Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc “vùng lõi” của đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt chủ trương đầu tư
BÀI LIÊN QUAN
Cao tốc Bắc-Nam: Quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đườngSớm khởi công dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hơn 26.600 tỷ đồng Đề xuất đầu tư 3 dự án cao tốc bằng vốn ngân sách nhà nướcGần 5.900 tỷ đồng đầu tư cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Theo baodautu.vn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 769/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1.
Theo đó, dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 27,43 km. Điểm đầu của dự án giao với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối của dự án giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Từ điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, dự án đi theo hướng Đông Nam và cách thị trấn Mỹ Tho khoảng 7 km. Sau đó, đi theo hướng Đông qua giữa khu dân cư và khu sinh thái Xẻo Quýt, vượt qua sông Cái Lân. Dự án kết thúc tại điểm giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Trong giai đoạn 1, dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h (tương tự các dự án cao tốc Bắc - Nam đang làm).
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 là khoảng 5.886 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.486,8 tỷ đồng, bao gồm vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải là 2.282,8 tỷ đồng và vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 1.204 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2006 – 2030, dự án được bố trí khoảng 2.399,2 tỷ đồng trong nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Chia dự án thành 2 dự án thành phần
Theo Quyết định số 769/QĐ-TTg, dự án được chia thành 2 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km16+000) có chiều dài khoảng 16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 458 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) có chiều dài khoảng 11,43 km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.246 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 398 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được thực hiện theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH13 của Quốc hội.
Theo Quyết định 769, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng về phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc.
Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm toàn diện đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và các thông tin, số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đồng thời, Bộ này phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Đồng Tháp và các bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai dự án; thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình theo đúng quy định của pháp luật.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát, cân đối nguồn vốn để triển khai dự án theo tiến độ, đúng quy định của pháp luật.
Quyết định số 769/QĐ-TTg nêu rõ, các cơ quan được giao chủ quản dự án thành phần được giao nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình triển khai dự án thành phần; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thành phần trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai dự án, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ từng bước hình thành trục ngang và mạng lưới đường cao tốc của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, kết nối các trục dọc cao tốc.
Tuyến cao tốc này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc hình thành cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ tạo không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo tại khu vực này.
Ngày 28/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức nhằm kết nối liên vùng và quốc tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Quyết định số 287 nêu rõ nhiệm vụ đến năm 2030, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.