Vào mùa cao điểm, giá vé máy bay tăng lên từng giờ
Theo VnExpress, khảo sát thực tế cho thấy, chặng bay nội địa đang có mức giá vé đắt nhất là Hà Nội - Phú Quốc. Nếu khách hàng muốn bay hãng Vietnam Airlines cho dịp cuối tuần và có giờ đẹp thì sẽ phải trả mức giá khá cao lên đến 7 - 7,5 triệu đồng/ vé khứ hồi hạng phổ thông. Các chuyến bay sáng sớm hoặc tối muộn thì có mức giá rẻ hơn nhưng hành khách vẫn phải chi trả ở mức trên 5 triệu đồng.
Đối với các hãng Vietjet Air, Bamboo Airways sẽ có mức giá vé cho chặng này từ 5 - 6 triệu đồng/ vé khứ hồi. So với tháng trước, mức giá vé đã tăng lên 20 - 30%.
Giá vé máy bay đắt đỏ tác động tới mùa du lịch của cả thế giới
Tình trạng tăng giá vé máy bay hiện đang diễn ra trên toàn thế giới. Giá vé đi London của Cathay Pacific Airways trong tháng 6 đã tăng lên gấp 5 lần so với thời điểm trước đại dịch. Ở Mỹ, giá vé máy bay năm nay đã tăng lên 33% so với năm ngoái.Tại sao giá vé máy bay hiện nay cao hơn 30% so với trước đại dịch?
Hãng tin Bloomberg cho biết, thế giới hiện đang bàn tán về đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua. Hiện nay, khi đại dịch gần trôi qua và nhiều nền kinh tế đã dần mở cửa trở lại thì một vấn đề mới đang xuất hiện đó chính là giá vé máy bay đang tăng quá cao.Giá vé máy bay đắt chưa từng có, việc di chuyển giữa các quốc gia ngày càng khó khăn hơn
Những sức ép liên tục dồn về như sự tăng giá nhiên liệu, nhân sự thiếu hụt đã ảnh hưởng lên giá vé máy bay của các hãng hàng không trên toàn thế giới. Có thể nói, đây là thời điểm mức giá vé đã ở ngưỡng cao nhất từ trước đến nay.Những chặng bay trọng điểm khác như Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng Nha Trang, Quy Nhơn cũng ghi nhận mức giá vé đã tăng hơn 25% so với các tháng trước đó, chỉ chênh lệch so với chặng đi Phú Quốc khoảng 500 nghìn - 1,5 triệu đồng/ chặng.
Tương tự tình hình giá vé nội địa, vé máy bay quốc tế trong tháng này cũng tăng lên 25 - 30%. Chẳng hạn chặng bay từ TP. Hồ Chí Minh - Hàn Quốc có giá vé dao động từ 10 - 13 triệu đồng một vé; Chặng bay TP. Hồ Chí Minh - San Francisco (Mỹ) có mức giá từ 41 - 45 triệu đồng…
Chị Hạnh (trú tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh) quyết định đặt sớm vé máy bay cho cả gia đình vào trước dịp nghỉ hè tận 1 tháng nhưng chị không khỏi bàng hoàng khi đại lý liên tục cập nhật giá mới tăng lên.
Gia đình chị đặt vé khứ hồi chặng TP. Hồ Chí Minh - Phú Quốc của Vietnam Airlines vào ngày 26/7 về 29/7. "Ban đầu giá bán trên đại lý là hơn 11 triệu đồng cho 3 người lớn và 1 trẻ em, chỉ sau 10 phút hội ý cả nhà, quay lại đã thấy mức giá tăng lên 12 triệu đồng, đợi tới buổi chiều thì giá vé tiếp tục tăng đến 13 triệu đồng cho 4 hành khách" - Chị Hạnh chia sẻ. Chị đã khá bất ngờ khi ngày gia đình đi không phải cuối tuần mà giá đã tăng cao như vậy.
Tương tự trường hợp trên, chị Hoa (trú tại Đà Nẵng) đã "canh" vé rẻ suốt mấy ngày qua để chuẩn bị cho chuyến đi vào TP. Hồ Chí Minh thăm ông bà nhưng "càng canh vé rẻ thì giá lại càng tăng".
"Tôi chọn hãng Vietjet Air cho chuyến đi từ Đà Nẵng vào TP. Hồ Chí Minh ngày 1/7, hiện tại giá vé đã lên tới 2,3 triệu đồng cho 2 người. Cách đây 2 tháng, tôi cũng xem chặng bay này nhưng giá vé chỉ khoảng 700.000 đồng cho 2 mẹ con, đã bao gồm hành lý ký gửi" - Chị Hoa cho hay.
Theo các hãng hàng không Việt Nam, giá vé máy bay vào hè năm nay bị tăng cao hơn so với hè năm ngoái là vì giá nhiên liệu đang tăng kỷ lục. Bên cạnh đó, đội bay của các hãng lại chưa thể hoạt động hết công suất. Nhất là số chuyến bay quốc tế được khai thác chỉ chiếm khoảng 20% so với đợt trước dịch nên lại càng đẩy giá vé tăng cao.
Ông Đặng Anh Tuấn - Trưởng ban truyền thông của Vietnam Airlines cho hay, vào hè là đợt cao điểm nên lượng khách sẽ tăng đột biến, vé hết sớm và chắc chắn bị đẩy giá lên cao. Thông thường, giá vé máy bay của các hãng hàng không được phân phối từ thấp tới cao nên các chặng bay đến những điểm "nóng" về du lịch thì giá vé thường liên tục tăng theo nhu cầu đặt mua của khách hàng.
"Chẳng hạn như chặng Hà Nội - Phú Quốc có khoảng 5 ghế có giá 1,8 triệu đồng một chặng, nếu khách nào nhanh tay và mua sớm thì sẽ được mức giá này. Ngược lại, khách đặt mua chậm thì giá trên hệ thống sẽ tự động tăng hạng và nhảy lên dải giá mới" - Ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn giải thích thêm, ngoài yếu tố về cung - cầu đã đẩy giá vé đợt cao điểm hè tăng chóng mặt thì giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh cũng là nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay trở nên đắt đỏ. Cụ thể như 6 tháng đầu năm 2022, có những thời điểm giá xăng Jet-A1 tăng trên 160 USD/ thùng khiến cho chi phí hoạt động của Vietnam Airlines này phải tăng theo.
Hãng bay Vietjet cũng cho biết giá bán nhiên liệu đang chiếm tới 40% tổng chi phí khai thác. Thời điểm mức giá nhiên liệu tăng lên 100 USD một thùng đã khiến những chi phí khác của hãng hàng không tăng thêm 50%. Vì vậy, tuy giá vé tăng lên nhưng các hãng hàng không vẫn rất khó khăn trước cơn bão giá hiện nay.
Để đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng máy bay cho du khách trong mùa cao điểm, các hãng bay nội địa đã lên kế hoạch tăng chuyến. Cụ thể, từ ngày 1/6 - 15/8, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) sẽ cung cấp hơn 7,1 triệu chỗ ngồi di chuyển cả nội địa và quốc tế, tương đương với hơn 36.000 chuyến bay. Vietjet sẽ khai thác 450 chuyến mỗi ngày, chủ yếu là các chuyến nội địa.
Bamboo Airways sẽ tăng thêm 15% số chỗ ngồi so với hiện tại, tập trung vào các chặng bay đến những điểm du lịch "nóng" như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn… và đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng/ TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó còn cung cấp thêm các chuyến sau 19h đến các điểm du lịch và đưa khách về từ các điểm du lịch sau 21h hàng ngày để giảm ùn tắc giờ cao điểm.
Riêng các chặng bay quốc tế, các hãng bay thống kê được nhu cầu hiện vẫn chưa cao mà chỉ phục hồi được khoảng 20%. Nguyên nhân là có nhiều quốc gia trọng điểm vẫn chưa mở lại toàn bộ các chuyến bay và hoạt động du lịch quốc tế như Trung Quốc, Nga… Dự kiến đến quý IV/2022 sẽ là thời điểm khách nước ngoài trở lại Việt Nam, khi đó thị trường hàng không quốc tế sẽ tăng trưởng và khởi sắc.