Vì đâu đất nền vùng ven Cam Lâm (Khánh Hoà) sôi động mua bán?
BÀI LIÊN QUAN
Lo ngại trước tình trạng "cò đất" náo loạn vùng quê: Đất ảo nhưng xuống tiền thật, đơn từ khắp nơiWB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 5,3%Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Có hiện tượng lộ thông tin, thông đồng đấu giá đấtNhà đầu tư “chớp” cơ hội
Cuối tháng 3/2022, Tập đoàn Vingroup có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hoà về việc triển khai đầu tư 3 dự án đô thị có diện tích gần 17.000 ha, tập trung chính tại huyện Cam Lâm. Ngay sau đó nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM, TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã về đây mua đất nền, đón đầu dự án. Dự kiến, Vingroup sẽ xây dựng dự án đặc biệt với khu đô thị cao cấp, dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ để biến vùng đất nông thôn này khởi sắc sau thời gian dài phát triển ì ạch.
Qua khảo sát, thị trường bất động sản ở vùng ven huyện Cam Lâm hiện nay đang sôi động mua bán, giao dịch. Tại các xã Diên Khánh, Diên Thạnh được biết đến là địa phương chậm phát triển nay giá đất cũng tăng mạnh. Đơn cử nhà một lô đất đến ở xã Diên Khánh trước đây có giá 2-3 triệu đồng nay đã tăng lên đến 5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, những khu đất bám trục đường lớn có giá trên 10 triệu đồng/m2, ngang ngửa với giá đất nền ở TP Nha Trang.
Tại hai xã Cam Hiệp Bắc và Cam Hiệp Nam, chỉ một ngày sau khi được cắm điểm toạ độ phục vụ nghiên cứu dự án ở huyện Cam Lâm đã có rất nhiều người đi ô tô về tận các thôn, hẻm hỏi mua đất. Ai cũng muốn mua đất trực tiếp của dân để giá tốt, nhất là những vị trí đã được san gạt mặt bằng, bám trục đường giao thông. Anh Hoà, một người dân cho biết, trước đây mỗi mét ngang có giá tầm 30 triệu đồng, sau khi các cột mốc xuất hiện đã mua đi bán lại rất nhiều, có những lô đất tăng lên trên 100 triệu đồng/mét ngang.
Còn tại xã Vạn Ninh, thị trấn Vạn Giã trước Tết Nguyên đán một lô đất rộng 200m2 có giá khoảng một tỷ đồng, sau khi có thông tin Tập đoàn Vingroup chuẩn bị xây dựng dự án bỗng được “thổi” lên 9-10 triệu đồng/m2. Một số khu dân cư gần dự án được quảng cáo có tiềm năng sinh lời cao nên giá đất ở, đất trồng cây lâu năm cũng tăng vọt.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa thông tin: Theo quyết định đã phê duyệt, đất thương mại dịch vụ ở huyện Cam Lâm sẽ tăng từ hơn 600 ha lên gần 1.900 ha, đất vui chơi giải trí tăng gần 500 ha, đất phát triển hạ tầng và giao thông tăng hơn 1.500 ha. Địa phương này cũng được định hướng phát triển thương mại dịch vụ và tầm nhìn sẽ hướng đến xây dựng sân bay quốc tế theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
“Sau lần thứ 4 bùng phát dịch, tại tỉnh Khánh Hoà nói chung và huyện Cam Lâm nói riêng bị phong tỏa, giãn cách gần nửa năm trời. Các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, thị trường bất động sản vì thế cũng trầm lắng. Phải sang quý II năm nay khi các nhà đầu tư lớn về triển khai dự án, các sán phẩm đất nền ở vùng ven mới có nhiều giao dịch và hấp thụ nhiều nhà đầu tư F0”, ông Hoàng thông tin.
Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa cũng lưu ý, hiện nay có tình trạng giao dịch chuyển nhượng đất giấy tờ pháp lý không rõ ràng hoặc giao dịch giữa nhà đầu tư với người dân qua viết tay hoặc lập vi bằng. Điều này dẫn đến việc không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc không thể tách thửa do vị trí giáp danh với mặt biển. Đây là những rủi ro mà các nhà đầu tư mới hoặc chưa tìm hiểu kỹ về pháp lý dễ gặp phải…
Chính quyền địa phương mong muốn giá đất trở về giá trị thực
Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND huyện Cam Lâm. Lãnh đạo huyện thừa nhận trên địa bàn đang có tình trạng “sốt đất” nhưng lại kéo theo rất nhiều tranh chấp, khiếu kiện. Mới đây, Văn phòng một cửa cũng tiếp nhận vụ việc một mảnh đất được mua bán bằng giấy viết tay cho nhiều người trong khi thửa đất này mới được nhà nước cắm mốc ranh giới với hành lang bảo vệ biển chứ chưa đủ điều kiện để cấp đổ đỏ.
“Nếu đổ lỗi sốt đất do thông tin Tập đoàn Vingroup đang đề xuất xây dựng dự án thì chưa đầy đủ bởi trước đây bao giờ có các thông tin quy hoạch, xây dựng, mở rộng… đều xảy ra hiện trượng này. Việc mua bán đất đai là quyền của người dân đang sở hữu nên chính quyền địa phương không thể can thiệp được. Chúng tôi chỉ mong muốn giá đất trở về đúng giá trị thực để các nhà đầu tư an tâm về địa phương khảo sát, triển khai dự án. Trong thời gian tới, huyện sẽ công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiến độ của dự án… để nhà đầu tư và người dân nắm được”, lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc sàn giao dịch Bất động sản Khánh Hoà cũng thông tin, giá đất ở huyện Cam Lâm hiện nay không tăng theo quy chuẩn nào mà chủ yếu dựa vào thoả thuận của chủ đất và người mua. Đất thổ cư thường được giao dịch từ 17 đến 35 triệu đồng/m2 trong khi đất trồng cây lâu năm có giá chỉ 3-4 triệu đồng/m2. Nhiều lô đất sau khi làm hợp đồng công chứng, chủ nhân mới đã đăng ký chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm lên đất thổ cư tuy nhiên chưa được chấp thuận.
Bà Lan cho biết, theo quy hoạch 1/5.000 thì đất trồng cây lâu năm bám các trục đường lớn thì khả năng chuyển thành đất ở rất cao do nhu cầu ở tăng. Nhà đầu tư có thể mua ở những vị trí này sau đó chờ các dự án lớn triển khai rồi xin chuyển đổi thì có cơ hội kiếm lời gấp nhiều lần. Tuy nhiên với những vị trí giáp biển, giáp đất lâm nghiệp hoặc nằm ngoài quy hoạch lên đất ở của huyện Cam Lâm thì việc gặp rủi ro cho nhà đầu tư rất lớn.
“Với những nhà đầu tư không phải người địa phương trước khi giao dịch bất động sản nên đến cơ quan chức năng để nắm rõ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới. Bất động sản có thể sinh lời hay không sẽ dựa vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương chứ không thể qua lời bơm thổi của đội ngũ môi giới, “cò đất” được”, Phó Giám đốc sàn giao dịch Bất động sản Khánh Hoà nói thêm.