Tuyến đường Lê Quang Đạo liệu có thoát “vết xe đổ” của trục đường “đau khổ” Lê Văn Lương?
Các dự án địa ốc thay nhau mọc lên san sát
Theo báo Lao động, từ ví dụ điển hình tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương đã bị băm nát, nhiều người dân tại khu Nam Từ Liêm đang bày tỏ sự lo ngại khi hàng loạt chung cư liên tiếp mọc lên, mật độ dân cư cũng ngày càng tăng quanh Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).
Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm không chỉ có những tuyến giao thông huyết mạch đã đi vào hoạt động mà còn tuyến đường Lê Quang Đạo rất được kỳ vọng sẽ rút ngắn quãng đường di chuyển từ quận Hà Đông đến trung tâm Mỹ Đình. Trục đường này cũng góp phần hoàn thiện mạng lưới kết nối theo quy hoạch được duyệt, giảm áp lực cho trục đường Tố Hữu, Nguyễn Trãi và khu vực cầu Đôi. Đồng thời kết nối nhanh hơn giữa khu phía Tây và trung tâm thành phố Hà Nội.
Cận cảnh những "chùm chung cư" trên tuyến Láng Hạ - Giảng Võ
Nối tiếp vào Lê Lương Văn, trục Giảng Võ - Láng Hạ cũng ken dày đặc chung cư. Chỉ cách một cây cầu vượt ngắn nhưng mức giá bán của bất động sản khu vực này cao hơn hẳn.Làm sao để khắc phục lỗi quy hoạch Tố Hữu – Lê Văn Lương?
Là một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng của cửa ngõ phía tây của Thủ đô Hà Nội. Tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu đã bị biến thành con đường đau khổ bởi những lỗi quy hoạch và triển khai quy hoạch kéo dài hàng chục năm. Khi sự đã rồi, làm sao để khắc phục, sửa chữa những hậu quả do những lỗi này gây ra?Tuy nhiên, theo quan sát thực tế trên tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài hiện tại đang có rất nhiều dự án, tổ hợp chung cư đã và đang triển khai thi công san sát nhau. Việc này sẽ tạo ra nhiều áp lực hơn cho hạ tầng khu vực. Chưa kể, có khá nhiều dự án chung cư tại đây đã điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng thêm tầng, nhồi căn hộ gây ra áp lực lớn cho hạ tầng giao thông.
Trong bán kính 500m từ Khu Bộ Ngoại giao, hàng chục nhân viên của các sàn môi giới bất động sản sẵn sàng “cắm chốt” mỗi ngày tại đây để rao bán các sản phẩm căn hộ thuộc dự án tháp đôi The Matrix One mới được hoàn thiện.
Những nhân viên môi giới không chỉ đưa ra các lời giới thiệu hoa mỹ mà để chứng minh dự án đang rất “hot” này, họ còn nhắc đến hàng loạt thông tin như “nếu không chốt nhanh sẽ đánh mất cơ hội sở hữu căn hộ trên đất vàng”, “hiếm có dự án nào trong nội thành lại được thiết kế theo phong cách panorama sang trọng như vậy”, “dự án có đầy đủ tiện nghi từ hồ cảnh quan, sân chơi đến đường chạy bộ,...”.
Cách dự án này không xa, cũng trên một khu “đất vàng” tại cửa ngõ phía Tây Hà Nội là dự án tổ hợp Mỹ Đình Pearl mới được điều chỉnh quy hoạch từ 28 tầng nâng lên đến 38 tầng; Điều chỉnh chức năng từ “văn phòng” thành “thương mại, dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ”. Việc này dẫn tới những mối lo ngại về chất lượng sống, không gian nơi đây và nhất là có thể xuất hiện một “tuyến đường Lê Văn Lương thứ 2”.
“Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm vẫn còn nhiều quỹ đất, sẽ có thêm các tổ hợp chung cư đang và sắp được rao bán trên tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài. Các dự án ở đây cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của khách hàng” - Anh Trần Minh, môi giới bất động sản khu vực này cho biết.
Mối lo ngại có thể xảy ra
Anh Nguyễn Văn Cương (Vĩnh Phúc) cho hay, trong quá trình tìm kiếm căn hộ, gia đình đã xác định ngay từ đầu là tránh chọn mua dọc trục đường Lê Văn Lương. Do đó, anh Cương đã lựa chọn mua chung cư tại khu vực Đại lộ Thăng Long (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) vì cho rằng đây là khu vực nhiều tuyến đường mới sẽ rất thông thoáng, dễ di chuyển.
“Với tôi, giá trị căn hộ còn nằm ở hệ thống hạ tầng giao thông và các tiện ích cần thiết như trường học, bệnh viện, siêu thị xung quanh. Hồi đầu tìm hiểu thì nơi này vẫn thông thoáng nhưng đến nay lại xuất hiện ùn tắc ngày một nhiều". Tuy đã sở hữu được một căn hộ chung cư khá ưng ý tại khu Đại lộ Thăng Long nhưng anh Cương và nhiều cư dân đã bày tỏ sự quan ngại về một “tuyến đường Lê Văn Lương thứ hai”. Thực tế, ngày càng nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên san sát nhau như bao vây lấy Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình.
Tương tự là trường hợp của chị Phan Thùy Duyên (quê Thanh Hóa) đã rất lo lắng khi các tuyến đường quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình như Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Lê Quang Đạo… đang có rất nhiều tòa cao ốc thi công.
“Tôi thấy các dự án chung cư, cao ốc mọc lên như nấm. Nếu cứ để hàng chục khu đô thị, chung cư xây dựng như vậy mà không có sự can thiệp thì chắc chắn sau này tình trạng sẽ rất tồi tệ, có khi còn hơn tuyến Lê Văn Lương. Hơn nữa, trận mưa lụt vừa qua đã khiến khu vực quanh sân vận động Mỹ Đình ngập sâu” - Chị Duyên chia sẻ. Chị bày tỏ, đã đến lúc các cơ quan Nhà nước phải vào cuộc để điều chỉnh lại quy hoạch nơi đây. Trong khi nhiều sự kiện lớn đang được tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình cùng việc chuyển trụ sở của các bộ ngành về đây thì vấn đề quy hoạch còn thể hiện bộ mặt của quốc gia.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Cát Tuấn (Tây Mỗ - Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Trước đây giao thông khu vực này rất thông thoáng, thuận tiện. Tôi đi làm cũng dọc theo Đại lộ Thăng Long, đi qua Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình mà chỉ mất khoảng 15 phút. Nhưng hiện nay, quá trình di chuyển đã thay đổi khi thường xuyên phải đi sớm về muộn hơn 1 - 2 tiếng để tránh tắc đường. Nhất là những hôm mưa gió, trục đường này không chỉ tắc trầm trọng mà còn ngập sâu rất khó di chuyển”.
Theo ý kiến của Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, đầu những năm 2000, hàng loạt khu đô thị mới được xây dựng dọc hai bên Đại lộ Thăng Long trên nền ruộng trũng vốn là hành lang thoát lũ được quy hoạch từ thời Pháp hay là Vành đai xanh trong bản đồ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030. Các khu đô thị ven tuyến đường đã san lấp tùy tiện không theo quy chuẩn cốt nền, khu sau lại cao hơn khu trước, do đó mặt đường mới trở thành vùng trũng dẫn tới việc ngập sau mỗi khi mưa to.