Trong phiên Dow Jones thủng mốc 30.000, nhóm cổ phiếu nào rớt thảm nhất?
BÀI LIÊN QUAN
Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994Lịch sử cho thấy chứng khoán Mỹ bị "gấu vả" có thể kéo dài khá lâuChứng khoán Mỹ trải qua một tuần tồi tệ, lạm phát tăng nhanh khiến tâm lý người dùng xuống mức đáyTheo Vietnambiz, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/6 thông báo đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994, các chỉ số cổ phiếu đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, khi bước sang phiên ngày 16/6, thị trường chứng khoán Mỹ lại đồng loạt lao dốc, xóa đi toàn bộ thành quả của phiên giao dịch trước đó.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt giảm 2,42%, tương đương với 741,46 điểm và đóng cửa ở 29.927 điểm. Chỉ số đại diện thị trường S&P 500 giảm 3,25%, xuống còn gần 3.667 điểm.
Theo CNBC, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sa sút mạnh nhất khi rơi mất 4,08% và đóng cửa ở mức 10.646 điểm.
Tính từ đầu tuần đến nay, S&P 500 và Nasdaq đã mất lần lượt là 6% và 6,1%, Dow Jones giảm khoảng 4,7% và đang trên đà ghi nhận tuần giảm thứ 11 trong 12 tuần liên tiếp gần đây.
Sau phiên tiêu cực ngày 16/6, S&P 500 và Nasdaq Composite chìm sâu hơn vào vùng thị trường gấu, kém đỉnh lịch sử lần lượt là 24% và 34% trong bối cảnh mối lo lạm phát đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư.
Trong khi đó, Dow Jones đang kém 19% so với đỉnh giữa phiên (intraday) đã thiết lập vào ngày 5/1 năm nay. Khi một chỉ số giảm trên 20% so với đỉnh lịch sử thì chỉ số đó được coi là rơi vào thị trường gấu.
CNBC dẫn lời của bà Susan Schmidt, Giám đốc Danh mục Cổ phiếu Mỹ tại Aviva Investors: "Có vẻ như tâm lý thị trường chỉ có thể tập trung vào từng vấn đề một. Ngày hôm qua, Fed ra quyết định lãi suất như mọi người dự báo để chống lại lạm phát cao bất thường. Ngày hôm nay, nhà đầu tư lại lo rằng mặt trái của chiến dịch kiềm chế lạm phát là nền kinh tế sẽ giảm tốc".
Nasdaq hiện nay đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2020. Dow Jones đóng cửa dưới 30.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm 2021.
Dow Jones lần đầu vượt mốc 30.000 vào tháng 11 năm 2020 nhờ các gói kích thích tài khóa và tiền tệ khổng lồ thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh mẽ lên các kỷ lục mới. Việc vượt mốc 30.000 giúp cho Dow Jones ghi nhận được mức tăng 60% so với đáy trong đại dịch Covid-19.
Mốc 30.000 không phải là một ngưỡng kỹ thuật quan trọng của Dow Jones nhưng với các mốc chẵn 1.000 điểm thường được phố Wall coi là ngưỡng tâm lý đáng chú ý.
Các số liệu mới được công bố trong ngày 16/6 cho thấy hoạt động kinh tế đã chậm lại một cách đáng kể. Số ngôi nhà bắt đầu được xây mới trong tháng 5 giảm 14%, sâu hơn nhiều so với mức giảm 2,6% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo trước đó.
Chỉ số Kinh doanh tháng 6 do Fed chi nhánh Philadelphia công bố, ghi nhận ở mức âm 3,3 điểm, đánh dấu tháng suy giảm đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2020.
Nhóm cổ phiếu năng lượng là nhóm dẫn đầu đà giảm của chỉ số S&P 500 giữa nhiều lo ngại về suy thoái kinh tế. Tuy sa sút trong phiên gần đây nhất nhưng khi so sánh với ngày đầu năm 2022 thì chỉ số phụ ngành năng lượng vẫn đang cao hơn khoảng 40%.
Nhiều cổ phiếu lớn như Home Depot, Intel, JPMorgan, Walgreens, 3M và American Express cùng rơi xuống đáy 52 tuần mới. Ở nhóm công nghệ, Amazon, Apple và Netflix cũng giảm gần 4%. Tesla và Nvidia rơi tương ứng lần lượt là 8,5% và 5,6%.
Các cổ phiếu hàng không gồm United Airlines và Delta Air Lines đi xuống lần lượt là 8,2% và 7,5%. Trong 30 cổ phiếu bluechip thành viên của Dow Jones, chỉ có 4 mã đi lên là Walmart (ngành bán lẻ), Procter & Gamble (ngành hàng tiêu dùng), Merck và Johnson & Johnson (cùng ngành dược phẩm).
Giám đốc chiến lược thị trường của LPL Financial - ông Ryan Detrick nhận xét rằng: "Fed đang phải luồn qua khe cửa cực kỳ hẹp và tôi nghĩ nhà đầu tư nói chung đang mất gần hết niềm tin vào khả năng thành công của Fed. Sự thực là Fed đang ở trong một vị thế rất xấu. Bây giờ nhìn lại, lẽ ra Fed phải bắt đầu tăng mạnh lãi suất từ cuối năm ngoái và thị trường nhận ra điều này".
Ngày 15/6, Fed thông báo nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản, lên khoảng 1,5-1,75%, đánh dấu lần tăng mạnh tay nhất kể từ năm 1994. Lãi suất hiện nay đã quay lại mức trước khi đại dịch Covid-19 tràn vào Mỹ.
Fed không phải là ngân hàng trung ương duy nhất trên thế giới thắt chặt tiền tệ trong thời gian gần đây.
Ngày 16/6, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) gây bất ngờ khi ra thông báo tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2007. Chủ tịch SNB cảnh báo nguy cơ lạm phát đang tăng cao.
Cùng ngày 16/6 tại châu Âu, Ngân hàng trung ương Anh (BOE) cũng thông báo đợt tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp để kiềm chế lạm phát. Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BOE biểu quyết với kết quả 6/9 thành viên ủng hộ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 1,25%. Ba thành viên còn lại muốn tăng thêm 50 điểm cơ bản.
Giống như trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chứng khoán tại châu Âu phiên ngày 16/6 cũng chìm trong sắc đỏ.