meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Vắng bóng "bom tấn" IPO khiến thị trường chứng khoán thiếu "hàng mới" chất lượng

Thứ ba, 21/03/2023-09:03
Dù bối cảnh khác nhau, nhưng những lần nổi sóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quá khứ thường gắn liền với làn sóng các "bom tấn" IPO lên sàn bên cạnh việc tham gia vào các tổ chức, Hiệp định thương mại quan trọng.

Theo Nhịp sống thị trường, trong lịch sử phát triển hơn 22 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam từng trải qua không ít những đợt "sóng thần" đẩy chỉ số VN-Index tăng chóng mặt. Mặc dù bối cảnh khác nhau, nhưng những lần nổi sóng thực sự trong quá khứ đều mang đậm dấu ấn của làn sóng các "bom tấn" IPO lên sàn chứng khoán.


 
 

Giai đoạn 2006-2007: Lần lập đỉnh đầu tiên, làn sóng doanh nghiệp "đổ bộ" sàn chứng khoán

Từ mức 300 điểm hồi đầu năm 2006, chỉ số VN-Index đã một mạch tăng gấp gần 4 lần sau hơn 1 năm và ghi nhận lần đầu lập đỉnh lực sử vào tháng 3/2007. Bên cạnh câu chuyện Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), động lực tăng trưởng trong giai đoạn này còn đến từ làn sóng các doanh nghiệp "đổ bộ" sàn chứng khoán vốn còn non trẻ này.

Chỉ trong vòng 2 năm, sàn HoSE đã đón nhận thêm hơn 100 cổ phiếu mới, trong đó xuất hiện hàng loạt "tên tuổi" như Vingroup (VIC), Nhựa Bình Minh (BMP), FPT, PV Drilling (PVD), Khoáng sản Bình Định (BMC), Chứng khoán Bảo Việt (BVS), SSI, Sudico (SJS), Dược Hậu Giang (DHG), Sacombank (STB),… Hầu hết các cổ phiếu từng có thị giá cao "ngất ngưởng" đều xác lập kỷ lục trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, động lực thúc đẩy thị trường trong khoảng thời gian này còn đến từ làn sóng thoái vốn, cổ phần hóa nhiều tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, điển hình có thể kể đến các thương vụ cổ phần hóa của Bảo Việt, PVFC, Vietcombank, hay Đạm Phú Mỹ... Đáng chú ý, thương vụ của Vietcombank còn tạo ra sức ảnh hưởng lớn cũng như được giới đầu tư cả trong và ngoài nước quan tâm.

Năm 2009: Sóng hồi mạnh mẽ, chứng kiến nhiều "hàng khủng" lên sàn 

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn tăng trưởng nóng đã được đẩy lên mức không tưởng (P/E 4x lần theo Bloomberg) và một cú lao dốc ở thời điểm đó là khó tránh khỏi. Có thể thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt do áp lực lạm phát góp phần nhấn chìm thị trường.

Tính từ đáy tháng 2/2009, chỉ số VN-Index đã quay đầu tăng gấp 2,5 lần chỉ sau khoảng nửa năm, đánh dấu một trong những sóng hồi kinh điển nhất trong lịch sử. Ngoài ra, khoảng thời gian này cũng chứng kiến nhiều "hàng khủng" chào sàn có thể thể kể đến như Masan (MSN), Bảo Việt (BVH), Xây lắp Dầu khí (PVX)… hay một loạt nhà băng như VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB), SHB, Eximbank (EIB).

Mặc dù năm 2010 ghi nhận số lượng doanh nghiệp niêm yết kỷ lục, nhưng sóng hồi vẫn kết thúc khi không còn các "hàng mới" chất lượng lên sàn. Thị trường chứng khoán gần như không ghi nhận con sóng nào thực sự đáng kể trong khoảng nửa thập kỷ sau đó. Hoạt động niêm yết của các doanh nghiệp theo đó cũng trầm lắng hơn khi chỉ có một vài thương vụ đáng chú ý như BIDV, MB (MBB) hay PV Gas (GAS).


Nhìn lại lịch sử hơn 22 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam từng trải qua không ít đợt sóng thần đẩy VN-Index tăng chóng mặt
Nhìn lại lịch sử hơn 22 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam từng trải qua không ít đợt sóng thần đẩy VN-Index tăng chóng mặt

Giai đoạn 2015 - 2018: Trở lại đỉnh lịch sử khi loạt doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân lớn lên sàn

Sau lần đầu lập đỉnh, VN-Index phải mất đến 11 năm sau mới trở lại đỉnh cũ sau con sóng kéo dài hơn 2 năm với động lực đến từ những thương vụ IPO "đình đám" trong giai đoạn 2015 - 1018. Ngoài các doanh nghiệp dầu khí vốn Nhà nước như PV Power (POW), Petrolimex (PLX), PV Oil (OIL), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), nhóm tư nhân với các "bom tấn" như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), VPBank (VPB), Vietjet Air (VJC),... cũng để lại dấu ấn đậm nét.

Bên cạnh đó, giai đoạn này còn những kiến bước ngoặt với sự ra đời của Quyết định 51/2014/QĐ-CP. Việc doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa bắt buộc phải lên sàn chứng khoán đã tạo ra một làn sóng hàng hóa mới, trong đó nhiều cái tên đáng chú ý như Cảng Hàng không (ACV), VEAM (VEA), Tập đoàn Cao su (GVR), Becamex IDC (BCM), DAP – Vinachem (DDV), EVNGENCO 3 (PGV), Sabeco (SAB), Habeco (BHN)…

Sự xuất hiện của nhiều "tên tuổi" chất lượng đã thu hút dòng tiền mạnh đổ vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2015 - 2018. Trong đó, những thương vụ bán vốn kỷ lục đã xuất hiện vào giai đoạn này như thương vụ IPO đình đám của Vinhomes đã thu về 1,35 tỷ USD hay thương vụ kỷ lục của Sabeco cũng giúp Nhà nước thu về hơn 5 tỷ USD.

Sau khi con sóng thần qua đi, các thương vụ IPO cũng dần "thưa thớt" hơn, thị trường trong năm 2019 trở nên ảm đạm trước khi sự kiện "thiên nga đen" mang tên Covid-19 thay đổi tất cả.

Giai đoạn 2020 - 2021: Liên tục xác lập đỉnh cao mới với "sóng" cổ phiếu ngân hàng 

Sau khi rơi xuống đáy Covid vào hồi cuối tháng 3/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục đầy mạnh mẽ cũng như nhanh chóng lấy lại những gì đã mất. Chỉ số chính không ngừng bứt phá qua đó vượt đỉnh lịch sử, thậm chí còn liên tục xác lập những đỉnh cao mới. Động lực chủ yếu đẩy thị trường giai đoạn này đến từ làn sóng nhà đầu tư mới với dòng tiền dồi dào nhờ môi trường lãi suất thấp.

Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua làn sóng đổ bộ của các ngân hàng lên sàn chứng khoán. Với đặc thù P/E thấp, sự xuất hiện của loạt cổ phiếu ngân hàng đã góp phần kéo định giá thị trường chứng khoán Việt Nam rẻ hơn một cách tương đối, từ đó dễ dàng thu hút dòng tiền mới.

Cụ thể, giai đoạn này ghi nhận Ngân hàng Bản Việt (BVB), Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SGB), Ngân hàng Nam Á (NAB), MaritimeBank (mã MSB), Ngân hàng Việt Á (VAB)… đều lần lượt giao dịch trên UpCOM trong giai đoạn 2020-2021. Bên cạnh đó, Ngân hàng Phương Đông (OCB), SeABank (SSB) niêm yết lần đầu, LienVietPostBank (LPB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng chuyển sang giao dịch trên sàn HoSE.

Không còn nhiều doanh nghiệp "hot" đáng chờ đợi

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động IPO và lên sàn chứng khoán diễn ra rất ảm đạm. Những doanh nghiệp niêm yết đáng chú ý trong giai đoạn này như Gelex Electric (GEE), Gỗ An Cường (ACG) hay việc "ông lớn" ngành điện EVNGENCO 3 (PGV), Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) chuyển từ UpCOM sang HoSE đều không thể tạo ra được hiệu ứng nào thực sự rõ nét.

Ngoài ra, hoạt động có khả năng tạo hàng mới cho sàn niêm yết là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết, hay thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước qua sàn đều có kết quả hạn chế trong những năm gần đây. Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 đã ghi nhận 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).

Những doanh nghiệp chưa thể thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn phần lớn có quy mô nhỏ tại các địa phương. Những cái tên thực sự được nhà đầu tư quan tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay như Agribank, Mobifone, Vinacomin - TKV, VNPT, SJC, Vinafood1.

Trong danh sách 141 doanh nghiệp được Nhà nước thoái vốn trong giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng không có nhiều cái tên đáng chú ý, chủ yếu là các doanh nghiệp thực thuộc UBND Tỉnh với quy mô không quá lớn.


Những lần nổi sóng trong quá khứ đều mang đậm dấu ấn của làn sóng ồ ạt các “bom tấn” IPO lên sàn chứng khoán
Những lần nổi sóng trong quá khứ đều mang đậm dấu ấn của làn sóng ồ ạt các “bom tấn” IPO lên sàn chứng khoán

Trong khi đó, nhóm tư nhân cũng không có nhiều cái tên "hot" đáng chờ đợi ngoài một vài cái tên như TH True Milk, Thaco, Tân Hiệp Phát… Dẫu vậy, lộ trình lên sàn của các tên tuổi này vẫn còn bỏ ngỏ. Có thể nói, việc vắng bóng các "bom tấn" IPO khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu "hàng mới" chất lượng. Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường tăng vọt nhưng chưa có thêm nhiều lựa chọn mới.

Số tài khoản mở mới liên tục tăng, nhưng giao dịch gần như chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc. Trong khi đó, tăng trưởng quy mô vốn hóa chủ yếu đến từ sự xoay vòng của dòng tiền đầu cơ giá lên. Tuy nhiên, điều này có thể tiếp diễn trong thời gian tới, đặc biệt là khi môi trường tiền rẻ không còn.

Bên cạnh câu chuyện về "hàng mới", những con sóng thần trong quá khứ còn thường gắn liền với các dấu mốc liên quan đến thương mại quốc tế như việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) vào năm 2009, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP) vào năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu  u (EVFTA) năm 2020 hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hồi đầu năm 2022... Sau nhiều năm nỗ lực đàm phán, hiện tại Việt Nam đa tham gia vào hầu hết các tổ chức và Hiệp định thương mại quan trọng. Do đó, chất xúc tác này khó có thể xuất hiện trong tương lai gần.

Dù vậy, triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ vĩ mô ổn định và kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết sớm phục hồi sau suy thoái. Thêm vào đó, triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng được dự báo sẽ kéo khối ngoại trở lại mạnh mẽ, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán trong tương lai.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Chuyên gia tài chính Hồng Kông rơi vào khó khăn vì “cạn kiệt” các thương vụ IPO

Sẽ rút ngắn thời gian từ IPO cho đến niêm yết để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn

Năm 2024, các startup fintech lạc quan về mục tiêu IPO

Hoa Sen muốn tách mảng ống thép để IPO sau mảng nhựa và bán lẻ

Reddit lên kế hoạch IPO trong năm 2024 sau nhiều năm trì hoãn

Startup kỳ lân rơi vào "thế khó": Từng gây quỹ chỉ bằng một cuộc gọi qua Zoom, giờ IPO không được, bán mình không xong

Chuyên gia: Thị trường IPO Đông Nam Á sẽ “khởi sắc” trong năm 2024 sau thời gian nguồn vốn bị sụt giảm mạnh

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thương vụ IPO của các doanh nghiệp Việt

Tin mới cập nhật

Meey Group nhận “cú đúp” giải thưởng tại Top công nghiệp 4.0 Việt Nam

21 giờ trước

Người dân lại gặp khó với vàng

1 ngày trước

Tiên phong chuyển đổi số bất động sản, Meey Group ghi danh ấn tượng tại Dot Property Vietnam Awards 2024

1 ngày trước

Chuyển tiền nhầm vào tài khoản bị trích nợ tự động: Người nhận phải có trách nhiệm hoàn trả lại

2 ngày trước

Tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế: Góc nhìn của chuyên gia

2 ngày trước