ý kiến các bộ, ngành địa phương từ ngày 30/4 - 25/5. Công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi bắt đầu ngày 31/3 và hoàn thành ngày 20/6. Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ được hoàn chỉnh, trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt từ ngày 20/6 - 25/6”, đại diện Ban Quản lý Dự án 7 cho hay.
Dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang “hút” hơn 12.500 tỷ đồng
Dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang có tổng chiều dài 84 km. Điểm đầu dự án tại Km285+000 vị trí giao với đường dẫn phía Nam hầm Cổ Mã thuộc địa phận xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh). Điểm cuối tại Km 369+000 vị trí giao với QL27C thuộc xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh), kết nối với dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm).
Dự án đề xuất đi qua 4 huyện thị, thành phố của tỉnh Khánh Hòa, gồm: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Diên Khánh. Cụ thể, hướng tuyến của dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang bắt đầu tại điểm nút giao phía nam hầm Cổ Mã, tuyến đi vào khu vực có địa hình khá bằng phẳng thuộc các xã Vạn Bình, Vạn Phú, Vạn Lương, giao cắt với đường tỉnh 651E tại Km312 thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.
Sau đó, tuyến đường đi vào địa phận thị xã Ninh Hòa, giao cắt với tỉnh lộ 7D tại Km320 thuộc xã Ninh An, giao với đường liên xã tại Km326+400 thuộc xã Ninh Trung. Tuyến cao tốc đi qua xã Ninh Thân, giao cắt với quốc lộ 26 tại Km332 xã Ninh Xuân; qua xã Ninh Bình, Ninh Quang giao cắt với tỉnh lộ 5 tại Km 339+200 và tỉnh lộ 8 tại Km346 thuộc xã Ninh Tân.
Tuyến tiếp tục đi qua địa phận huyện Khánh Vĩnh cắt tỉnh lộ 8 lần 2 tại Km353+600 xã Khánh Bình, rồi vào địa phận huyện Diên Khánh qua các xã Diên Xuân, Diên Đông, cắt qua tỉnh lộ 2 tại Km362+200, cắt qua quốc lộ 27C tại Km364+160. Tuyến cao tốc kết thúc tại Km369+000 kết nối với dự án đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh.
Ban Quản lý Dự án 7, cho biết, kết quả khảo sát đã thỏa thuận với địa phương, dự án cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang sẽ có 4 nút giao liên thông, 6 nút giao trực thông, 11 cầu vượt trong nút giao liên thông và trực thông, và 13 cầu vượt sông, suối. Hiện nay công tác khảo sát địa hình đang được triển khai bảy mũi, tiến độ 7 km/ngày và dự kiến hoàn thành vào ngày 10/3 tới.
Dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang ước tính mức đầu tư hơn 12.504 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng hơn 8.300 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng hơn 2.300 tỷ đồng. Khác với dự án Chí Thạnh – Vân Phong, đối với dự án Vân Phong - Nha Trang, ở giai đoạn hoàn chỉnh, đoạn đầu tuyến sẽ được thiết kế với tốc độ 80 - 100 km/h phù hợp với đường dẫn phía Nam hầm Cổ Mã có vận tốc thiết kế 80 km/h.
Theo Ban Quản lý Dự án 7, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Vân Phong- Nha Trang sẽ được hoàn thiện trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trong thời gian từ ngày 20 - 30/6/2022
Ngoài hai dự án thành phần nêu trên, toàn bộ Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có 12 dự án thành phần với tổng chiều dài hơn 700 km. Toàn tuyến chạy qua địa bàn 6 tình gồm: Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau.
Có 4 dự án thành phần sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) là đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang. Còn lại 8 dự án thành phần sẽ được đầu tư công. Bao gồm các dự án: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Tổng mức đầu tư ước tính của dự án là khoảng 146.990 tỷ đồng, gồm: 95.837 tỷ đồng chi phí xây dựng và thiết bị; 19.097 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư; 12.015 tỷ đồng chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác; 20.041 tỷ đồng dự phòng. Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư hồi đầu tháng 11/2021.
Đến nay, dự án này đã được triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lên phương án đền bù. Toàn bộ 729 km sẽ khởi công vào hai tháng 11 - 12/2022 và phấn đấu hoàn thành năm 2025, phấn đấu thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài 2063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.