sapo-1699600718.jpg
 

Báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề đối với lĩnh vực ngân hàng. Tại báo cáo này, Chính phủ cho biết, bất động sản chiếm khoảng 21% tổng tín dụng toàn nền kinh tế nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. 

Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2023, tín dụng bất động sản chỉ tăng 4,99%. Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản tăng 18,95%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Trong khi đó, dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản giảm 1,36%, năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây.

Càng gần về cuối năm, nỗi lo về nợ xấu ngày càng hiện hữu rõ hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn khiến cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như nhu cầu tiêu dùng vẫn tiếp tục suy giảm. 

a1-1699601445.jpg
 

Mặc dù các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong quá trình phục hồi sản xuất vầ kinh doanh, tuy nhiên, vẫn còn đa số doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn nên gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Ngân hàng rơi vào thế kẹt vì không thu được tiền, dẫn đến nợ xấu toàn hệ thống tăng mạnh. 

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, tình hình nền kinh tế không mấy khả quan khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ gặp khó, đã tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, khiến rủi ro nợ xấu gia tăng. Để cứu vớt những khoản nợ xấu, không ít ngân hàng phải “ráo riết” công bố danh sách bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay để thu nợ.

a2-1699603351.jpg
 

Tuy nhiên, thực tế là việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ còn gặp nhiều vướng mắc. Hàng lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.

Đây là vấn đề đang diễn ra trên thị trường bất động sản và thị trường tài chính hiện nay. Chính vì vậy, nếu “quả bom” nợ xấu này không được tháo gỡ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ thị trường tài chính, bất động sản mà toàn xã hội. Bàn luận sâu hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế.

PV: Có thể thấy rằng tình hình nợ xấu bất động sản trong ngành ngân hàng thời gian qua diễn ra khá căng thẳng, ông có quan điểm nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Minh Phong: Hiện nay, tình hình nền kinh tế, chính trị thế giới vẫn đang diễn biến hết sức bất lợi gây tác động đến nền kinh tế trong nước. Về tiêu dùng, sản xuất và các đơn hàng giảm thấp, nhất là tại các thị trường lớn. Số lượng doanh nghiệp giải thể và rút lui khỏi thị trường vẫn không ngừng tăng. 

Trong kinh doanh thường không tránh được việc có nợ và nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, nhiều ngân hàng phải đối mặt với những khó khăn và thanh thức, chất lượng tài sản suy giảm, dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của các ngân hàng hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc. 

Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn từ các cấp chính quyền, ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân. Do vậy việc xử lý nợ xấu ngân hàng phải làm sao để hướng tới hài hòa lợi ích, giữ ổn định nền kinh tế.

a3-1699604656.jpg
 

PV: Tình hình nợ xấu gia tăng như này sẽ gây áp lực cho nền kinh tế và ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các ngân hàng?

TS. Nguyễn Minh Phong: Nhìn từ bài học hai cuộc khủng hoảng tài chính nổi tiếng tại Thái Lan và Mỹ cách đây khoảng 2 thập kỷ đều có cùng nguyên nhân khởi đầu cơ bản từ việc tập trung thái quá những khoản đầu tư với lãi suất rẻ, điều kiện tín dụng dễ dàng để đầu cơ trong thị trường bất động sản, khiến thị trường này đình trệ, từ đó dẫn đến đổ vỡ nhanh chóng thị trường tín dụng, làm nên khủng hoảng kinh tế lớn.

Tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2012 cũng đã từng trên bờ vực khủng hoảng và “suýt” rơi vào tình trạng tương tự như trên. Chúng ta đã vượt qua được giai đoạn đó và giai đoạn hiện nay cuộc khủng hoảng lại một lần nữa trở lại, tuy rằng mức độ khủng hoảng tại nước ta không quá căng thẳng nhưng cũng có nhiều nguy cơ khiến nợ xấu có thể gia tăng.

Điều chắc chắn rằng, khi nợ xấu gia tăng thì sẽ khiến sức chống chịu của các ngân hàng trở nên yếu kém, các hoạt động cho vay sẽ bị hạn chế lại. Ngoài ra cũng khiến các ngân hàng “nhạy cảm” hơn, chỉ cần một tia lửa bùng lên, thì sẽ làm hiệu ứng “Domino” diễn ra, từ đó sẽ chuyển từ khủng hoảng ngân hàng sang khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội.

Ngoài ra, khi nợ xấu tăng cao còn khiến cho các doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng, họ sẽ phải đứng trước những áp lực khó trả nợ được cũng như khó có nguồn vốn mới. 

PV: Từ nhiều năm nay vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý nợ xấu là xử lý tài sản đảm bảo, vậy ông có thể phân tích kỹ hơn những vướng mắc này không?

TS. Nguyễn Minh Phong: Để giải quyết khối nợ xấu thì giải pháp then chốt là thu giữ tài sản đảm bảo và áp dụng các thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp. Thế nhưng, tại Việt Nam, chuyện giải quyết phá sản vẫn còn chậm chạp, làm tạo nên rào cản trong vấn đề xử lý nợ xấu, nhiều doanh nghiệp người ta không chịu phát mãi tài sản, thanh lý tài sản nên không có nguồn lực trả nợ. 

Phía ngân hàng là những người nắm rõ nhất những vướng mắc này. Trên thực tế hiện nay có hai vướng mắc điển hình về tài sản bảo đảm. Một là có những tài sản là đất của Nhà nước, đất dự án nên việc ngân hàng tìm chủ không phải là dễ vì chủ phải đáp ứng được một số điều kiện đi kèm. Hai là có những dự án chưa đủ quyền chuyển nhượng, nên đến tận giờ vẫn chưa thể bàn giao được. Tức là, nhiều khi ngân hàng nhận được các tài sản thế chấp không đạt chuẩn, tuy nhiên nếu muốn xử lý được những tài sản này thì phía ngân hàng lại chưa đủ tư cách, bên kia cũng chưa đủ tư cách. Chưa kể, việc cùng lúc bán các tài sản ra sẽ tạo hiện tượng xuống giá, khiến mọi người e ngại bán hoặc không muốn bán. 

Chính vì vậy, trong quá trình xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng vẫn còn e ngại khi quyết định cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, cá nhân. Vì thế mà nên có quy định cụ thể, hiệu quả về thu giữ tài sản bảo đảm, trong đó Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được kỳ vọng sẽ tạo hàng lang pháp lý vững chắc để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

quote-1-1699606451.jpg
 

PV: Theo ông, cần có giải pháp nào để tháo gỡ các khó khăn trên?

TS. Nguyễn Minh Phong: Hiện nay, thực tiễn hoạt động xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, do đó cần có các giải pháp tổng thể để hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, mang tính đột phá hơn. 

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập đối với việc chuyển nhượng, sang tên, đặc biệt là đối với tài sản đảm bảo như là bất động sản. Thực tế là khi các tài sản đảm bảo dùng để vay tín dụng thì người vay đã mất quyền sở hữu, do đó nếu trong trường hợp không trả được nợ thì người cho vay sẽ toàn quyền sở hữu tài sản đó. 

Hiện nay, Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ chỉ kéo dài đến hết 31/12/2023, do đó cần thể chế hóa vào Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản nhằm tạo hành lang pháp lý và nâng cao tính hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu giúp các tổ chức tín dụng cho vay an toàn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng và phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có các qui định cụ thể, an toàn hơn về việc kiểm soát hoạt động tín dụng, hạn chế việc cho vay rủi ro, sở hữu chéo và tăng cường tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng cố tình giữ tỷ lệ nợ xấu thấp hơn thực tế hiện nay. Và quan trọng hơn là cần minh bạch hóa số liệu chính thức về nợ ngân hàng và tồn kho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng có cần sử dụng các biện pháp quản lý đặc biệt, kiểm soát hoặc cho dừng hoạt động, sáp nhập và thậm chí là phá sản đối với những ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém là cần thiết. Việc này cần làm đúng qui trình pháp lý, đảm bảo sự minh bạch và giảm thiệu các hệ quả tiêu cực về kinh tế - xã hội.

a4-1699607592.jpg
 

PV: Với bối cảnh tình hình nền kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, và bất lợi như hiện nay thì ông có thể nhận định về tình hình nợ xấu vào cuối năm 2023 và để xử lý nợ xấu chúng ta cần phải làm gì?

TS. Nguyễn Minh Phong: Đây là bài toán đặt ra trong suốt chục năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết được hoàn toàn, bởi lẽ nó chịu ảnh hưởng bởi đa dạng các nguyên nhân. Chính vì vậy, tình hình từ nay đến cuối năm sẽ có hai xu hướng diễn ra:

Một là xu hướng trả nợ tốt hơn, do các doanh nghiệp bắt đầu có cơ hội dòng tiền, có các điều kiện về giãn nợ, điều kiện về thị trường thì hy vọng khả năng trả nợ sẽ được cải thiện. 

Hai là ngược lại, nó có thể căng thẳng hơn do các khoản nợ cũ đến hạn, trong khi doanh nghiệp chưa có hướng đi mới, dòng tiền mới nên nó cũng sẽ tăng áp lực lên.

Để giải quyết được nợ xấu các doanh nghiệp sẽ phải dựa vào từng dự án cụ thể và mỗi ngân hàng cũng sẽ nắm rõ được cách xử lý, kết hợp cùng cơ quan mua bán nợ, sự kiểm soát của các cơ quan chức năng để có những phương án cụ thể để xử lý tình trạng nợ xấu. 

Hơn nữa, để hạn chế được tình trạng nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu liên quan đến bất động sản thì chúng ta cần đánh giá các dự án, năng lực và uy tín của khách hàng để cho vay đối với những dự án hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đây là điều quan trọng trong việc xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu. 

quote-2-1699609385.jpg
 

Xin chân thành cảm ơn ông!

tac-gia-1700446932.jpg
 
Chia sẻ:

Tin mới cập nhật

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Địa phương có thể điều chỉnh giá khởi điểm đấu giá đất nếu thấy không phù hợp

23 giờ trước

Hải Phòng: 1 dự án NOXH được phép bán 636 căn hộ, mở ra cơ hội an cư

23 giờ trước

Nới rộng đối tượng mua NOXH miễn đáp ứng đủ điều kiện

23 giờ trước

Dự án 275 Nguyễn Trãi: Hoàng Huy khẳng định đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính

23 giờ trước

Bảng giá đất điều chỉnh ở TP. HCM dự kiến cao nhất 687 triệu đồng

23 giờ trước