Thị trường chứng khoán vẫn có nhiều cổ phiếu âm thầm trở lại vùng đỉnh lịch sử
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 13/3: VN-Index giảm nhẹ phiên đầu tuần, thanh khoản cải thiệnChuyên gia SGI Capital tiết lộ điều kiện để kinh tế và thị trường chứng khoán hồi phụcChuyên gia VinaCapital: Lãi suất giảm sẽ thúc đẩy dòng tiền chảy sang chứng khoán và bất động sản cho thuêTheo Nhịp sống thị trường, sau nhịp hồi mạnh từ đáy, thị trường chứng khoán trong nước đã chịu áp lực chốt lời mạnh khi VN-Index trở lại vùng 1.100 điểm. Từ đầu tháng 2/2023, chỉ số đảo chiều giảm và có thời điểm đã lùi về sát mốc 1.000 điểm trước khi hồi nhẹ. Đa phần các cổ phiếu vẫn giảm rất sâu, thậm chí nhiều mã còn miệt mài dò đáy. Dù vậy, vẫn xuất hiện những cái tên âm thầm trở lại vùng đỉnh lịch sử.
Đầu tiên phải kể đến 2 "ông lớn" ngành ngân hàng là BIDV (mã BID) và Vietcombank (mã VCB). Kể từ mức đáy dài hạn hồi giữa tháng 10 năm ngoái, VCB đã quay đầu tăng gần 49% lên mức 92.100 đồng/cp. Theo đó, vốn hóa của Vietcombank cũng tăng thêm gần 143.000 tỷ chỉ trong vòng 5 tháng với hơn 436.000 tỷ đồng (xấp xỉ 18,5 tỷ USD). Con số này đã đưa Vietcombank vững vàng đứng ở vị trí giá trị nhất toàn sàn chứng khoán và bỏ xa những cái tên phía sau.
Mặc dù chưa bắt kịp Vietcombank về vốn hóa nhưng đà tăng của BIDV cũng không hề kém cạnh, thậm chí còn ấn tượng hơn. Nếu tính trong khoảng 5 tháng trở lại đây, cổ phiếu BID đã ghi nhận tăng 65% lên mức 47.150 đồng/cp. Giá trị vốn hóa tương ứng hơn 239.000 tỷ đồng (~10,1 tỷ USD), tăng hơn 94.000 tỷ so với mức đáy giữa tháng 10/2022.
Được biết, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu trong năm nay, tương đương 58,4% tổng lượng cổ phiếu lưu hành nhằm tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi còn lại của năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế tới hết năm 2018. Nếu thành công, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng từ mức 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng.
Trong khi BIDV lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với các tiêu chí chính như: dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 12-13%, huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, dự kiến tăng 11%,...
Trước đó, năm 2022 là một năm hoạt động đầy khởi sắc của cả 2 nhà băng này. Trong đó, Vietcombank lãi trước thuế 37.358 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm trước. Thậm chí, BIDV còn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng đến hơn 70% so với năm 2021, đạt gần 23.058 tỷ đồng.
Một cổ phiếu ít tên tuổi hơn là Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2) cũng trở lại vùng đỉnh lịch sử sau khi tăng gần 40% kể từ giữa tháng 11 năm ngoái. Theo đó, giá trị vốn hóa tăng thêm gần 2.400 tỷ sau 5 tháng đạt xấp xỉ 8.600 tỷ đồng. Đà tăng của cổ phiếu này cũng được hỗ trợ bởi tình hình kinh doanh khả quan trong năm 2023.
Sau khi đính chính lại một vài chỉ tiêu tài chính đã công bố trong báo cáo tài chính quý 4/2022, NT2 ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng đột biến từ mức 5,7 tỷ đồng lên 159,8 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng gấp gần 28 lần. Thay đổi nằm chủ yếu ở khoản dự phòng phải thu khó đòi giảm từ 239,6 tỷ đồng còn 41,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm 2022 cũng tăng 65% so với năm trước, lên mức 883,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO – mã APF) cũng có một năm 2022 bội thu với lãi ròng đột biến hơn 366 tỷ đồng trong năm 2022, gấp hơn 2,2 lần so với con số của năm trước. Lợi nhuận tăng trưởng cao nên không bất ngờ khi APF đã nhanh chóng trở lại vùng đỉnh sau nhịp điều chỉnh đầu quý 4 năm ngoái.
Hiện nay, cổ phiếu này đang dừng ở mức 71.400 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 18% kể từ đầu năm. Trước đó, thị giá của APF thiết lập đỉnh mới 71.980 đồng/cổ phiếu trong phiên 21/2, sau đó đi ngang quanh vùng giá này và "nhăm nhe" phá đỉnh. Vốn hóa thị trường đạt 1.610 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần so với thời điểm chào sàn hồi tháng 6/2017.
Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO) là doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn chứng khoán sản xuất các sản phẩm từ sắn phục vụ cho việc xuất khẩu sang các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc. Sản lượng tinh bột sắn xuất khẩu ngày càng cao đã góp phần tạo ra doanh thu hàng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp này và liên tục tăng từ năm 2016 đến nay. Năm 2022 vừa qua, APFCO đạt doanh thu gần 7.100 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Bên cạnh kinh doanh tăng trưởng ổn định, APFCO còn được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao đều đặn hàng chục phần trăm. Trong tháng 3/2023, công ty này dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt, tương đương 1.500 đồng/cổ phiếu. Theo kế hoạch, dự kiến mức cổ tức năm 2022 là 30-40% bằng tiền mặt.
Tương tự APF, Logistics Portserco (mã PRC) cũng vừa ghi nhận một năm 2022 lãi đột biến gần 50 tỷ đồng, gấp hơn 37 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận khác phát sinh do bán tài sản. Kết quả này cũng đưa PRC vươn lên trở thành quán quân EPS trên sàn chứng khoán với EPS đạt mức 41.537 đồng.
Với lợi nhuận tăng đột biến, cổ phiếu PRC cũng bắt đầu nổi sóng kể từ cuối năm ngoái. Bất chấp những biến động không thuận lợi của thị trường chung, cổ phiếu này vẫn liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh 70.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 8/3. Hiện nay, PRC đã điều chỉnh về mức 63.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa tương ứng đạt 64 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với thời điểm giữa tháng 10 năm ngoái.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán vẫn luôn tồn tại những cơ hội đầu tư sinh lời cao bất chấp bối cảnh chung không thật sự thuận lợi. Các nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản và kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt thay vì "mải mê" chạy theo những biến động của chỉ số.