Từng thuộc Top 50 người giàu nhất thế giới, bí quyết kiếm tiền của "đệ nhất tham quan" Hòa Thân là gì?
BÀI LIÊN QUAN
Tài sản gấp 15 lần ngân khố Đại Thanh, cơ ngơi của Hòa Thân gồm những gì mà khủng khiếp tới vậy?Thiên hạ đệ nhất quan tham Hòa Thân vẫn có 3 thứ tuyệt đối không tham: Nguyên tắc riêng khiến hậu thế khâm phụcJack Ma cũng không mua nổi ngôi nhà của Hòa Thân: Một cây cột nhà giá gần 9.500 tỷ đồngTừng lọt Top 50 người giàu nhất thế giới
Năm 2001, Nhật báo phố Wall từng đăng môt danh sách, trong đó có viết rằng: “Một ngàn năm trở lại đây, trên thế giới có 50 người giàu nhất. Trong đó, từ Trung Quốc có 6 đại diện. Một trong số đó chính là đệ nhất tham quan Thanh triều - Hòa Thân”.
Theo như ghi chép của danh sách này, Hòa Thân sau khi bị tịch thu tài sản, tổng giá trị lên tới gần 800 triệu lượng bạc, tương đương với 15 quốc khố của triều Đại Thanh. Thời điểm ấy, trong nhà Hòa Thân giấu lên tới 268 tấn vàng. Số lượng vàng này còn nhiều hơn cả lượng vàng của cường quốc số 1 thế giới lúc bấy giờ, thật có tin phải không?
Thực tế, sau khi Hòa Thân bị tịch thu tài sản, tổng giá trị là bao nhiêu? Theo như số liệu trong “Tài liệu phạm tội của Hòa Thân” có viết, tổng tài sản tịch thu từ nhà Hòa Thân gồm vàng ròng, cát vàng, kim nguyên bảo, tổng cộng là 710 vạn lượng. Tính sương sương, 710 vạn lượng là khoảng 268 tấn vàng. Vào thế kỷ 18, đây là một lượng vàng khổng lồ. Có thể nói, lượng vàng này nhiều hơn cả hơn lượng vàng dự trữ của cả thế giới cộng lại.
Trong lịch sử, mãi đến nửa sau thế kỷ 19, người dân trên thế giới mới phát hiện ra những mỏ vàng có trữ lượng lớn tại Australia, Nam Phi và Xibia.
Năm 1870, nước Anh được coi là cường quốc số một về vàng có số lượng dự trữ là 161 tấn. Theo sau là Nga với 160 tấn, Mỹ có 107 tấn, Áo-Hung khoảng 50 tấn. Vậy mà, hơn 1 thế kỷ trước trong nhà của đại tham quan Hòa Thân đã sở hữu tới 268 tấn vàng.
Hòa Thân kiếm tiền như thế nào?
Trong lịch sử, Hòa Thân vốn là tham quan nhưng lại được giao giữ rất nhiều chức vụ liên quan tới tiền bạc. Cụ thể, ông từng giữ chức tổng quản phủ Nội vụ, thượng thư bộ Hộ, Hàn Lâm viện trưởng viện học sĩ cai quản việc thi cử… Mỗi chức vụ lại giúp ông kiếm được bộn tiền. Trong đó, phải để đến việc Hòa Thân được giao trực tiếp quản lý việc thu thuế ở Sùng Văn Môn.
Theo Thanh sử cảo, từ thời nhà Minh, chín cổng thành Bắc Kinh đều được đặt trạm thu thuế. Tuy nhiên đến thời nhà Thanh thì chỉ để lại một cổng mà thôi đó là Sùng Văn Môn. Hàng hóa qua lại trực tiếp sẽ phải nộp thuế tại cổng này, từ dân thường đến thương buôn, quan lại và sĩ tử đi qua đều phải nộp tiền.
Trong tác phẩm “Lang tiềm kỷ văn” của Trần Khang Kỳ có đoạn: “Trong các cửa thu thuế của thiên hạ, kẻ nha lại ở Sùng Văn Môn là thu nặng và ngang ngược nhất. Quan bố chính ở Sơn Đông là Lục Trung Thừa vào kinh khi qua Sùng Văn Môn không đủ tiền thuế cũng phải bỏ cả hành lý ở ngoài. Đến khi vào trong kinh phải vay mượn đồ đạc khắp nơi mà dùng”.
Công việc thu thuế của mình được Hòa Thân giao lại cho quản gia Lưu Toàn. Ngoài khoản tiền nộp về cho Hòa Thân, tên này cũng bỏ túi riêng không ít. Vì thế, trong lịch sử từng có lần Hòa Thân bị tố cáo để quản gia tham ô, sống xa hoa không kém gì vương hầu. Chính bởi vụ này mà Hòa Thân suýt nữa đã bị lật đổ.
Sau khi bị tố cáo, Hòa Thân mất chức quan thu thuế tại Sùng Văn Môn. Chức quan này được Càn Long giao cho Phong Thân n Đức. Tuy nhiên, từ vụ việc trên có thể thấy, một tên quản gia nho nhỏ được giao thu thuế mà đã xa xỉ như thế thì nguồn tiền đổ vào túi tham của Hòa Thân sẽ nhiều tới mức nào.
Khi nhắc đến Hòa Thân, chắc chắn không thể bỏ qua chế độ “phạt tiền thay tội”. Chế độ này được chính Hòa Thân đưa ra và ngày càng thúc đẩy việc thực hiện một cách rộng rãi. Đối với những quan lại, nếu ai phạm tội không đến nỗi chém đầu đều có thể nộp một khoản tiền nhất định để được tha. Thậm chí, nhiều quan lại còn tự nguyện nộp trước tiền phạt cho mình để “dự phòng”.
Chế độ này được thực hiện vào năm 45 niên hiệu Càn Long (năm 1780). Theo đó, khoản thu nhập này của triều đình do Hòa Thân một tay cai quản. Trong một bản tấu Hòa Thân trình lên Càn Long từng viết rằng: “Chúng thần Hòa Thân, Phúc Trường An phụng chỉ kiểm tra việc thu thuế và xử lý các vụ nộp bạc thay tội. Lần lượt ghi lại tổng cộng 27 vụ, đã giải quyết 2 vụ, chưa trả hết 13 vụ. Chuyển giao chi dùng cho Chiết Giang xây đê biển 5 vụ…”
Hòa Thân một mình quản lý số bạc khổng lồ này nên ông ta bỏ túi bao nhiêu cũng không một ai biết. Từ trước đến nay cũng chỉ có một mình Hòa Thân nghĩ ra được cách thu tiền độc đáo như vậy.
Bên cạnh tiền tham ô, vơ vét mà có, Hòa Thân còn là một thương nhân tài ba. Đệ nhất tham quan từng kinh doanh nhà đất, bán đồ cổ, mở hiệu cầm đồ, cho vay lãi, mở tử lầu… Chỉ tính riêng ở Bắc Kinh, Hòa Thân đã có 75 hiệu cầm đồ. Bên cạnh đó, ông còn có hơn 80 cỗ xe ngựa lớn để chuyên chở hàng hóa.
Đáng chú ý, Hòa Thân “cá kiếm” nhiều nhất nhờ việc thu tiền thuê đất đai từ nông dân. Theo ghi chép lịch sử nhà Thành, số đất mà Hòa Thân cho thuê là 1266 khoảnh, tương đương với hơn một vạn mẫu đất ngày nay.
Dù giàu nứt đố đổ vách nhưng Hòa Thân lại là người vô cùng keo kiệt. Trong tác phẩm “Hòa Thân đại thần tham nhũng có viết rằng: “Hòa Thân trong nhà thì xoa hoa vô độ nhưng đối với gia nhân lại rất keo kiệt, không bao giờ tiêu thừa một xu. Người hầu trong nhà ngoài vài kẻ thân tín, còn lại tất cả đều phải mặc quần áo vải thô. Bữa ăn hàng ngày hầu như là cháo. Khi xây cất nhà cửa, Hòa Thân còn điều động binh sĩ dưới quyền đến làm, chứ không bỏ tiền ra thuê người khác”.
Tuy nhiên, nếu xét về tư duy kinh doanh, chi tiêu và khả năng kiếm tiền, Hòa Thân tuyệt đối không thua kém bất kỳ nhà quản lý kinh tế tầm cỡ nào thời điểm hiện tại. Hơn 20 năm làm quan, số tiền Hòa Thân tích cóp được lên tới 1100 triệu lượng bạc. Con số này bằng 15 năm quốc khố triều Thanh. Chính vì thế, Hòa Thân được coi là một trong những người giàu nhất thế giới ở thế kỷ 18.