Gần 18.000 tỷ đồng đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1
BÀI LIÊN QUAN
Đất nền Đồng Nai tăng nhiệt nhờ “đón sóng” cao tốc Biên Hòa – Vũng TàuCao tốc Bắc-Nam: Quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đườngSớm khởi công dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hơn 26.600 tỷ đồngCao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phá thế “độc đạo” của Quốc lộ 51
Theo vtc.vn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Theo tính toán, nhu cầu sử dụng đất cho dự án này là khoảng 519,64 ha. Trong đó, khoảng 34,29 ha đất trồng lúa, khoảng 30,45 ha đất dân cư (đất ở), khoảng 205,31 ha đất trồng cây lâu năm, khoảng 52,63 ha đất trồng cây hằng năm, khoảng 2,55 ha đất nuôi trồng thủy hải sản và khoảng 194,41 ha đất khác. Thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.
Tổng mức đầu tư dự án là 17.837 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025 vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 14.270 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2026 - 2030 vốn ngân sách trung ương là 3.567 tỷ đồng. Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, năm 2025 cơ bản hoàn thành, năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ.
Mục tiêu đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (có 12,6 km đi trùng tuyến này), cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải và tạo động lực phát triển khu vực Đông Nam bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu còn góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của khu vực.
Sau khi hoàn thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giúp phá thế “độc đạo” của Quốc lộ 51 hiện nay. Đồng thời, giải quyết tình trạng quá tải của lưu lượng xe và giảm tai nạn trên tuyến Quốc lộ 51, thời gian di chuyển giữa Thành phố Biên Hòa đến Thành phố Vũng Tàu sẽ được rút ngắn từ 2 giờ xuống còn 1 giờ.
Trình bày tờ trình về dự án này tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giúp đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt
Theo Nghị quyết dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt. Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư Dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư Dự án.
Thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Cho phép phân chia dự án thành các dự án thành phần được xác định tại phụ lục kèm theo Nghị quyết này.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; tính toán phạm vi và tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tiến độ, chất lượng của các dự án thành phần đó.
Các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của địa phương tăng hoặc giảm so với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, địa phương đó có trách nhiệm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Liên quan đến dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tại kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai vào ngày 24/5/2022, đại biểu tại tỉnh này đã thông qua nội dung chi 2.600 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng dự án này. Số tiền trên tương ứng với 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện cao tốc qua địa bàn. Tỉnh cũng cam kết bổ sung vốn nếu dự án tăng vốn đầu tư.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 12/4/2022. Ngoài ra, tỉnh này cũng đã đồng ý chi 670 tỷ đồng trong tổng số 1.333 tỷ đồng giải phóng mặt bằng đoạn 19,5 km cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu qua địa phận tỉnh này.