Trung Quốc không còn là trụ cột của thị trường dầu mỏ?
BÀI LIÊN QUAN
Áp lực xăng tăng nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn duy trì giá cước cũNền kinh tế lớn nhất châu Âu cảnh báo nghiêm trọng nếu Nga dừng cung cấp khí đốt hoàn toànCổ phiếu dầu khí “cắm đầu”, tiền “lom dom” bắt đáyMột mối lo khác không phải Fed
Sau một "cuộc tuần hành" kéo dài gần 7 tháng qua, đà tăng của giá dầu thô dường như đang có nguy cơ sụp đổ sau khi giá sụt giảm mạnh từ mức cao gần đây.
Giá dầu đang chật vật để đảo ngược mức giảm của tuần trước, trong bối cảnh thị trường lo lắng về khả năng nhu cầu năng lượng đi xuống sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lên 75 điểm cơ bản trong tháng 6 - đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của ngân hàng Commerzbank cho rằng, đợt giảm giá mạnh hồi cuối tuần trước có thể coi là một phản ứng chậm trễ của thị trường năng lượng với những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Giới phân tích đang tin rằng, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái sau khi Fed thực hiện đợt tăng lãi suất mạnh tay để khống chế lạm phát tăng. Trong các cuộc họp tới đây, ngân hàng trung ương Mỹ có thể tiếp tục nâng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa.
Giữa những luồng thông tin kém lạc quan đó, thị trường dầu mỏ có thể sớm phải đối mặt với rào cản mới khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
Bất chấp việc các siêu đô thị như Thượng Hải và Bắc Kinh sắp mở cửa trở lại hoàn toàn và một số biện pháp kích thích tài khóa của chính phủ bắt đầu có hiệu lực thì Trung Quốc vẫn đang đứng trước nhiều bất ổn về triển vọng phát triển kinh tế.
Trung Quốc hiện đang là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Năm 2021, nước này nhập khoảng 11,8 triệu thùng dầu/ngày, vượt qua Mỹ - quốc gia nhập khoảng 9,1 triệu thùng dầu/ngày từ nước ngoài.
Vào hồi tháng 5, đà tăng của giá dầu thô đã khựng lại sau khi Bắc Kinh áp dụng chính sách Zero Covid và công bố các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bao gồm các đợt phong tỏa quy mô lớn.
Mặc dù việc phong tỏa đã thành công kìm hãm tốc độ lây lan của dịch bệnh nhưng chúng lại có tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng và sản xuất công nghiệp của đất nước tỷ dân này, Oilprice.com lưu ý.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 5 mất 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt khác, sản lượng công nghiệp bất ngờ tăng 0,7% so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa bù đắp lại được mức giảm 2,9% trong tháng 4.
Nền kinh tế Trung Quốc chững lại
Gần đây, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rằng nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong năm nay - lần đầu tiên kể từ năm 1976, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của đất nước tỷ dân sẽ bước vào một thời kỳ tăng trưởng chậm kéo dài.
Nhiều chuyên gia ước tính, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2022, thấp đáng kể so với dự báo tăng trưởng khoảng 2,8% của nước Mỹ.
Việc duy trì chính sách Zero Covid đã và đang làm chậm nền kinh tế địa phương, gây thêm áp lực cho ngân sách của chính phủ, khiến Bắc Kinh rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc nên tăng vay nợ hay chấp nhận kinh tế tăng trưởng yếu kém.
Thực chất, vấn đề căng thẳng tài khóa đã xuất hiện từ trước khi dịch Covid tái bùng phát, khi mà doanh thu bán đất sụt giảm vì sự lao dốc của thị trường bất động sản và doanh thu thuế hao hụt bởi các gói cắt giảm thuế doanh nghiệp của chính phủ.
Theo dữ liệu chính thức cho thấy, thâm hụt ngân sách tại nhiều tỉnh thành lớn của Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục gần 3.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 448 tỷ USD) trong 5 tháng đầu năm 2022.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vẫn đang hành động rất cẩn trọng do lo ngại rằng đồng nhân dân tệ có thể suy yếu hơn nữa, từ đó khiến cho dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc mạnh hơn giữa thời điểm Fed tăng lãi suất.
Trừ khi các nhà hoạch định chính sách can thiệp mạnh tay để tăng cường nguồn tài chính cho các chính quyền địa phương và PBoC sẵn sàng mạo hiểm để đồng nhân dân tệ giảm giá nhiều hơn, tăng trưởng kinh tế có nhiều khả năng chỉ có thể phục hồi chậm chạp trong quý III.
Trong dài hạn, nền kinh tế của đất nước tỷ dân sẽ khó có thể phát triển thần tốc, chứ chưa nói đến việc vượt qua nền kinh tế Mỹ khi mà quốc gia châu Á này đang trong chu kỳ suy giảm dân số kéo dài.
Ngược lại, Mỹ có lẽ sẽ tiếp tục tăng dân số. Ngày càng có vẻ như Trung Quốc sẽ giống Nhật Bản những năm 1980. Khi đó, người ta đã từng nghĩ Nhật Bản sẽ vượt qua Mỹ, nhưng cuối cùng xứ sở hoa anh đào lại bị đình trệ, dân số tụt dốc.
Chia sẻ với Reuters, nhà phân tích Stephen Brennock của hãng tư vấn PVM, cho biết: "Nguồn cung dầu mỏ sẽ tiếp tục thắt chặt và giúp giá dầu neo ở mức cao. Giá Brent vẫn sẽ ở quanh mốc 120 USD/thùng".
Ngành dầu mỏ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng "chưa từng có". Thông thường, giá vật liệu thô tăng cao sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường khai thác. Thế nhưng, lần này ngành công nghiệp khai khoáng cũng thận trọng không khác gì các công ty dầu đá phiến của Mỹ. Và điều này không phải là điểm báo tốt cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Xu hướng thắt chặt chi tiêu của các doanh nghiệp khai khoáng sẽ gây ra khó khăn cho việc chuyển đổi năng lượng, vì nó kéo giá của các nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình này lên cao hơn. Các trang trại điện mặt trời và điện gió sẽ phải chật vật mua vật liệu.