Jack Ma cũng không mua nổi ngôi nhà của Hòa Thân: Một cây cột nhà giá gần 9.500 tỷ đồng
Không chỉ biết cách vơ vét của cải, Hòa Thân còn rất chịu chơi, chịu chi. Dinh thự của "thiên hạ đệ nhất tham quan" khiến nhiều người phải trầm trồ vì độ sang chảnh bức người.
Hòa Thân là cái tên nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Đây là “Thiên hạ đệ nhất tham quan” khét tiếng của triều đại nhà Thanh. Được Càn Long sủng ái, giữ quyền cao chức trọng nên Hòa Thân thoải mái tham ô, vơ vét của cải.
Đặc biệt, độ chịu chơi, chịu chi hết mình của Hòa Thân là một trong những nguyên nhân khiến tham quan này nổi tiếng đến tận bây giờ. Không tin, chỉ cần nhìn vào Cung Vương phủ là biết. Đây chính là dinh thự do chính một tay Hòa Thân xây dựng. Biệt phủ của Hòa Thân còn được mệnh danh là ngôi nhà đắt nhất Trung Quốc.
Nhiều người còn truyền nhau câu nói: Tỷ phú Jack Ma cũng không mua nổi nhà của Hòa Thân. Câu nói này quả thực không ngoa. Biệt phủ này hội tụ đủ các bảo vật, nguyên liệu quý hiếm, xây trên vị trí đắc địa bậc nhất…
Ngôi nhà đắt giá nhất của Trung Quốc
Biệt phủ của “Thiên hạ đệ nhất tham quan” được xây dựng vào năm Càn Long thứ 40. Vị tham quan khét tiếng đã tự mua một mảnh đất trong kinh thành. Mảnh đất này có phong thủy bảo địa, dùng để xây dựng nên dinh thự có tên là “Hòa Đệ”.
Theo các nhà phong thủy, biệt phủ này được xây dựng dọc theo Tiền Hải. Nó nằm ngay sau hông của Hậu Hải. Cả hai đều là những hồ nước lớn nằm ở phía Đông Bắc Tử Cấm Thành. Đặc biệt, vị trí dinh thự còn nằm trên long mạch của nhà Thanh.
Tổng diện tích của dinh thự là hơn 60.000 m2. Trong đó, hơn 30.000 m2 là phủ đệ, còn là là hoa viên, hồ nước. Tổng thể biệt phủ là sự kết hợp của những nét văn hóa tinh túy nhất nhà Thanh. Vì thế, người đời mới có câu rằng: Một tòa Cung Vương phủ, nửa bộ sử Thanh triều.
Không chỉ cho Jack Ma “ngửi khói”, nhiều người còn đồn Hòa Thân còn giàu có hơn Càn Long. Do đó, Hòa Đệ mới được coi là một trong những biệt phủ đẹp nhất Trung Hoa. Toàn bộ những thứ để xây dinh thự đều là vật liệu thượng phẩm khi đó.
Mọi ngóc ngách đều cất giấu bảo vật quý hiếm
Ngôi biệt phủ đắt đỏ bậc nhất Trung Quốc được bố trí theo “Tam lộ ngũ tiến”. Kiến trúc của nó cũng vô cùng tinh xảo. Cụ thể, 99 căn phòng tại Cung Vương phủ mang ý nghĩa “mãi mãi dư thừa”. Ngoài ra, các bức tường của tòa nhà phía sau có tổng cộng 88 cửa sổ. Theo đó, mỗi 1 cửa sổ mang một loại hoa văn khác nhau.
Trong cuốn sử Thanh triều có ghi, trong Hòa Đệ có vô số bảo vật trấn trạch trong mọi ngóc ngách. Tiêu biểu nhất là 9.999 hình con dơi được trang trí dọc hành lang biệt phủ. Những con dơi này mang ý nghĩa phú quý, tốt lành, dưới mỗi con đều có chữ “Phúc”.
9.999 chữ “Phúc” này kết hợp với tấm bia đá chữ “Phúc” do Khang Hy đích thân ngự bút sẽ tạo thành “Vạn Phúc”. Thời xưa, chỉ có Hoàng đế mới được dùng chữ “Vạn”. Hòa Thân đã lươn lẹo ra cách này để che mắt thiên hạ.
Trong biệt phủ của mình, Hòa Thân còn xây dựng 2 ngọn núi nhân tạo. Trong mỗi ngọn núi còn có 1 con tỳ hưu lớn. Con tỳ hưu làm bằng ngọc phỉ thúy xanh hiếm có, giá tới cả ngàn lạng vàng. Điều đáng nói, là người đứng đầu một nước nhưng Càn Long chỉ có 1 con tỳ hưu nhỏ làm bằng bạch ngọc mà thôi.
Trên mỗi ngọn núi, Hòa Thân xây một tòa lầu để đọc sách, ngâm thơ, ngắm trăng. Lối đi lên các tòa lầu dốc nhưng không có bậc. Điều này biểu thị con đường thăng quan của Hòa Thân mãi hanh thông.
Hòa Thân còn cho sao chép thiết kế cửa ở Viên Minh Viên - đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc thời đó. Vị tham quan khét tiếng còn xây hẳn một sân khấu riêng trong phủ để nghe hí kịch. Sân khấu này còn lớn hơn cả sân khấu trong Tử Cấm Thành.
Một cây cột nhà giá gần 9.500 tỷ đồng
Mọi cây cột trong biệt phủ Hòa Thân đều được làm từ gỗ Kim tơ Nam mộc âm trầm ngàn năm. Loại gỗ quý này chỉ có tại Trung Quốc, đứng đầu trong tứ đại danh mộc. Khi ra ngoài ánh nắng, gỗ Kim Tơ Nam mộc sẽ tỏa ra ánh vàng lấp lánh. Tơ vàng cũng hiện lên vô cùng rõ ràng.
Không những thế, loại gỗ này còn có mùi hương thanh nhã. Gỗ không bị mối mọt, nước không thấm, không mục ruỗng. Một bản gỗ lớn Kim tơ Nam mộc âm trầm vô cùng quý hiếm. Thời xưa, chỉ có hoàng gia, hoàng tộc mới được dùng loại gỗ này.
Riêng với gỗ Kim tơ Nam mộc âm trầm nghìn năm, đây là loại gỗ quý bậc nhất. Loại gỗ này phát sinh biến dị tự nhiên trong khoảng từ 2.000 cho tới hàng vạn năm trước. Do lũ lụt, động đất cuốn trôi đã phát sinh những dị biến này. Gỗ Kim tơ Nam mộc bị chôn vùi dưới bùn đất sâu. Trong điều kiện thiếu oxy, áp suất cao dẫn tới tác động của vi khuẩn sinh vật, hiện tượng các bon hóa lâu ngày sẽ thành “than hóa mộc”.
Thế nhưng, Hòa Thân lại dùng riêng loại gỗ này để xây dựng biệt phủ. Theo các nhà khảo cổ, đồ gỗ của Cung Vương phủ đều là hàng cao cấp. Trải qua hơn thế kỷ, mỗi cây cột Kim tơ Nam mộc âm trầm hiện tại có giá khoảng 2,7 tỷ NDT (gần 9.500 tỷ VND). Đủ thấy rằng, một cây cột của phủ Hòa Thân cũng khiến triệu người “thèm rỏ dãi”.
Không hề ngoa khi khẳng định độ giàu có “đỉnh của chóp” của Hòa Thân. Dinh thự của vị tham quan khét tiếng nguy nga tráng lệ chỉ sau Tử Cấm Thành mà thôi. Sử sách ghi chép, chính Hòa Thân đã tự mình quy hoạch, trang trí dinh thự. Tất cả tiêu chuẩn của dinh thự đều khắt khe vô cùng, y hệt việc xây dựng cung điện của Hoàng đế. Có thể thấy, độ chịu chơi của Hòa Thân khiến nhiều tỷ phú thời nay cũng phải nể phục!