Cổ phiếu dầu khí “cắm đầu”, tiền “lom dom” bắt đáy
BÀI LIÊN QUAN
“Như diều gặp gió” thời đại dịch, cổ phiếu Zoom giờ đi về đâu?Nhà đầu tư tạm rời xa nhóm phòng thủ, chuyển hướng bắt đáy các cổ phiếu đã chiết khấu sâuLoạt cổ phiếu trụ đang kìm hãm đà đi lên của các chỉ số nhưng vẫn không thể che được diễn biến tích cực ở các nhóm cổ phiếu tài chính, bất động sản. Thị trường có 263 mã tăng/186 mã giảm. Nhóm cổ phiếu blue-chips VN30 vẫn khá mạnh khi chỉ số đại diện tăng 0,31% với 16 mã tăng/11 mã giảm.
Như vậy, VN-Index đang bị kéo xuống từ các cổ phiếu trụ. Tiêu biểu là nhóm dầu khí với GAS lao dốc 6,11% và trong vòng T+3 tính đến sáng nay đã giảm 16,27% giá trị. Nhóm cổ phiếu liên quan đến giá dầu đồng loạt sụt giảm mạnh. Đầu tiên là dầu khí, ngoài ra còn có PVD giảm 6,65%, PVS giảm 6,48%, PVC giảm 3,64%, BSR giảm 7,56%, PVT giảm 2,53%... Hiện chỉ còn PLX tăng 1,41%.
Cổ phiếu dầu khí lao dốc một phần vì giá dầu đang tụt giảm khá mạnh. Dầu WTI tụt về 105 USD/thùng, dầu Brent cũng rơi xuống 111 USD/thùng. Tuy vậy, đây cũng có thể chỉ là hiệu ứng của việc đáo hạn hợp đồng kỳ hạn (vào ngày 22 hàng tháng). Mặt khác, nhiều cổ phiếu dầu khí tăng tốt thời gian qua cũng đang bị chốt lời mạnh.
Nhóm cổ phiếu ngành phân bón, hoá chất nhìn chung cũng bị tác động mạnh từ cổ phiếu dầu khí. DCM, DPM, BFC giảm sàn, AVF, DGC, DDV giảm 3-4%. Nhóm điện có REE giảm 3,73%, POW giảm 5,73%, NT2 giảm 5,37%, VSH giảm 7%, PC1 giảm 6,85%...
Ngược lại, các nhóm cổ phiếu giảm rất sâu trong thời gian trước nay quay đầu tăng bùng nổ. Nổi bật là các mã tài chính bao gồm ngân hàng và chứng khoán. SSI, HCM, BSI, CTS, FTS, APS tăng kịch trần. 16 cổ phiếu nhóm chứng khoán khác trên các sàn cũng tăng vượt 5% giá trị. Các mã chứng khoán hầu hết đã giảm cực sâu, nhiều mã quay lại đáy thời điểm đầu năm 2021.
Nhóm ngân hàng có VCB giảm 2,45% làm ảnh hưởng đáng kể tới VN-Index, nhưng phần còn lại rất tốt. Các mã tăng trên 3% là PGB, VBB, LPB, STB, BAB, VIB. 9 cổ phiếu ngân hàng khác tăng 1-2% giá trị.
Nhóm bất động sản cũng xuất hiện cả chục mã tăng kịch trần, như CEO, BII, IDJ, PVL, DIG, HDC, QCG, CII... Hàng chục mã khác cũng tăng cực mạnh 2-6%.
Nhìn theo các chỉ số nhóm ngành đại diện trên sàn HoSE thì chỉ số nhóm năng lượng giảm 3,17%, nhóm tiện ích giảm 4,65%, nhóm tài chính tăng 1,62%, nhóm vật liệu tăng 1,22%...
Thực tế, các nhóm cổ phiếu giảm mạnh như dầu khí, năng lượng hay hóa chất không hẳn là do yếu tố cơ bản thay đổi mà do phản ứng của nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời. Thị trường hiện đang có hiện tượng xoay vòng dòng tiền, chốt lời các mã cổ phiếu tăng tốt và tìm kiếm những cổ phiếu lao dốc sâu. Do đó nhiều cổ phiếu tăng mạnh hôm nay cũng không hẳn là do yếu tố kỳ vọng lợi nhuận cơ bản mà có thể là giá giảm quá nhiều dẫn đến kích thích lòng tham.
Dù vậy, dòng tiền bắt đáy hôm nay cũng không mấy ấn tượng. Tổng giá trị khớp lệnh 2 sàn tăng nhẹ 7%, đạt 7.631 tỷ đồng. HoSE đang tăng thanh khoản 6% nhưng VN30 lại giảm giao dịch 11%. Như vậy dòng tiền có tín hiệu tăng lên ở các cổ phiếu vừa và nhỏ, phù hợp với diễn biến kịch trần đa phần ở hai nhóm này. SSI là mã tăng hết biên độ duy nhất trong VN30.
Trên cả hai sàn sáng nay chỉ có 18 cổ phiếu khớp lệnh vượt ngưỡng 100 tỷ đồng. Trong đó chỉ có DIG, VND, HPG, SSI là tăng giá. Như vậy ngay cả khi thanh khoản có tăng lên ở nhóm ngoài blue-chips VN30 thì cũng không thay đổi lớn về thanh khoản.
Khối ngoại đang giao dịch khá yếu, tổng mức giải ngân trên sàn HoSE mới đạt 477,3 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng giá trị sàn này. Mức bán ra là 472,9 tỷ, dẫn đến mức ròng nhỏ 4,4 tỷ đồng. VGC đang được mua ròng tốt nhất cũng chỉ 31,2 tỷ, REE và VND cùng chứng chỉ quỹ FUEVFCND là ba mã duy nhất còn lại được mua ròng trên 20 tỷ đồng. Phía bán cũng chỉ có VHM là trên 30 tỷ, còn VNM, SSI là duy nhất vượt 20 tỷ đồng.